Người chết cứu người sống - Kỳ 2: Vận động nhiều người cùng hiến thi hài
Cụ già 73 tuổi đi lan tỏa thông điệp
Cụ Nguyễn Lan Quỳnh (73 tuổi, ngụ chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) xem việc đăng ký hiến thi hài cho khoa học là niềm vui lớn. “Khi nhắm mắt xuôi tay, thân xác mình cũng hóa thành tro bụi, tan vào lòng đất. Do vậy tôi đã đi đăng ký hiến thi hài để phục vụ cho y học. Tôi tin sau khi mình mất đi vẫn còn có ích cho đời”, cụ Quỳnh chia sẻ.
Cách đây hơn chục năm, cụ Quỳnh biết việc hiến thi hài qua người con gái khi đó đang là sinh viên y khoa. Con gái đi học về thường kể những khó khăn trong thực hành do không có nhiều thi hài, nhiều sinh viên phải học chay trên các mô hình khô khan, không có ý nghĩa thực hành. “Nghe câu chuyện của con, tôi nghĩ mãi về cái chết. Hóa ra khi chết đi thân xác mình đâu vô ích, nếu để cho sinh viên y khoa nghiên cứu thì có ích lắm chứ, nhiều bệnh tật có khả năng sẽ được thanh toán, nhiều nỗi đau sẽ được chấm dứt”, cụ Quỳnh nói. Nghĩ vậy nên cụ quyết định đi đăng ký hiến thi hài cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).
Không những thế, sau đó cụ Quỳnh còn vận động thêm nhiều người khác cùng đăng ký hiến thi hài. “Tôi hay nói với mọi người về ý nghĩa của sự sống và cái chết, điều có ích của việc hiến thi hài. Đến nay, trong chung cư 218 Nguyễn Đình Chiểu đã có 18 người đăng ký hiến thi hài cho y học”, cụ Quỳnh tự hào.
Không chỉ vận động một lượng lớn người trong chung cư tham gia hiến thi hài, mà bất cứ lúc nào tiếp xúc với mọi người cụ Quỳnh đều trò chuyện với họ về việc làm ý nghĩa này, tận tình hướng dẫn mọi người về thủ tục hiến thi hài. “Những lần thuyết phục được người khác tham gia việc nghĩa, tôi cảm thấy niềm vui rất lớn”, cụ Quỳnh sẻ chia. “Nhưng không phải lúc nào chuyện vận động đó cũng suôn sẻ. Có lúc vận động tôi bị người ta mắng cho. Con cháu của những người được tôi vận động hiến thi hài tỏ khó chịu, nói tôi “dụ” bố mẹ họ hiến thi hài để làm gì? Gặp những trường hợp như thế tôi từ từ thuyết phục, rồi cũng có người hiểu và tham gia”, cụ Quỳnh vừa nói vừa cười hóm hỉnh.
Trong căn hộ chung cư nhỏ hằng ngày cụ Quỳnh sống thanh thản, vui vẻ với con cháu. Nụ cười và dáng vẻ của cụ trông còn rất trẻ so với tuổi 73. Có lẽ nhờ cụ thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm khi quyết định hiến thi hài cho khoa học. Cụ Quỳnh đúc kết: “Cái chết đến với mình lúc nào không biết đâu. Làm sao để khi chết đi mình vẫn có ích cho khoa học”.
Những người như cụ Lan Quỳnh đang giúp cho việc hiến thi hài được lan tỏa như mạch nước ngầm, thấm dần vào suy nghĩ của mọi người...
Vận động gần 50 người hiến thi hài
Chính nhờ những người như cụ Quỳnh mà lượng người đăng ký hiến thi hài cho khoa học ngày một nhiều. Lật cuốn sổ ghi chép của bộ môn Giải phẫu Trường đại học Y Dược TP.HCM, chúng tôi thấy không ngày nào vắng người đến trường đăng ký hiến thi hài, hôm ít thì 5 người, nhiều lên đến hơn 30 người. “Điều đặc biệt là nhiều người sau khi đăng ký về còn vận động nhiều người khác tham gia, có gia đình vận động được đến 50 người tham gia hiến thi hài. Những người đăng ký hiến thi hài gồm nhiều thành phần, từ nông dân, công nhân, sinh viên, doanh nhân, công an, bộ đội, tu sĩ... Tất cả họ làm trên tinh thần tự nguyện, với mong muốn cống hiến cho khoa học, chứ họ và gia đình không được quyền lợi nào”, GS-TS Lê Văn Cường, Trưởng bộ môn Giải phẫu Trường đại học Y Dược TP.HCM, nói.
Trường hợp vận động được 50 người hiến mà ông Cường nói ở trên là gia đình anh D.V.T ở Đồng Tháp. Trước đó, cha và mẹ anh T. đều hiến thi hài cho Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Thấy việc làm có ý nghĩa của cha mẹ, anh T. sau đó đã vận động được 50 người (người thân, hàng xóm) đăng ký hiến thi hài cho Trường ĐH Y Dược. Còn PGS-TS Phạm Đăng Diệu, Phó hiệu trưởng, kiêm Trưởng bộ môn Giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), kể: “Ở TP.HCM có một bác hưu trí và một người làm trong ngành bảo hiểm đã vận động được rất nhiều người tham gia đăng ký hiến thi hài. Việc làm của họ thầm lặng nhưng rất đáng được xã hội tôn vinh”.
Hơn 25.000 người đăng ký hiến thi hài
Năm 1993, bộ môn Giải phẫu của Trường ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận đơn của một người tự nguyện hiến thi hài cho việc đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đến năm 1996, trường tiếp nhận thi hài đầu tiên. 3 năm trở lại đây, Trường ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận bình quân mỗi năm khoảng 2.000 đơn nguyện hiến thi hài sau khi mất. Tổng cộng, đến nay đã có hơn 20.000 người đăng ký hiến thi hài tại trường. Còn tại bộ môn Giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), bình quân mỗi năm tiếp nhận khoảng 300 lá đơn tình nguyện hiến thi hài. Đến nay, đã có hơn 5.000 người đăng ký hiến thi hài tại trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước