Tin tức - Sự kiện

Người dân phải bỏ tiền túi để sửa thang máy chung cư

Đó là cảnh không xa tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội (từ năm 2015). Nhưng gánh nặng tiền bạc hiện chỉ là một phần trong những lo lắng của người dân nơi đây trước “giờ G” tự đóng phí bảo trì…

 Lo ngại sự thiếu minh bạch

Ngày 19/9/2014, Công ty Cổ phần Vinasinco (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex, được giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa tại khu đô thị) có văn bản gửi ban quản trị, tổ dân phố các cụm nhà chung cư trong khu đô thị, thông báo nguồn kinh phí bảo trì của Tổng Công ty Vinaconex để bảo trì khu đô thị sẽ sử dụng hết vào cuối năm 2014. Kể từ năm 2015, kinh phí bảo trì tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính sẽ do cư dân tại khu đô thị đóng góp theo các quy định hiện hành. 
 
Công văn cũng đưa ra phương án Công ty Cổ phần Vinasinco sẽ tiếp tục nhiệm vụ thực hiện công tác bảo trì, sửa chữa tại khu đô thị của mình trên cơ sở đóng góp của người dân. 
 
Dù thông tin về việc dân tự đóng tiền bảo trì vào năm 2015 cũng đã được đả động vài lần trước đó, nhưng trong các cuộc họp tổ dân phố và trao đổi, bàn tán ngoài lề của cư dân bộc lộ tâm trạng lo lắng về sự thiếu minh bạch trong khâu quản lý tiền bạc mà người dân đóng góp, rồi sự không công bằng trong khoản tiền đóng góp và tần suất sử dụng… 
 
Liệu có  “phí chồng phí”?
 
Hiện nay, mức phí dịch vụ mà người dân khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đóng hàng tháng phổ biến là 120.000 đồng/hộ/tháng. Có thể nói, so với các khu chung cư khác trên địa bàn thành phố thì mức phí này là thấp, thậm chí rất thấp. Tuy nhiên, đằng sau cái sự “rất thấp” này là cả một câu chuyện “đấu tranh” mà nhiều người dân khu chung cư vẫn chưa quên. 
 
Cách đây gần 10 năm, công ty quản lý khu đô thị đã nhiều lần đề xuất nâng mức phí dịch vụ lên cao, nhưng người dân khu đô thị không chịu vì cho rằng quyết định đó là không hợp lý. Nói không hợp lý là do khi xây dựng khu đô thị, Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex đã có công văn gửi thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ việc cơ sở hạ tầng ở tầng 1 các tòa nhà sẽ được khai thác, sử dụng để từ đó có nguồn tiền trích lại chịu chi phí bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà, máy móc thiết bị… phục vụ người dân. Cũng phải nói thêm rằng, người dân khu đô thị đã rất vất vả mới tìm được công văn này để “đấu tranh” với công ty quản lý nhà. 
 
Và lúc này, khi thời điểm người dân phải tự đóng phí bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà đang đến gần thì câu hỏi trên lại được đặt ra: Khoản tiền cho thuê các cơ sở hạ tầng ở tầng 1 các tòa nhà sẽ đóng vai trò gì, đỡ được khoản nào trong việc dân tự góp tiền? Vào năm 2015, bên cạnh việc tự đóng phí bảo trì,người dân vẫn sẽ phải nộp tiền phí dịch vụ hàng tháng như bình thường. Liệu có xảy ra tình trạng “tiền chồng tiền”, “phí chồng phí” hay không – vẫn là câu hỏi đang đặt ra. 
 
Hơn nữa, theo quan điểm của cư dân, cơ quan quản lý không thể cứ nhân danh việc cho thuê mặt bằng để bù tiền cho người dân rồi “muốn làm gì thì làm”. Ông Trần Minh Dũng – cư dân trong khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính cho rằng: “Người dân phải được biết tất cả hoạt động liên quan đến tòa nhà, chứ không thể cứ nói bù cho dân bằng cách thu phí cho thuê mặt bằng khu vực xung quanh rồi dẫn đến tình trạng trẻ em không có chỗ chơi, người lớn không có chỗ đi lại, tản bộ, xảy ra hỏa hoạn xe cứu hỏa cũng chịu không vào được”.
 
Cách đây chưa lâu, tại tòa nhà N5A Trung Hòa, Nhân Chính, một bảo vệ tử vong do thang máy chung cư bị hỏng khiến nhiều người đặt câu hỏi: Không biết số kinh phí bảo trì đi đâu mà không được đơn vị quản lý nhà mang ra sửa chữa, bảo dưỡng thang máy dẫn đến chết người? Trước đó, người dân tại tòa nhà này đã phải cùng nhau đóng góp tiền để thuê thợ sửa chữa thang máy, nhưng chưa kịp sửa thì tai nạn đau lòng xảy ra.
 
Hy vọng rằng, câu chuyện “tự bỏ tiền túi để sửa thang máy chung cư” tới đây của người dân khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính sẽ không gặp phải những điều không hay tương tự.
 
Theo Pháp luật Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo