Tin tức - Sự kiện

Người không nghề nghiệp ổn định mua dâm nhiều nhất

Những đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do mua dâm nhiều nhất chiếm 77%, tiếp đến là “nhóm” doanh nghiệp với tỉ lệ chiếm 20%, cán bộ, công nhân viên chức “tham gia ít nhất” với chỉ 3% trong các đối tượng mua dâm.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm- Ảnh chỉ có tính chất minh họa

 

Nhận định này được đưa ra trong báo cáo mới đây của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có tiêu đề: “Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; cai nghiện ma túy, quản lý sau cai năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015”

 

Mại dâm hình thức mới

 

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mại dâm đã và đang xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới. Nếu như trước đây hình thức “gái gọi” được xem là phổ biến, nay xuất hiện hoạt động mại dâm dưới dạng “du lịch tình dục”.

 

Không những thế, đối tượng hoạt động mại dâm cũng đang được “quốc tế hóa” khi xuất hiện cả “người nước ngoài bán dâm, đặc biệt là mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook…” báo cáo viết.

 

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, số người bán dâm có hồ sơ quản lý đến thời điểm này là 11.240 người. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn, do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.

 

Đối tượng  tổ chức mại dâm, theo cơ quan quản lý, 80% chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi và trên 40% chủ chứa cũng chính là phụ nữ.

 

Đáng báo động, tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng.

 

Nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn cao.

 

Tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng, 45,3% chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đường lây truyền khác. Tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là gần 4%, tăng gần hai lần so với năm 2012.

 

Mặc dù vậy, những người tham gia hoạt động mại dâm cũng gặp không ít khó khăn. Họ thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, bóc lột tình dục, bị kỳ thị và xa lánh. Họ cũng khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

 

Du lịch nhiều, mại dâm lắm?

 

Vẫn theo báo cáo, kiểm tra 24.821 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm ở của 63 tỉnh, thành phố địa phương, có đến 10.626 cơ sở vi phạm.

 

Cơ quan chức năng xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh báo hàng nghìn cơ sở, phạt tiền trên 9.000 cơ sở với số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng. Đình chỉ kinh doanh và thu hồi giấy phép đối với 129 cơ sở và chuyển cơ quan chức năng xử lý 187 cơ sở liên quan đến hoạt động mại dâm.

 

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố đã phát hiện, bắt giữ 996 vụ với 4.103 đối tượng; trong đó người bán dâm là 1.714 người, mua dâm 1.546 người, chủ chứa, môi giới 843 người.

 

Tại các tuyến biên giới, bờ biển, các đơn vị Bộ đội biên phòng tổ chức rà soát trên 18.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, triệt phá 26 tụ điểm, xử lý 102 cơ sở kinh doanh, 508 nhà nghỉ và cơ sở mát xa có liên quan đến hoạt động mại dâm.

 

Các vụ án được thụ lý và xét xử nhiều vẫn tập trung vào một số các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và ở một số địa phương có khu du lịch như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa.

 

Phòng, chống mại dâm vào luật

 

Báo cáo chỉ ra, tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm liên quan đến mại dâm có chiều hướng gia tăng.

 

Trong khi, quan điểm, nhận thức về công tác phòng, chống mại dâm của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất dẫn đến việc chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật hành chính liên quan đến mại dâm.

 

Bên cạnh đó, pháp lệnh phòng, chống mại dâm và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đã được ban hành hơn 10 năm, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.

 

Cũng chưa có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ người bán dâm, thiếu một hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, thân thiện với người bán dâm và nạn nhân của bóc lột tình dục.

 

Hiện nay, công tác phòng, chống mại dâm tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, thông qua việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong khi đó, cơ quan chuyên trách là Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội không có thẩm quyền xử phạt nên hiệu quả phòng ngừa không cao, không đủ sức răn đe đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

 

Ngân sách đầu tư cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, do vậy, nhiều nhiệm vụ chỉ được thực hiện lồng ghép hoặc chỉ trong một thời điểm nên hiệu quả hạn chế. Chính sách, chế độ hỗ trợ tái hòa nhập còn thiếu, mức hỗ trợ thấp, chưa có hệ thống dịch vụ đặc thù.

 

Đối với công tác xây dựng mô hình trợ giúp tại cộng đồng, để có cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, việc xây dựng mô hình hỗ trợ được tiếp tục chỉ đạo thí điểm ở 40 tỉnh, thành phố với kinh phí hơn 5 tỷ đồng.

 

Trên toàn quốc đã xây dựng 346 mô hình phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

 

Để tiếp tục thực hiện phòng, chống mại dâm cần nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật phòng, chống mại dâm trình Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

 

Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn mại dâm tại các địa phương để làm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng các hoạt động phòng, ngừa, đấu tranh chống mại dâm.

 

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo