Người dân Syria lũ lượt gia nhập IS vì nghèo khổ, túng quẫn
Báo VnExpress dẫn nguồn truyền thông quốc tế đưa tin, một tay súng IS đào ngũ thừa nhận rằng nhiều người tham gia vào tổ chức khủng bố là vì mong muốn được thay đổi số phận, trốn tránh cuộc sống nghèo khó.
Theo tay súng đào ngũ tự gọi mình là Abu Khaled này, tiền bạc là một trong những động lực chủ yếu hút các tay súng đến với IS. Sau khi gia nhập tổ chức, các thành viên sẽ được trả lương hậu hĩnh bằng USD thay vì đồng lira của Syria, với mức mà họ chưa từng mơ thấy trước đây.
"Tôi được IS trả tiền thuê nhà là 50 USD/tháng, tiền điện cũng được thanh toán. Vì đã kết hôn, tôi được nhận thêm 50 USD phần của vợ. Nếu bạn có con, bạn được nhận thêm 35 USD cho mỗi đứa. Nếu bạn còn bố mẹ, bọn chúng trả thêm 50 USD cho mỗi người. Các khoản phúc lợi rất hậu hĩnh", Khaled, người từng làm việc trong ban an ninh của IS và huấn luyện các chiến binh nước ngoài, nói.
Những khoản tiền này không chỉ dành riêng cho các tay súng trong tổ chức. Bất kỳ thành viên nào của IS, từ công nhân xây dựng cho đến bác sĩ, đều nhận được những khoản trợ cấp tương tự.
Khaled cho biết ở đất nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, những khoản thu nhập này thực sự khiến người ta phát cuồng, bởi có những người không kiếm đủ tiền để nuôi gia đình họ, hoặc có những người đơn giản là hy vọng trở nên giàu có.
"Tôi biết một anh thợ nề từng nhận được 1000 lira/ngày (khoảng 4,5 USD). Số tiền này chẳng đáng là bao. Sau khi gia nhập IS, anh ta kiếm được 600-700 USD/tháng, trong đó tiền trợ cấp cho bản thân anh ta là 100 USD, 50 USD cho vợ và 35 USD cho đứa con. Anh ta đã từ bỏ nghề thợ nề, cầm súng chiến đấu cho IS, tất cả là vì tiền", Khaled cho biết.
Nhiều người Syria khác chạy trốn khỏi sự cai trị của IS xác nhận thông tin của Khaled đưa ra là đúng và khẳng định rằng một cách dễ dàng để trở nên giàu có và nâng cao địa vị dưới chế độ IS là gia nhập tổ chức.
"Không có việc làm nên bạn phải gia nhập IS để sinh tồn. Có rất nhiều người buộc phải gia nhập tổ chức vì đói nghèo" , Yassin al-Jassem, một người tị nạn Syria từng sống gần sào huyệt Raqqa của IS, chia sẻ trải nghiệm với tờ Washington Post, theo báo VnExpress.
Theo Newsweek, sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống của những người sống dưới sự cai trị của IS đang càng ngày càng lớn. Các thành viên của IS được cấp lương thực, miễn phí chăm sóc y tế và có căn hộ mơ ước. Ngược lại, những người không chịu gia nhập tổ chức của chúng hầu như không có tiền sinh hoạt trong khi vật giá liên tục leo thang.
IS đủ khả năng chi trả cho các thành viên của tổ chức thông qua 4 nguồn thu nhập chính: dầu mỏ, cổ vật cướp được, đánh thuế người dân, và tiền chuộc những người bị chúng bắt cóc.
Trong một diễn biến liên quan, theo TTXVN, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 22/11 tuyên bố sẽ tước quyền công dân đối với tất cả những người Israel gốc Arab gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiến đấu tại Syria. Thủ tướng Netanyahu khẳng định "những người gia nhập IS sẽ không còn là công dân Israel và khi đã rời khỏi đất nước thì không thể quay về".
Không chỉ người dân Syria, Israel đua nhau gia nhập IS mà nhiều công dân Đức cũng vậy. Theo báo VTC News, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói có khoảng 760 công dân nước này tham gia chiến đấu cho IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria và Iraq.
Vị Bộ trưởng cũng cho biết, trong số những người trên có khoản 120 người đã thiệt mạng. Trong khi đó, cơ quan an ninh Đức đang theo dõi chặt chẽ khoảng 70 nhân vật có mối quan hệ thân thiết với IS nhưng đã trở về Đức. Ông De Maiziere cho biết thêm, đa số các công dân Đức tham chiến tại Syria và Iraq là nam giới trong độ tuổi 20, những người sinh ra và có quốc tịch Đức.
Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Israel (Shin Bet) cũng đưa ra cảnh báo về mối đe dọa an ninh từ các đối tượng người Israel gia nhập IS sau khi bị lôi kéo bởi các thủ đoạn tuyên truyền của nhóm này, chủ yếu là qua mạng Internet. Chính quyền Israel cho biết có khoảng 45 người Israel gốc Arab đã gia nhậpIS và một số đã bị tiêu diệt, trong khi 10 đối tượng tìm cách quay trở lại Israel đã bị bắt giữ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo