"Chế tạo tàu ngầm phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, muốn hoàn thiện ông Hòa nên nhờ nhà khoa học hỗ trợ mới thành công".
Anh Kiên Hùng, người từng sáng chế ra chiếc máy bóc tách vỏ lạc, là chủ cơ sở cơ khí Kiên Hùng tại ấp Hòa Hưng, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang-Trà Vinh, bày tỏ sự quan tâm của mình khi nghe câu chuyện anh doanh nhân người Thái Bình, ông Nguyễn Quốc Hòa tự chế tạo tàu ngầm Trường Sa, hoàn thiện và đang trong giai đoạn thử nghiệm trong bể nước.
Bài học tự thân
Cũng từ một anh thợ cơ khí người Khmer Kiên Hùng ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã chế tạo chiếc máy bóc tách vỏ lạc thành công, giúp người nông dân quê anh thoát khỏi cảnh trầy ngón tay vì bóc lạc.
Sinh ra trong gia đình nghèo, Kiên Hùng phải bỏ học khi chưa hoàn thành chương trình cấp hai. Năm 1989, ra quân, anh vào làm việc tại Xí nghiệp Sửa chữa tàu sông tỉnh Hậu Giang.
Với lòng đam mê cơ khí, hai năm sau, khi rời xí nghiệp trở về quê hương, Kiên Hùng trở thành anh thợ cơ khí giỏi có tiếng.
Vốn chuyên đóng, sửa máy tuốt lúa, anh Hùng trong một lần người bạn đề nghị anh thử chế máy bóc lạc, anh đã mày mò chế máy tách vỏ lạc dựa theo nguyên lý lực ép nén của chiếc máy xay lúa mini.
Sau hơn một tháng trời, anh Hùng mày mày mò vẽ rồi làm thử và phải đến vài chục lần mới có thể tìm ra chế độ vận hành phù hợp nhất. Cuôi cùng thành quả anh gặt được là chiếc máy tách vỏ lạc đầu tiên với công suất lên đến 50 giạ lạc vỏ/giờ, nghĩa là tương đương với 40 ngày công lao động bóc tách thủ công.
Vốn là dân cơ khí, cũng tự làm thành công chiếc máy có ích cho bà con nông dân, anh Hùng hiểu cái khó của những người tự mày mò tìm kiếm để hoàn thiện công trình của mình như thế nào. Do vậy, khi hay tin về ông Hòa chế tạo tàu ngầm anh Hùng hết sức trân trọng.
“Làm được như anh Hòa đáng biểu dương. Làm cái gì cũng phải từ những cơ sở cơ bản mới phát triển thêm. Không có những cá nhân mạnh dạn thì chúng ta cứ nhập những sản phẩm làm sẵn từ các nước, không bao giờ phát triển ngành cơ khí của mình được”, anh Hùng nói.
Anh Hòa nên nhờ các nhà khoa học
Hiện vẫn có nhiều thông tin liên quan đến việc bước đi tiếp thế nào con tàu Trường Sa của ông Hòa có thể ra được biển lớn. Khác với chiếc máy bóc lạc, các chi tiết đơn giản và tầm ảnh hưởng cũng như nhu cầu của người dân là có sẵn, với tàu ngầm thì khác.
Dù biết rằng ông Hòa đã chế tạo ra hình hài con tàu ngầm và đến nay nó đã có thể lặn, nổi trong bể nước, song anh Hùng cho rằng để thành công ông Hòa nên nhờ các nhà khoa học có chuyên môn về lĩnh vực tàu ngầm.
“Nếu muốn Nhà nước hỗ trợ thì phải làm đề tài hoàn thiện sản phẩm. Với chiếc máy bóc lạc thì đơn giản, tàu ngầm thì phức tạp hơn, nhiều chi tiết và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nên muốn hoàn thiện phải nhờ nhà khoa học hỗ trợ mới thành công được”, anh Hùng gợi ý.
Dù cho rằng với những người nông dân có ý tưởng làm ra máy móc thì nhà nước nên hỗ trợ vì có những người nghĩ ra nhưng không đủ điều kiện để làm, song cá nhân anh Hùng cũng hiểu nhà nước có nguồn kinh phí hay chính sách hỗ trợ thế nào thì cũng chỉ có thể với sản phẩm mang tính khả thi.
“Ví dụ nghĩ ra một cái máy thì phải làm đi làm lại chưa chắc đã thành công ngay nên làm sao nhà nước có thể hỗ trợ nếu không khả thi. Do vậy người làm phải tự lo, khi có thực tế mới mong nhà nước mới hỗ trợ được”, anh Hùng nói.
Với mong muốn Việt Nam có thể tự chế tạo được chiếc tàu ngầm của riêng mình, cho dù là mục đích quốc phòng hay dân sinh, anh Hùng tin là với những người như ông Hòa sẽ tìm cách để “đứa con” của mình có thể được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành.
Giống như trước đây khi làm chiếc máy bóc lạc, bản thân anh Hùng cũng không nghĩ là sẽ thương mại hóa sản phẩm để có lợi nhuận.
“Khi làm tôi chỉ nghĩ là cải thiện sức lao động cho người nông dân đỡ cơ cực. Nhưng đến nay nhiều người đặt hàng, cơ sở đã bán được hàng trăm máy cho bà con. Nay tôi còn cải thiện, nâng cấp chiếc máy giúp cho lạc bóc không bị vỡ nữa. Mong là ông Hòa cũng thành công với tàu ngầm”, anh Hùng chia sẻ.
Theo Đất Việt