Người làm thuê phạm luật, chủ dính đòn đau
Bộ GTVT đang soạn thảo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Một số nội dung mới sẽ được áp dụng như tăng nặng hình phạt, phạt nặng chủ nếu để người làm công phạm luật.
Chủ “rách túi” vì nhân công vi phạm
Theo Bộ GTVT, sau 8 tháng triển khai thực hiện Nghị định 171 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường sắt, thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm nâng cao an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đã cho thấy một số quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính liên quan đến xử lý vi phạm quá tải trọng chưa thực sự thuận lợi để áp dụng trong giai đoạn hiện nay. Cùng đó, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường trách nhiệm trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ phương tiện, cần bổ sung điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi vi phạm của đối tượng này. Ngoài ra, một số nội dung khác cần điều chỉnh nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành (Luật Hợp tác xã) tạo thuận lợi trong quá trình xử lý vi phạm quy định tại Nghị định 171. Thế nên dự thảo văn bản sửa đổi đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.
Một nội dung quan trọng mới của dự thảo là điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với chủ phương tiện giao xe cho người làm công, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về chở quá tải trọng. Cơ quan soạn thảo cho biết, việc tăng nặng với nhóm đối tượng này là để tăng cường trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đối với công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị mình trong quá trình khai thác, kinh doanh vận tải, bảo đảm sự chấp hành nghiêm về kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó, phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và 8-12 triệu đồng đối với tổ chức giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm chở hàng vượt trọng tải trên 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc).
Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và 2-4 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị vận tải, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông trên cánh cửa xe ô tô tải, trên rơ moóc, sơ mi rơ moóc theo quy định; không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị vận tải, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, khối lượng toàn bộ cho phép kéo theo trên xe ô tô đầu kéo theo quy định
Giảm thời gian giữ giấy tờ xe
Ngoài trọng tâm tăng nặng đáng chú ý trên, dự thảo Nghị định mới có thêm phần điều chỉnh mức độ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, tước GPLX 1 tháng đối với một số hành vi chở quá tải trọng mà không vượt quá 50% tải trọng cho phép. Giảm thời gian tước GPLX từ 2 tháng xuống còn 1 tháng đối với một số hành vi vi phạm chưa tới mức quá nghiêm trọng. Các điều chỉnh này vẫn phạt tiền để bảo đảm tính răn đe của pháp luật đối với người vi phạm, đồng thời tạo điều kiện để người vi phạm sửa chữa và giảm bớt khó khăn đối với người lái xe. Đây là tình tiết được cho là khá phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước đây, nhiều ý kiến từ các đơn vị liên quan cũng như từ doanh nghiệp vận tải và người lái xe cho rằng nên tăng nặng mức phạt nhưng giảm các hình thức phạt bổ sung như giữ GPLX, tạm giữ xe…
“Việc giảm thời gian tạm giữ GPLX và giữ xe là cần thiết. Thứ nhất, lái xe chỉ có một nghề để mưu sinh, nếu giữ GPLX quá lâu sẽ ảnh hưởng tới bản thân và gia đình lao động đó. Không ít doanh nghiệp, tuyển không ra lái xe cứng nên khi lái xe bị tước GPLX nhưng vẫn phải điều khiển phương tiện vì họ không còn lựa chọn nào khác. Việc làm vụng trộm bao giờ cũng gây tâm lý sợ hãi, lo lắng dễ dẫn đến gây tai nạn. Nếu không “vụng trộm” thì chủ xe phải sử dụng tài non tay, nguy cơ xảy ra sự cố lại càng cao. Mặt khác, lỗi không nằm ở phương tiện mà nằm ở người sử dụng, điều hành hệ thống trong đó có phương tiện. Giữ phương tiện sẽ làm hao phí tài nguyên” - chủ một doanh nghiệp vận tải đường dài quả quyết.
Cùng đó, hành vi chở hàng vượt trọng tải được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường trên 10% tới 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 10% - 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 – 1 triệu đồng. Tương tự, vi phạm trọng tải trên 40- 60% sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng và vi phạm trên 60% sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.
Theo Giadinh,net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo