Tin tức - Sự kiện

Người đẹp Mis Moringa

Với nickname Miss Moringa, bà Phan Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên và Công ty TNHH TMTM dường như đang được gắn thêm sứ mệnh đặc biệt với loài cây cũng rất đặc biệt.

Với bà Mai, mọi mối quan tâm hiện giờ là Moringa. 27 năm kinh doanh thủy sản xuất khẩu với nhiều thành công và danh tiếng không đủ níu chân người đàn bà đẹp dừng lại trên đỉnh vinh quang. 

 

 

 

Bà Phan Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên

 

Bà vừa hoàn tất thủ tục để 12 container 40 feet mì gói Moringa xuất bến sang châu Âu theo hợp đồng đã ký giữa Công ty TMTM – doanh nghiệp bà thành lập vào năm 2011 để chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây Moringa với các đối tác. Như vậy, tính về số lượng, khoảng 2 triệu gói mì Moringa “Made in Vietnam” với thương hiệu Mori đã có mặt trong nhiều siêu thị tại châu Âu.

Con số này chắc chắn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi bà Mai cho biết, nhiều đơn hàng mới đã được ký kết. Cùng với đó, kênh xuất khẩu cho trà Mori - cũng là một sản phẩm chiết xuất từ Moringa từ năm 2011 đang được bà miệt mài gây dựng.

Sau khi thành công trong hợp tác với Công ty Miliket để cho ra sản phẩm mì gói, bà Mai kể, đang làm việc với Kinh Đô để làm các loại bánh từ cây Moringa. Kế hoạch làm việc với một công ty của Đài Loan để đưa hạt Moringa sang Đài Loan ly trích, cộng thêm lô hội và đặt gia công mỹ phẩm cũng đang khởi động mạnh mẽ.

“Sở dĩ tôi chọn gia công ở Đài Loan vì mục đích của tôi là xây dựng nền tảng cho mỹ phẩm này để phát triển thương hiệu về lâu dài. Hơn nữa, sản phẩm thiên nhiên, nên đòi hỏi kỹ thuật cao, nhà máy phải có tiêu chuẩn GMP và chuyên gia công cho các nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới. Sắp tới, tôi tiếp tục cho ra viên uống bổ sung Moringa để tăng cường sức khỏe và phòng ngừa một số bệnh khác”, bà Mai không ngần ngại chia sẻ về các kế hoạch kinh doanh của mình.

“Cũng phải nói thật, không dễ để có được sự hợp tác này. Không chỉ Moringa là sản phẩm mới, như Kinh Đô xưa nay không chấp nhận gia công cho ai. Nhưng ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh Đô lại mê loại cây này, mê các sản phẩm từ thiên nhiên”, bà Mai sôi nổi kể và dường như vẫn còn đầy tâm trạng vui mừng khi nhắc tới lời cảm ơn của ông Thành rằng, cám ơn đã góp phần làm cho sản phẩm của Kinh Đô đẹp hơn.

Thực ra, với người dân miền Trung và các địa phương dọc biên giới phía Tây như Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Moringa chính là cây chùm ngân, vẫn được người dân sử dụng như một loại rau xanh và lá thuốc giải cảm. Nói một cách khác, đây là một loại thuốc dân gian dành cho người nghèo. Nhưng với kỹ sư hóa học và có nghiên cứu về các sản phẩm thảo dược như bà Mai, Moringa là một thần dược. Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, trong Moringa có rất nhiều vitamin A, C, E..., canxi, có hơn 17 loại axit amin cần thiết cho cơ thể.

“Trong triết lý nhà Phật, Moringa còn được gọi là cây độ sinh, vì việc trồng đơn giản và khả năng chữa bệnh của nó. Biết cây này tốt, chúng tôi trồng để ăn và bán lá. Cũng chia sẻ với mọi người cách trồng và cách sử dụng. Nhưng một lần, có người hỏi, tôi trồng cây này mai mốt cô có quay lại mua hay không. Rồi có sư thầy hỏi có cách nào để ai cũng có thể ăn loại thực phẩm này không… Tôi hiểu rằng, duyên nghiệp của tôi với Moringa chỉ mới bắt đầu”, bà Mai nhớ lại.

Khi bắt đầu thành lập Công ty TMTM để thương mại hóa đề án đã đưa bà trở thành Miss Moringa vào năm 2011, mong muốn ban đầu rất đơn giản, là tạo đầu ra để tiêu thụ được Moringa cho bà con nông dân, giúp họ sống được trên vùng đất của mình. Khi đó, bà Mai nhớ lại, chỉ định làm trà Moringa.

“Tôi đã cùng mấy người em quy hoạch một trang trại 20 ha đã có sẵn ở Đồng Nai để trồng loại cây này theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, đảm bảo các sản phẩm từ Moringa đủ điều kiện xuất khẩu tới các thị trường khó tính nhất. Cũng là cách để thu mua được sản phẩm của bà con một lâu dài…”, bà Mai sôi nổi kể.

Nhưng khi 8 loại trà được sản xuất thành công, một khách hàng ở Mỹ sang Việt Nam tìm gặp và đặt vấn đề cộng tác. “Cơ hội rất tốt cho cả tôi và những người nông dân trồng Moringa, nhưng tôi đành từ chối, khi họ yêu cầu phải sử dụng thương hiệu của họ. Công dụng cây này thì họ biết, cũng nhiều nước đã biết, nhưng không phải nơi nào cũng đã có sản phẩm chế biến. Đây là lý do tôi không thể dừng lại ở một sản phẩm và muốn giữ được thương hiệu Việt cho sản phẩm này”, bà nói.

Tính từ khi Đề án Ứng dụng phát triển các sản phẩm thương mại hóa từ cây Moringa của bà Mai vượt qua 100 đề án khác để đoạt giải đặc biệt Nữ doanh nhân Mekong do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức năm 2012 đến giờ, nhiều khoản đầu tư đã đổ xuống những cánh đồng.

Bà không tiết lộ số tiền này, nhưng nghe bà kể chặng đường nghiên cứu công thức các sản phẩm chế biến từ Moringa, thời gian và công sức đưa hạt giống và kỹ thuật trồng Moringa miễn phí đến người nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh miền trung như Phan Thiết, Bình Thuận, rồi 10 tỉnh dọc sông Hồng, đưa hạt giống ra đảo Trường Sa, có thể hiểu rằng, con đường mà bà đang theo đuổi thực sự rất dài và không bằng phẳng.

“Chúng tôi có khoản hỗ trợ từ chính Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên. Năm 2013, doanh thu (gồm cả ủy thác xuất khẩu) của Công ty Tài Nguyên đạt trên 20 triệu USD, tăng 49% so với năm 2012. Trước đó, doanh nghiệp này cũng tăng trưởng 2 năm liên tục so với cùng kỳ: năm 2012 tăng trưởng 12%; 2011 tăng trưởng 27%”, bà nói như để lý giải chặng đường mới của mình.

Cũng theo bà Mai, hiện tại, mọi việc ở công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên đã đi vào ổn định, vì đã có hệ thống khách hàng và đã  thực hiện quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 22.000…, nên bà an tâm dành toàn bộ thời gian cho dự án cây Moringa. 

“Cần phải tạo được ngày càng nhiều sản phẩm mới để đa dạng hơn các mặt hàng, để người nông dân họ thấy rằng, họ có thể yên tâm với cây trồng này. Nói gì thì nói, khi tôi đã mở ra một loại cây để họ trồng, thì tôi phải tìm cho chính mình một con đường dài để đi”, bà Mai nói thêm.

Vừa mới đây, nghe bà kể, showroom giới thiệu sản phẩm của bà bất ngờ được đón tiếp Tổng lãnh sự Cuba đến thăm cùng các nhà khoa học Cuba. Họ mong muốn hợp tác trong điều chế một số thuốc liên quan đến cây Moringa. Rồi cả Tổng lãnh sự Mỹ, Tổng lãnh sự Singapore và nhiều khách nước ngoài nữa cũng đến tìm hiểu.

“Nhà nước đã quan tâm và đưa cây Moringa vào 1 trong 10 loại cây được chăm sóc, bảo tồn và phát triển. Trên thị trường thế giới, người ta đang háo hức với các sản phẩm được chế biến từ loại cây này. Cho đến khi người nông dân Việt Nam chưa cải thiện được cuộc sống một cách bền vững được từ Moringa, thì tôi chưa cho phép mình dừng lại”, bà tâm sự...

Bạn bè quốc tế gọi bà là Miss Moringa. Còn tại Việt Nam, bà Mai kể, đã có lần phát khóc, vì được nhiều người không quen gọi là cô Mai Moringa. “Tôi muốn họ có thể quên tên của tôi để nhớ và gọi Mori, hay Moringa - một sản phẩm của người nông dân Việt Nam”, bà Mai nói.

Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo