Tin tức - Sự kiện

Người tiêu dùng mất niềm tin hay thiếu hiểu biết về rau sạch?

Có thể nói, người tiêu dùng đang “khát” rau sạch, nhưng họ lại không dám tin dùng những sản phẩm được niêm yết là “sạch”. Thế nên, hiện nay trên thị trường đang tồn tại một thực tế đầy mâu thuẫn, đó là nhu cầu về rau sạch rất cao nhưng người sản xuất lại không bán được rau vì thị trường mất niềm tin.

Đó là nhận định của PGS.TS Từ Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học & Hợp tác quốc tế Hiệp Hội hữu cơ Việt Nam trong cuộc trao đổi với PV Doanh nghiệp Việt Nam.

Theo bà, hiện nay nhu cầu về rau sạch, rau hữu cơ trên thị trường như thế nào? Nguồn cung rau sạch, rau hữu cơ hiện nay có đủ không?

PGS.TS Từ Thị Tuyết Nhung: Người dân đang rất hoang mang về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay, vì thế có thể nói, người tiêu dùng đang “khát” rau sạch, nhưng họ lại không dám tin dùng những sản phẩm được niêm yết là “sạch” đang rất hỗn độn trên thị trường hiện nay.

Họ loay hoay tìm kiếm các sản phẩm ít nhất là có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Thế nên đang tồn tại một thực tế đầy mâu thuẫn, đó là nhu cầu về rau sạch rất cao, nhưng người sản xuất lại không bán được rau vì thị trường mất niềm tin.

Rau hữu cơ cũng không nằm ngoài hiện trạng của rau sạch. Sau 3 năm, rất chậm, rau hữu cơ PGS đã được khách hàng tin dùng, nhưng hiện nguồn cung không đáp ứng đủ. Nhiều khách hàng hỏi tôi rằng, sao làm tốt thế mà không mở rộng sản xuất để nhiều người có cơ hội được sử dụng. Phải nói thật là để mở được một vùng sản xuất hữu cơ tập trung không dễ. Ngoài việc đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất cơ bản, yếu tố con người là vô cùng quan trọng.

Rất nhiều nhóm sản xuất đã bị vỡ khi chỉ một vài nông dân không trụ nổi những yêu cầu khắt khe mà tiêu chuẩn PGS yêu cầu. Vì thế kéo theo cả khu vực sản xuất tập trung đã không đủ điều kiện để được chứng nhận hữu cơ PGS, khi đó sản phẩm sẽ không thể được bán là hữu cơ nữa

Quy trình chăm sóc rau hữu cơ tại vườn rau hữu cơ Tuệ Viên - Gia Lâm - Hà Nội

Hiện nay người tiêu dùng đang hiểu mập mờ về rau sạch và rau hữu cơ. Bà có thể giúp người tiêu dùng phân biệt rõ hơn về 2 loại rau này?

PGS.TS Từ Thị Tuyết Nhung: Không chỉ là người tiêu dùng mà cả người sản xuất, kinh doanh, thậm chí cả những nhà nông học cũng chưa hiểu đầy đủ về nông nghiệp hữu cơ. Thường mọi nguời nghĩ cứ thay thế đầu vào vô cơ như phân bón tổng hợp và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học bằng phân hữu cơ như: phân hữu cơ vi sinh, phân ủ, thuốc thảo mộc hoặc thuốc vi sinh… sẽ cho ra sản phẩm hữu cơ. Không sử dụng đầu vào hóa chất chỉ là một biện pháp nhỏ được áp dụng trong một hệ thống nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên khó có thể đưa ra thông tin đầy đủ thế nào là một sản phẩm hữu cơ trên bao bì sản phẩm, vì thế thông điệp được đưa ra cho sản phẩm hữu cơ thường hướng vào cái mà mọi người đang quan tâm nhất, đó là: “không phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, không chất kích thích vv…”

Nhìn chung, sản phẩm hữu cơ được sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên không bị “cưỡng ép” trong một môi trường sinh thái điều hòa. Ngoài việc cấm sử dụng các đầu vào hóa chất, thuốc trừ cỏ, chất kích thích tăng trưởng, chất biến đổi gen (GMO) vv… nó được sản xuất tuân thủ theo các quy định của tiêu chuẩn nào đó được ban hành bởi quốc gia, các tổ chức quốc tế, hoặc tư nhân. Canh tác hữu cơ, ngoài các quy định đảm bảo các yếu tố về môi trường sinh thái, tự nhiên và xã hôi, có quy định cụ thể không được phép sử dụng bất cứ các hóa chất tổng hợp, chất kích thích, các sinh vật biến đổi gen, kể cả công nghệ nano vào trong quá trình sản xuất.

Vì thế, có thể hiểu nôm na thực phẩm “sạch” hay “an toàn” được sản xuất có sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học có trong danh mục cho phép của nhà nước nhưng ở ngưỡng an toàn cho phép. Vấn đề là người sản xuất hoặc không biết hoặc cố tình lạm dụng cái “ngưỡng” này nên sản phẩm dễ có nguy cơ bị mất an toàn trong khi sản phẩm hữu cơ loại trừ các yếu tố này ngay từ đầu.

Xét về giá cả thì hai loại rau này có khác nhau không? Nguyên nhân vì sao? Bà nhận định gì về hiện trên thị trường xuất hiện hiện tượng cùng 1 loại rau nhưng nhãn mác và giá cả mỗi nơi một khác?

PGS.TS Từ Thị Tuyết Nhung: Xét về giá trị, hai loại rau này có khác nhau và vì thế giá cả cũng khác nhau

Thứ nhất về giá trị dinh dưỡng: Do sinh trưởng tự nhiên, không bị ép nên RHC có thời gian sinh trường dài hơn vì thế khả năng đồng hóa và tích lũy dinh dưỡng tốt hơn

Thứ 2: RHC an toàn hơn bởi các đầu vào hóa chất đã bị loại trừ ngay từ đầu.

Thứ 3: Thay vì sử dụng hóa chất, nông dân phải sử dụng nhiều công lao động hơn để ủ phân, bắt sâu, nhổ cỏ vv….trong khi năng suất bị thấp hơn so với sản xuất có hóa chất, thậm chí còn mất trắng, mẫu mã lại không bắt mắt. Chính vì thế việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Nếu nông dân không bán được sản phẩm với một giá bán công bằng với công sức lao động mà họ bỏ ra thì chắc chắn sẽ không còn ai muốn tiếp tục làm hữu cơ nữa.

Quy trình ươm giống rau hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ tại vườn rau hữu cơ Tuệ Viên

Trong hệ thống PGS, có các doanh nghiệp/cửa hàng tham gia PGS để cùng giám sát và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Họ cam kết chỉ những sản phẩm được chứng nhận PGS mới được niêm yết và bán là hữu cơ tại cửa hàng. Về nguyên tắc, nông dân phải in bao bì và đóng gói với đầy đủ các thông tin sản phẩm và nơi sản xuất để cung cấp cho các công ty.

Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân, các công ty đã in bao bì và đưa tới các nhóm nông dân mà họ đã ký hợp đồng để bao gói sản phẩm. Vì thế cùng một loại sản phẩm quản lý trong hệ thống PGS, nhưng mẫu mã bao bì không đồng nhất, chỉ duy nhất nhãn hiệu “hữu cơ PGS” là giống nhau cho tất cả các sản phẩm PGS dù được bất cứ công ty nào khai thác bán. Chúng tôi vẫn đang phối hợp với người tiêu dùng và nông dân để giám sát lại các cửa hàng/công ty đang bán sản phẩm hữu cơ PGS.

Hiện nay trên thị trường rau hữu cơ được bày bán khá nhiều, theo bà những loại rau này có đảm bảo tiêu chuẩn hay không?

PGS.TS Từ Thị Tuyết Nhung: Hiện Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá và cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ. Vì thế dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ ADDA (2005-2012) đã phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng cùng tham gia (gọi tắt là PGS) để giám sát sản xuất đảm bảo sản phẩm thực sự hữu cơ. Để giúp phân biệt các sản phẩm hữu cơ thực sự, chỉ những sản phẩm được đóng gói với nhãn mác PGS mới là những sản phẩm hữu cơ được sản xuất và giám sát theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS. Ngày 14/9/2013, IFOAM đã chính thức công nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam.

Việc các cửa hàng lợi dụng làm giả nhãn mác để biến rau không đảm bảo chất lượng thành rau sạch, rau hữu cơ có ảnh hưởng như thế nào đên nhà sản xuất?

PGS.TS Từ Thị Tuyết Nhung: Những việc làm không minh bạch không được phép tồn tại trong hệ thống PGS và nếu có, sớm muộn sẽ bị phát hiện và bị trừng phạt theo quy định của hệ thống. Một trong 4 nguyên tắc của hữu cơ đó là sự công bằng. Thật không công bằng cho người sản xuất và cả người tiêu dùng khi họ phải chịu trách nhiệm về những gì mà họ không gây ra hoặc mua rau với giá hữu cơ nhưng thực chất lại phải ăn rau thông thường.

Trân trọng cảm ơn bà!

Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo