Tin tức - Sự kiện

Người thưởng Tết 710 triệu, kẻ không có tiền về quê

Nhiều công nhân đành phải ở lại TP HCM để ăn tết khi mà các công ty án binh bất động chuyện thưởng tết hoặc trốn. Trong khi đó, thưởng tết cao nhất ở TP HCM cao nhất gần 710 triệu đồng.

Chị Đào cho biết, Tết này sẽ ở lại Sài Gòn ăn Tết vì kinh tế khó khăn

Đi quanh hàng chục khu nhà trọ tại Q. Thủ Đức, Q.7… để khảo sát, hầu hết các chủ nhà trọ cho biết, lượng công nhân không về quê vào dịp Tết Giáp Ngọ này lên đến 90%.

 
Lý do muôn thưở vẫn là do thu nhập giảm, chuyện thưởng tết đến giờ phút này vẫn “án binh bất động” kèm theo chuyện vé tàu xe khó mua, giá cao.
 
Chị Nguyễn Thị Đào, công nhân dệt may tại Q. Thủ Đức thở dài: “Đến giờ cũng chẳng biết thưởng tết được bao nhiêu, nếu mà bằng năm ngoái được có hơn 3 triệu thì về quê ăn Tết làm gì. Chỉ tính mỗi tiền tàu cả đi và về quê Nam Định thôi cũng quá số tiền thưởng rồi”.
 
Bi đát hơn là trường hợp của chị Lan, 25 tuổi , công nhân tại Công ty TNHH Honjin của Hàn Quốc (Q. Tân Bình). Bị công ty nợ nhiều tháng lương nhưng không biết đòi ai. “Cả năm chúng em phải làm việc quần quật hy vọng đến Tết có lương thưởng. Ai ngờ gần đến ngày về thì công ty bỗng nhiên đóng cửa mà không một công nhân nào hay biết!", Lan buồn rầu. 
 
Mấy ngày sau các công nhân mới tá hỏa hay tin chủ doanh nghiệp đã cao chạy xa bay. "Không tiền thưởng Tết, ngay cả tiền lương của chúng em cũng mất trắng”.
 
Ngay cả với những nhân viên ngân hàng cũng trong tình trạng hồi hộp chờ thông báo thưởng Tết. Chị Lan Anh, nhân viên tín dụng tại một ngân hàng cho biết, mấy năm trước giờ này đã có thông báo thưởng. Tuy nhiên, năm nay hiện vẫn chưa thấy ngân hàng có thông báo gì.
 
Cũng theo chị Lan Anh, việc kinh doanh của ngân hàng trong năm qua liên tục gặp khó khăn, lương thì cắt giảm nên lo lắng không biết thưởng Tết có bị cắt không. “Đang tính đến cận Tết mới mua vé máy bay về quê, giờ thì thôi đành hẹn năm sau ăn tết ở quê vậy!”, Lan Anh thở dài.
 
Theo những người lao động, tiền thưởng có ý nghĩa rất quan trọng đối với họ.Nhưng với tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về thực lực và tài chính. Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp như bất động sản khi tồn kho đang lên cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải mướt mồ hôi để lo tiền thưởng Tết cho công nhân.
 
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, trong năm 2013, thị trường bất động sản tiếp tục kéo dài thêm khó khăn từ những năm trước vì vậy dự kiến mức thưởng Tết  năm nay sẽ khá ảm đạm. 
 
Năm nay, Đất Lành chỉ thưởng dưới nửa tháng lương hoặc cố lắm chắc được thưởng dưới 1 tháng lương. Ngoài ra, các khoản hỗ trợ, tiệc tùng, tất niên cuối năm… cũng sẽ cắt giảm thành tổ chức gọn nhẹ, đơn giản, không mời khách khứa.
 
Đại diện công đoàn Công ty Nissen cũng cho hay, công ty đã công bố ngày thưởng tết vào ngày 20/1 xong chưa công bố mức thưởng Tết bao nhiêu. Song, ban lãnh đạo công ty cũng đảm bảo các công nhân khó khăn đều có thưởng Tết và có quà Tết.
 
Trong khi đó, ông Dương Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Công đoàn Sở GTVT TP.HCM cho hay, tình hình chăm lo tết tại 4 đơn vị lãnh đạo “lương khủng” tương đối khó khăn. 
 
Thời gian qua, các đơn vị trên giảm từ 20% - 60% lương, lại ảnh hưởng uy tín sau vụ “lương khủng” nên không có nhiều hợp đồng từ bên ngoài. 
 
Bởi năm ngoái, chỉ tính riêng những đơn vị trên đã có 88 tỉ đồng từ nguồn hợp đồng bên ngoài để chăm lo tết cho người lao động. Để giải quyết tình trạng khó khăn, năm nay Công đoàn Sở cũng đã vận động người lao động đóng góp để có nguồn chăm lo thêm cho lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các đơn vị.
 
Trong khi đó, một doanh nghiệp FDI tại TP.HCM vẫn đạt mức thưởng Tết "khủng" lên tới 709,9 triệu đồng.
 
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất năm nay thuộc về một cá nhân thuộc DN FDI với con số lên tới 709.965.000 đồng, thấp nhất là 2.792.000 đồng, bình quân thưởng tết của khối FDI là 4,5 triệu đồng/người.
 
Tiếp đến là DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước với mức thưởng cao nhất là 299,5 triệu đồng, thấp nhất là 3,2 triệu đồng, mức thưởng bình quân khoảng 8,1 triệu đồng/người.
 
DN tư nhân, công ty hợp doanh, cổ phần không có vốn Nhà nước có mức thưởng cao nhất là 120 triệu đồng, mức thấp nhất là 3,2 triệu đồng và bình quân là 3,8 triệu đồng/người.
 
Cuối cùng, đối với khối DN 100% vốn Nhà nước, mức thưởng Tết Âm lịch năm nay cao nhất chỉ đạt 52,6 triệu đồng (năm 2013 là 255,2 triệu đồng), thấp nhất là 4,2 triệu đồng và trung bình là 7,3 triệu đồng/người.
 
Tại Hà Nội, số liệu cập nhật của Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội cho thấy, mức thưởng Tết Âm lịch năm nay cao nhất thuộc khối doanh nghiệp FDI là 65 triệu đồng một người.
 
Năm ngoái, con số này là 74,5 triệu đồng một người, của một đơn vị trong khối dân doanh. Tính bình quân, mức thưởng Tết âm ở khối này vào khoảng 3,72 triệu đồng, tương đương năm ngoái.
 
3 khối còn lại gồm Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước thì mức thưởng cao nhất lần lượt là 21, 30 và 40 triệu đồng.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo