Thị trường

Người dân ngao ngán khi hóa đơn tiền điện "nhảy vọt"

(DNVN) - Nhiều người dân đã không khỏi bất bình và thắc mắc khi hóa đơn tiền điện tháng 6 bất ngờ tăng gấp đôi, thậm chí là tăng gấp 8 lần so với tháng trước.

Tiền điện tăng vọt, dân ngao ngán
Theo phản ánh của một số người dân đến các cơ quan báo chí, hóa đơn tiền điện trong tháng 6 của gia đình họ bất ngờ tăng cao, thậm chí là tăng gấp 8 lần so với tháng trước đó. Nhiều người đã tỏ ra rất bức xúc và thắc mắc cách tính tiền điện của các nhà quản lý điện.
Phản ánh đến báo chí, Chị Thu cho hay, “Tháng trước nữa tôi vẫn có dùng điều hòa, tuy nhiên tháng này có dùng nhiều hơn một chút song không thể tăng gấp đôi như thế này được”, vừa nói chị vừa nhìn vào tờ tiền điện thông báo đóng 1,5 triệu đồng. 
Chị Thu bộc bạch, tháng trước trời có nóng song không nóng bằng tháng này. Nếu như tháng trước chị có có bật điều hòa từ 9h tối đến 1 giờ sáng thì tháng này chị thường bật từ 9 giờ tối tới sáng sớm hôm sau mới tắt đi. “Tôi không nghĩ dùng thêm vài giờ mà tiền điện đã tăng gấp đôi như thế”. 

Trong khi đó, chị Trần Thanh Hương (P.Khương Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Bình thường mỗi tháng nhà tôi chỉ trả khoảng 400.000 đồng, tháng này vọt lên hơn 1,8 triệu đồng. Không hiểu ngành điện họ có tính sai không”. Như vậy, số tiền điện của gia đình chị Hương đã tăng gần gấp 5 lần so với tháng trước.

Cùng hoàn cảnh nhưng mức tiền điện tăng có nhẹ nhàng hơn là gia đình chị P.H ở khu đô thị Văn Quán, Hà Nội khi số tiền điện tháng 6 tăng gấp đôi so với tháng trước. Chị P.H cho biết: “Trong kỳ tính chỉ số côngtơ tháng 5, lượng điện sử dụng của gia đình tôi tăng lên 799kWh (so với trước chỉ khoảng 490 - 500kWh/tháng) và tiền điện phải trả lên tới trên 2 triệu đồng. So với các tháng trước đó, mỗi tháng tiền điện gia đình phải trả từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tháng”. Chị thừa nhận, có thể do thời tiết nắng nóng bất thường, thêm vào đó, cậu con trai nghỉ hè ở nhà bật điều hoà, nhưng tiền điện tăng gấp đôi là vô lý.

Hóa đơn tiền điện của một hộ dân bất ngờ tăng cao. Ảnh: FB.
Hóa đơn tiền điện của một hộ dân bất ngờ tăng cao. Ảnh: FB.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Huệ (Minh Khai, Hai Bà Trưng) cũng chia sẻ, hoá đơn tiền điện chị phải thanh toán cho nửa cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6 lên đến hơn 900.000 đồng, gấp đôi so với kỳ sử dụng trước đó trong khi việc sử dụng điện trong gia đình gần như không thay đổi.
Hiện trong gia đình chị Huệ, thiết bị tốn điện năng nhất là 2 chiếc điều hoà song do phải đi làm cả ngày nên điều hoà chỉ được sử dụng từ khoảng 22 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau, và việc sử dụng điều hoà như vậy lặp lại từ các tháng trước đó, không chỉ trong đợt nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa rồi.
Một khách hàng khác của EVN Hà Nội tại Hà Đông thậm chí có hoá đơn tăng chóng mặt, gấp 8 lần so với tháng trước đó. Cụ thể, trong hoá đơn thanh toán điện mới nhận, gia đình chị phải thanh toán đến hơn 2,5 triệu đồng cho 974 kWh, tương đương mỗi ngày sử dụng hơn 32 số điện, trung bình mỗi giờ sử dụng hơn 1,3 số điện trong khi tháng trước đó chỉ có 188 kWh, tương đương hơn 338.000 đồng.

Hóa đơn tiền điện tháng 6 của hộ gia đình này tăng gấp 8 lần so với tháng 5.
Hóa đơn tiền điện tháng 6 của hộ gia đình này tăng gấp 8 lần so với tháng 5.

Theo chia sẻ của chị, diện tích căn hộ khoảng 60m2, lắp đặt 2 chiếc điều hoà, sử dụng 1 số các thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, ti vi, bóng đèn... 2 vợ chồng đi làm cả ngày chỉ tối ở nhà trong khi mùa đông sử dụng các thiết bị bình nóng lạnh, điều hoà nóng chỉ số điện cũng không tăng vọt như tháng vừa rồi.
Trường hợp tiền điện "nhảy vọt" như các hộ dân trên là khá phổ biến. Thậm chí có không ít hộ hóa đơn lên tới 3 - 5 triệu đồng. Trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn khác, những người phản ánh hóa đơn tiền điện tăng đột biến rất nhiều mà chưa có một thống kê chính thức nào của ngành điện công bố về số lượng người dùng phải chi trả tiền điện lớn bất thường như vậy.
EVN đổ lỗi tại "ông trời"
Trước tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến, Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) lý giải là do thời tiết chuyển nóng bất thường, nhiệt độ tăng đỉnh điểm dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ tăng cao.
Đơn cử những ngày cuối tháng 5:  Ngày 25-5: 46,538 triệu kWh; Ngày 26-5: 52,788 triệu kWh; Ngày 27-5: 57,752 triệu kWh (tăng 10% so với ngày đỉnh điểm năm 2014); Ngày 28-5: 59,02 triệu kWh (tăng 11% so với ngày đỉnh điểm năm 2014); Ngày 29-5: 61,48 triệu kWh (tăng 12% so với ngày đỉnh điểm năm 2014); Ngày 30-5: 59,59 triệu kWh (tăng 11% so với ngày đỉnh điểm năm 2014). Sản lượng ngày đỉnh điểm năm 2014 là ngày 20-5-2014 chỉ ở mức 52,806 triệu kWh. 

Rất nhiều hộ dân đều phản ánh hóa đơn tiền điện tăng vọt. Ảnh: TN
Rất nhiều hộ dân đều phản ánh hóa đơn tiền điện tăng vọt. Ảnh: TN

Bên cạnh đó, theo EVN Hà Nội cũng cho rằng, sản lượng tăng cao cùng với việc áp giá điện mới tăng cao phần lũy tiến theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện và áp dụng từ ngày 16/3 vừa qua. Cụ thể, từ 16/3, giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt từ 1.484 đến 2.587 đồng/kWh; điện kinh doanh dao động từ 1.185 đến 3.991 đồng/kWh.
Giá điện sinh hoạt mới được xây dựng theo mức bậc thang (6 bậc), nên nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều, tác động tăng tiền điện càng lớn.
EVN cũng đưa ra ví dụ: “Giả sử tháng trước, một gia đình sử dụng trên 100 kWh điện, mức bậc thang cao nhất là 1.786 đồng/kWh, tổng chi phí phải trả là 300.000 đồng. Nhưng sang tháng sau (ví dụ tháng 5), chỉ số công tơ trên 400 kWh, giá cao nhất trong biểu giá là 2.587 đồng/kWh thì mức tiền trả khoảng 1 triệu đồng. Chỉ số điện năng tăng gần gấp đôi nhưng theo cách tính bậc thang thì số tiền phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần”
Một nguyên nhân nữa khiến giá điện tăng cao là do… máy điều hòa. Nhiệt độ ngoài trời càng nóng thì máy điều hòa phải làm việc hết công suất nên tiêu tốn điện năng sẽ rất cao. Như vậy, theo lý giải của EVN, việc hóa đơn tiền điện tháng 5 có nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là do... khách quan.
Cách tính tiền điện ngược với thế giới
Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành điện, việc tiêu thụ điện tăng cao và các gia đình phải trả thêm nhiều tiền, phản ánh theo hóa đơn cơ bản là đúng. “Cũng có một số nguyên nhân, có thể có chuyện do thời tiết nóng bức, nhân viên đi thống kê, đọc công tơ nhanh, không kỹ, có khi ghi sai nhưng cơ bản lý do hóa đơn tiền điện tăng cao và bất hợp lý lại chính ở biểu giá điện tính theo công thức lũy tiến”, ông này nói và phân tích: “Nếu bình thường dùng 100 - 200 kWh/tháng thì còn đỡ, nhưng tăng lên trên 400 kWh thì rất khác vì mức giá trên kWh thứ 401 là 2.587 đồng/kWh. Nhưng đó là nói sách vở thôi chứ thực tế, cách tính bậc thang nó rất cao”.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, các chuyên gia cho rằng: "Về nguyên tắc, tiêu càng nhiều điện giá càng giảm nhưng ở ta dùng càng nhiều giá điện càng tăng, là ngược với thế giới. Lẽ ra doanh thu của anh cao thì anh phải hãm bớt lợi nhuận chứ anh lại tăng lợi nhuận cao quá là không được. Do đó EVN nên điều chỉnh lại biểu giá cho hợp lý, ví dụ như trên 200 kWh thì không nên tăng giá nữa mới hợp lý, còn anh tăng trên 2.500 đồng là không ổn. Cộng thêm việc đo, đếm sai thì người dân thiệt quá. Ngành điện các nước họ không để dân quá thiệt như vậy”.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, việc tăng giá điện 7,5% từ ngày 16.3.2015 sẽ đưa doanh thu của EVN năm 2015 tăng thêm 13.000 tỉ đồng. Nhưng với thực tế mức tiêu thụ điện tăng rất cao những tháng cao điểm nắng nóng năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng mức thu của EVN còn cao hơn nữa. Bộ Công thương và EVN cần phải xem lại biểu giá điện với công thức tính lũy tiến để đảm bảo lợi ích cho người dân. Hiện nay công suất dự phòng vẫn có trên 4.000 MW, nhu cầu tiêu thụ điện của người dân là thiết yếu nên không thể vì lý do hạn chế tiêu thụ, tiết kiệm điện để đặt mức giá lũy tiến quá cách biệt. Cách tính hiện nay là quá lợi cho EVN và quá thiệt cho người tiêu dùng.

Hòa Hậu (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo