Người “hâm” nâng đỡ người điên!
Người dân ở quanh xã Đại Hùng của huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đều biết tới ông Nguyễn Văn Hòe hay “Hòe hâm”.
Không phải vì ông có bằng phát minh nổi tiếng hay làm kinh tế giỏi mà vì ông đã giúp đỡ nhiều con người không may mắn tìm lại được gia đình, trong đó có cả những người bị thần kinh, sống lang thang vốn bị xã hội thờ ơ, xa lánh, thậm chí ghẻ lạnh.
Khởi nguồn tình thương
Ông Nguyễn Văn Hòe sinh năm 1962, trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Năm 1979, ông viết đơn tình nguyện xin vào quân ngũ. Sau bốn năm miệt mài với khúc quân hành, ông trở về quê và kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Lại (SN 1966).
Đối với người dân nơi đây, việc ông Hòe “vác tù và hàng tổng” thì chẳng ai còn lạ, nhưng để hiểu căn nguyên, thông cảm và chia sẻ với việc của ông làm thì chưa chắc. Chúng tôi không thể ngờ được, căn nhà cấp bốn lụp xụp ở giữa làng Thượng của ông lại là nơi lưu giữ những mảnh đời bất hạnh. Cuộc đời của ông đã có chút đổi thay vào năm 1988, trong một lần ông sang nhà bạn chơi. Trên đường về ông phát hiện một đứa trẻ ngồi thất thểu bên lề đường. Thấy thương tình nên ông đưa đứa trẻ về nhà tắm rửa, cho ăn uống. Sau đó, ông tìm gia đình cho cháu bé thì được biết, gia đình cháu cũng chẳng khấm khá gì và ở xã kế bên. Nhận được con, bố mẹ cháu rất cảm động. Hiện nay, họ coi ông như người thân trong gia đình. Hằng năm, họ vẫn đến thăm ông. Khi nhà ông có công việc, họ đến giúp như người thân trong gia đình.
Những ngày đầu khi ông Hòe đưa những người lạc đường, tâm thần về nuôi bà Lại vợ của ông không khỏi bực mình về cách “làm phúc phải tội” ấy. Anh em, họ hàng biết chuyện cũng ra sức thuyết phục, can ngăn; thậm chí có người còn bực tức và buông những lời khá gay gắt. Nhiều người trong thôn, trong xã và cả các địa phương lân cận gọi ông là “Hòe hâm”. Có người còn ác ý buột miệng: “Cơm không đủ ăn còn bày đặt nuôi người điên”... khi nhắc đến hành động khác người của ông. Bỏ ngoài tai tất cả những câu nói bóng gió, những cái nhìn chẳng mấy thiện cảm, từ đó đến nay ông Hòe lẳng lặng giúp những người điên, những người có hoàn cảnh không may tìm được gia đình của họ. Suốt 20 năm làm sợi dây kết nối cho những người kém may mắn, ông đã đưa được hơn 50 người trở về với gia đình.
Lá lành đùm lá rách
Trong ngôi nhà nhiều đồ đạc đã ngả màu thời gian và không còn gì đáng giá, cầm chén trà lên nhâm nhi, ông Hòe kể lại cho tôi nghe nguyên do việc làm mà ông đã theo đuổi suốt 20 năm qua. Khi còn nhỏ, được tận mắt chứng kiến sự đói nghèo và đau thương mất mát của người dân trong làng, ngoài xã ông đã không cầm được nước mắt. Tình cảm ấy cứ canh cánh bên ông. Số tiền ông kiếm được bằng việc chạy xe ôm không thể nuôi sống tất cả mọi người, nhất là khi số người bị lạc đường được ông đưa về ngày một đông. Có thời điểm ông phải chạy vạy khắp nơi để vay gạo nuôi cả chục miệng ăn. Cuộc đời cùng cực vì người khác nhưng sau những giọt mồ hôi, nước mắt lại là nụ cười mãn nguyện, ông hóm hỉnh chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi hối hận khi đã chọn việc này. Mặc dù gia cảnh của tôi không khá giả gì, thu nhập lại thấp. Có lúc tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tự hào vì mình giúp được người, giúp được đời. Có lẽ trời đã định sẵn cái duyên, cái số cho tôi với việc này”.
Trong suốt 20 năm gắn bó với việc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là trường hợp của chị Hoài (quê ở Thanh Hóa). Do gia đình hoàn cảnh không có điều kiện để đưa về quê nên ông Hòe đã cưu mang suốt 5 năm. Chẳng là trên đường đi trả khách ông gặp chị Hoài tóc tai rũ rưỡi, hôi hám ngồi thất thểu ở ngoài đường. Biết là người có vấn đề về thần kinh, nhưng ông vẫn đưa về nhà chăm sóc và mua thuốc chữa bệnh cho chị Hoài.
Nói đến tấm gương của ông Hòe không thể nào không nhắc tới người bạn đời nhân hậu đã cùng ông trải qua bao khó khăn gian khổ. Bà Lại kể: “Mới đầu thấy ông dẫn người tâm thần về nhà nuôi tôi phản đối kịch liệt, nhưng sau rồi cũng quen và hiểu việc làm của ông ấy. Đó là việc làm nhân đức, lá lành đùm lá rách”. Nhận xét về ông Hòe, ông Đinh Xuân Minh, Trưởng công an xã Đại Hùng cho biết, ông Hòe là công dân tốt, gương mẫu trong các hoạt động của địa phương. Việc ông giúp đỡ những người lang thang cơ nhỡ đáng để mọi người học tập.
Ông Hòe coi việc tìm kiếm những người thần kinh không bình thường rồi đưa về nhà nuôi dưỡng, sau đó tìm lại gia đình cho họ là việc làm đơn giản, như bổn phận mà trời đã định sẵn cho cuộc đời ông. Rời xa “tư gia” của ông tôi mới thấy, quan niệm hạnh phúc trong xã hội quả khác nhau và chẳng có tiêu chí, chuẩn mực. Dù nghèo như ông Hòe, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất là được giúp đỡ người cơ nhỡ, có hoàn cảnh éo le. Điều này khác hẳn với những gì mà nhiều người trong xã hội ta đang theo đuổi.
QĐND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Cột tin quảng cáo