Tin tức - Sự kiện

Người được thần Đồng Cổ "giao" sứ mệnh phục dựng trống đồng Đông Sơn

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cội nguồn nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ, nơi những chiếc trống đồng với lịch sử hàng ngàn năm đã được phát hiện, nghệ nhân Thiều Quang Tùng (còn gọi là Tùng "trống", xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) luôn trăn trở làm sao để tìm lại “bí kíp” làm nên chiếc trống đồng Đông Sơn.

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng chia sẻ về nghiệp trống đồng.

Không sinh ra trong gia đình làm đồ đồng truyền thống, nhưng xuất phát từ công việc sửa chữa, phục chế cổ vật đã mang đến cho anh Tùng niềm đam mê trống đồng và khao khát khôi phục công nghệ làm nên chiếc trống đồng của thời kỳ văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Sống với niềm đam mê ấy, anh Tùng đã không tiếc công sức tìm tòi, nghiên cứu. Anh đầu tư đi học làm đồ đồng ở khắp nơi rồi tự mày mò với hy vọng sẽ có ngày tìm được “bí kíp thất truyền”.

Anh Tùng chia sẻ, anh có niềm tin mãnh liệt vào thần linh và luôn cảm nhận được dẫn dắt và chở che bởi thần Đồng Cổ (vị thần trống đồng có đền thờ tại Thanh Hóa - PV). Chính điều đó đã củng cố niềm tin và tiếp thêm động lực để anh thực hiện khát vọng của mình.

Mặc dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm đồ đồng, nhưng anh Tùng vẫn mong muốn tìm được câu trả lời cho công nghệ đúc trống đồng Đông Sơn. Với quyết tâm không gì lay chuyển được, anh quyết định bán nốt gia sản là căn nhà của bố mẹ để lại để có tiền tiếp tục nghiên cứu.

Khó khăn chồng chất, khao khát chưa thực hiện được, nhưng cả gia đình anh Tùng đã phải trải qua cuộc sống lao đao sau khi bán nhà. Những người trong gia đình ngăn cản anh không được đến nỗi phải cắt cả tiền hỗ trợ, với mong muốn anh sẽ nghĩ lại mà từ bỏ khát vọng xa vời của mình. Song, anh Tùng không chịu khuất phục.

Được Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh và Hội Cổ vật Thanh Hoa giúp đỡ, anh được tiếp xúc nhiều hơn với các nguyên bản trống đồng. Sự cố gắng không ngừng nghỉ suốt gần 6 năm và niềm tin mãnh liệt của anh đã được đền đáp bằng việc đúc thành công chiếc trống đồng theo công thức chính xác của thời kỳ Đông Sơn - chỉ đúc một lần đổ ra là thành trống, không có mối hàn và hoa văn được tạo từ lúc làm khuôn trống. Anh Tùng còn tự tay vẽ các mẫu hoa văn trên mặt trống theo các mẫu hoa văn gốc của thời kỳ Đông Sơn từ khâu đúc khuôn trong quy trình làm trống.

Sau thành công bước đầu, Tùng “trống” dần dần hoàn thiện và cải tiến kỹ thuật làm trống đồng. Anh vẫn tiếp tục nghiên cứu và tìm ra loại màu cổ như của chiếc trống đồng có niên đại hàng ngàn năm.

Chiếc trống đồng chuẩn bị được đưa vào Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Những nỗ lực khôi phục công nghệ làm trống đồng có nguy cơ thất truyền của anh Tùng đã được chính quyền địa phương công nhận là sản phẩm mang đậm nét văn hóa của người Đông Sơn. Địa phương cũng hỗ trợ cấp đất và nhà xưởng để anh tiếp tục phát triển nghề truyền thống này.

Chính thức khởi nghiệp từ năm 2006, đến nay anh Tùng đã gây dựng xưởng làm đồ đồng tại mảnh đất quê nhà ngày càng phát triển. Xưởng của anh hiện có khoảng 10 thợ chính, đều là những người trong gia đình được đào tạo công phu. Anh Tùng cho biết, đào tạo một thợ phải mất 3 đến 4 năm mới có thể nắm chắc kỹ thuật để nối tiếp gìn giữ bí quyết nghề truyền thống.

Anh Tùng kể chuyện, trước đây có một số người Trung Quốc ngỏ ý muốn học nghề làm trống đồng Đông Sơn của anh, nhưng anh kiên quyết không chia sẻ bí quyết làm nghề cũng chính là để gìn giữ một phần văn hóa cốt lõi của dân tộc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết, anh Tùng là một người gắn bó với văn  hoá dân tộc, không chỉ truyền thống tinh thần mà kể cả truyền thống về sự tài khéo của người xưa. Những sản phẩm của anh vừa giữ được phong cách truyền thống, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những nhân tố về mặt hiện đại.

50 chiếc trống do anh Tùng và những người thợ tâm huyết làm ra đã vinh dự góp vào tiếng trống hội nhân kỷ niệm thủ đô Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi. Tới đây, chiếc trống đồng Đông Sơn đầu tiên có hình ảnh Bác Hồ cũng sẽ vinh dự được đặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Câu chuyện anh Thiều Quang Tùng -  nghệ nhân số một của nghề đúc trống đồng Đông Sơn - là bằng chứng thiết thực chứng tỏ chỉ cần có niềm tin mãnh liệt và kiên cường theo đuổi niềm đam mê, thì mỗi người có thể làm nên những kỳ tích phi thường.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo