Tin tức - Sự kiện

Người tiêu dùng Việt không tin vào cơ chế khiếu kiện

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại với những nguyên nhân quan trọng nhất là sợ mất thời gian, do không tin vào cơ chế khiếu nại, khiếu kiện có sẵn, hoặc cảm thấy mình đơn độc. Đáng chú ý, có tới 90% những người tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào.

Người tiêu dùng cần ý thức rõ về việc liên kết để tự bảo vệ mình. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

 

Người tiêu dùng cần liên kết để có giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền của mình, đồng thời luật pháp cần tạo điều kiện thực tế cho các tổ chức đại diện người tiêu dùng hoạt động.

Đó là những kiến nghị chính được đưa ra tại Hội thảo "Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Các vấn đề và giải pháp" do Nhóm làm việc Vì sự tham gia của người dân (PPWG), Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Tổ chức tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng (CUTS) thực hiện nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng 15/3/2015.

Người tiêu dùng "lơ mơ" về quyền của mình

Theo kết quả khảo sát trực tuyến với trên 1200 người do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện, có một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng có những trải nghiệm tiêu dùng không tốt: gần một nửa (46%) mua phải hàng kém chất lượng/số lượng so với quảng cáo; 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, khoảng 1/3 số người tham gia khảo sát đã mua phải thực phẩm hết hạn, ôi hỏng, mua phải hàng giả, hàng nhái...Trên 1/4 (27,75%) số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử "không tốt" hoặc "rất không tốt"...

Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại với những nguyên nhân quan trọng nhất là sợ mất thời gian, do không tin vào cơ chế khiếu nại, khiếu kiện có sẵn, hoặc cảm thấy mình đơn độc. Đáng chú ý, có tới 90% những người tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào.

Trước thực tế đó, ông Lê Quang Bình - Chủ tịch Nhóm làm việc Vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho rằng: "Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định: "Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội", nhưng các cơ quan Nhà nước cần được nhắc nhở để thực hiện trách nhiệm này tốt hơn. Trách nhiệm này bao gồm cả việc cung cấp thông tin đầy đủ về quyền người tiêu dùng và các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sẵn có, đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện và tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng tự tổ chức lại với nhau để bảo vệ quyền của mình".

Dưới góc độ của mình, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng người tiêu dùng cần ý thức rõ về việc liên kết để tự bảo vệ mình. "Người tiêu dùng ở thế yếu khi đơn độc, nhưng ở thế mạnh khi là số đông. Thực tế cho thấy, phong trào tẩy chay của người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hay sản xuất sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng nào đó còn tác động mạnh hơn cả chế tài xử phạt bởi hậu quả đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm sẽ lớn hơn nhiều", ông Hùng nói.

Ông cũng cho hay, hàng năm Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận trên dưới 1000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Con số này chưa phản ánh được thực trạng thiệt hại hiện nay của người tiêu dùng, mặc dù các trường hợp khiếu nại mà Hội hỗ trợ giải quyết đạt tỷ lệ thành công trên 80%.

Không nên nộp vào ngân sách tiền đền bù cho người tiêu dùng


Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc liên kết người tiêu dùng và đại diện người tiêu dùng để bảo vệ quyền cho họ, bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng cho rằng Nhà nước không nên chỉ cho phép các cá nhân khởi kiện như quy định trong Luật bảo vệ người tiêu dùng, mà cần trao quyền cho các hiệp hội được đại diện cho tập thể người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích cộng đồng.

 

Đồng thời, các khoản đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng không nên nộp vào ngân sách nhà nước một cách chung chung như hiện nay mà phải được trả lại cho người tiêu dùng một cách thiết thực thông qua các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng do các tổ chức đại diện cho họ thực hiện.

Bà Quế Anh dẫn chứng Ấn Độ đã dùng thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá để trích vào Quỹ phúc lợi người tiêu dùng dùng để bảo vệ người tiêu dùng. Thậm chí ngay cả khi người tiêu dùng là nông dân, người không biết chữ, không có hóa đơn, bằng chứng chứng minh mua hàng nhái, hàng giả, chất lượng kém… vẫn có thể kiện doanh nghiệp và dù giá trị của sản phẩm đó có thấp đến đâu cũng phải được xử lý trong khi tại Việt Nam chưa làm được điều này.

Đa số đại biểu tham dự Hội thảo đều khẳng định việc đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền của người tiêu dùng không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn trực tiếp tác động lên tính hiệu quả, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế lành mạnh, bền vững.

 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo