Người vẽ tiền và công trái kháng chiến
Nhắc tên Ngô Mạnh Quỳnh, người ta thường nghĩ tới đồng tiền giấy, tờ công trái dùng trong kháng chiến chống Pháp hay bản khắc kẽm con tem đầu tiên mang hình Bác Hồ mà ông thực hiện cùng người em ruột - họa sĩ Ngô Đình Chương.
Thổi hồn vào ngụ ngôn Pháp
Ngô Mạnh Quỳnh sống ở Hà Nội từ nhỏ. Bố ông quê Chương Mỹ (Hà Tây cũ) làm thư ký cho Sở hỏa xa Vân Nam ở ga Hàng Cỏ. Người ta lấy chức vụ gọi thành tên cụ Ký. Ông Quỳnh sinh thứ hai trong nhà, chị gái mất sớm, dưới còn một em gái và ba em trai. 17 tuổi, ông nổi tiếng về khiếu vẽ, có bài đăng báo. Nhờ vậy cụ Ký mới chấp thuận cho vào trường Mỹ thuật Đông Dương.
Thời Pháp thuộc, Mạnh Quỳnh cộng tác với nhiều báo và làm sách văn học. Truyện ngụ ngôn La Fontaine được ông minh họa rất thú vị, đặc Việt Nam. Còn cuốn Truyện Kiều, ông lại vẽ ra hình ảnh phụ nữ tân thời trong chiếc áo dài Cát Tường (tiền thân áo dài Việt Nam).
“Nghe kể lại thì cụ tiên phong trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh ở Việt Nam. 17, 18 tuổi cụ đã vẽ truyện Kaoco”- anh Ngô Quỳnh Dũng, con trai họa sĩ Mạnh Quỳnh tự hào - “Sau này cụ là người đầu tiên làm phim hình trên giấy, phim Thạch Sanh. Mở đoàn múa rối cho thiếu nhi, cũng là đầu tiên”.
Mạnh Quỳnh nhiều tài, lắm ý lại làm việc nghiêm túc nên nổi tiếng trong giới nghệ sĩ bấy giờ. Nghệ thuật của ông hướng về nhân sinh. Từ những năm 1944, 1945 thế kỷ trước ông đã vẽ tranh làng xã kiểu mới, có nhà trẻ sân thể thao phòng văn hóa. Bên cạnh việc đả phá hủ tục điển hình như bức tranh Cụ Lý dịch tả chết, cả làng tới ăn đám.
Ông yêu quý trẻ em, làm phụ trương Đời trẻ em. Thường tổ chức hoạt động cổ vũ các em tập thể thao, đưa các em đi chơi xa, sinh hoạt văn hóa. Trộm nghĩ chắc do quá yêu trẻ nên sau này ông sinh tới chín người con.
Ký họa Bác Hồ
“Bố tôi từng ký họa chân dung Bác Hồ ở Bắc Bộ Phủ” - anh Ngô Quỳnh Hưng kể – “Vẽ xong xin Bác chữ ký vào tranh để làm kỷ niệm. Bác cười bảo, Bác có phải người vẽ đâu mà ký. Rồi Bác cũng ký ba chữ Hồ Chí Minh. Bức tranh quý giá ấy giờ được treo trong nhà em trai tôi (anh Dũng)”.
Sau Cách mạng tháng Tám chưa nhiều người biết mặt Bác. Mạnh Quỳnh liền vẽ truyền đơn trên giấy dó chân dung Bác ghi rõ “Cụ Hồ Chí Minh Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” đi rải khắp nơi cho mọi người biết. Sau đó ông đưa gia đình tản cư theo đoàn Văn hóa, tham gia in sách Bình dân học vụ.
Chính phủ kháng chiến quyết định không dùng tiền Đông Dương đồng thời huy động vốn trong dân. Anh em ông Quỳnh được giao vẽ, làm bản khắc gỗ các đồng hai hào, năm hào và tờ công trái. Trên đồng tiền in dòng chữ: “Kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá họa tờ giấy bạc của chính phủ sẽ bị trừng trị theo quân pháp”. Con tem mang hình Bác Hồ cũng làm trong thời gian này.
Mạnh Quỳnh về Hà Nội trước năm 1954. Ông làm việc cật lực nuôi gia đình đồng thời nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Anh Hưng vẫn nhớ một cán bộ tên Châu “cụt”, mất cánh tay phải, giả làm học trò thầy Quỳnh.
“Hồi đó bố tôi mở Điện kịch Mạnh Quỳnh chuyên về rối dây. Cụ còn hăng máu thuê cả Nhà hát Thành phố (nay là Nhà hát Lớn Hà Nội) để biểu diễn” - anh Hưng nói tiếp - “Kết quả lỗ nặng. Cụ chuyển sang làm tờ Thiếu Niên họa báo. Một mình đảm nhiệm từ khâu viết, vẽ, phát hành. Tôi chuyên được cụ sai mang đi in tại nhà báo Thời Mới phố Bà Triệu. Làm mấy năm cũng lại lỗ to”.
Ươm mầm mỹ thuật
Anh Dũng nhớ mãi một câu của bố: “Hà Nội phố nào cũng có bét nhất từ hai bạn trở lên”. Hà Nội mà ông Quỳnh nói tới chắc chỉ loanh quanh phố cổ. Nhưng như thế cũng quảng giao lắm rồi.
Mạnh Quỳnh có cái lệ cứ Tết đến là đi thăm từng nhà bạn bè. Gặp thì chuyện trò. Không gặp, ông viết lời nhắn lên tấm danh thiếp rồi bỏ vào nhà. Ngay cả hồi đi sơ tán, cũng không quên bạn. Xuân sắp về lại ngồi biên thư.
“Bạn bè, tình cảm phải chân thật. Đã hứa là làm đến nơi đến chốn, hứa giờ nào đúng giờ đó phải tới. Không hứa để đấy”. Ông Quỳnh thường dạy các con như thế.
Không thành công trong kinh doanh, Mạnh Quỳnh mở lớp dạy vẽ tại nhà (29, Hàng Trống) cùng hai người bạn là họa sĩ Đinh Minh và Phạm Viết Song. Thầy Quỳnh luôn được học trò yêu quý. Nhiều người sau này vẫn lưu luyến các buổi thầy tổ chức đi vẽ ở Cổ Loa, Láng hay làng Triều Khúc. Năm 1960, ông bỏ lớp vào dạy trường Mỹ thuật Công nghiệp, góp phần sáng lập khoa Thiết kế Đồ chơi.
Biết Mạnh Quỳnh luôn quan tâm thiếu nhi, nhạc sĩ Trần Đức liền mời ông “lên sóng” truyền hình. Ông Đức làm chương trình Những bông hoa nhỏ cho Đài truyền hình Việt Nam, cần người vừa vẽ tranh vừa kể chuyện cho các em nghe. Và ông Quỳnh đồng ý.
Bên cạnh đó ông còn làm với các báo. Vẽ tranh phong tục tập quán Hà Nội, nét đẹp và chưa đẹp của người Hà Nội cho chuyên mục Mỗi ngày một chuyện của báo Hà Nội mới. Hay vẽ bìa cho tạp chí Người đại biểu nhân dân.
Anh Hưng nhớ lại: “Tinh thần làm việc của cụ rất cao. Ngoài thời gian dạy mỹ thuật, về nhà thường làm đến một hai giờ đêm, vẽ tranh hoặc nghiên cứu tìm tòi”.
Họa sĩ Ngô Mạnh Quỳnh sinh 1917 trong một gia đình trung lưu Hà Nội. Cấp ba học trường Bưởi. Sau đó vào Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí… Ra trường ông dạy học, làm sách báo và các vật dụng mang tính giáo dục cho trẻ em. Ông được tặng Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ mất tại nhà riêng năm 1991. Các con của ông đều thành đạt. Hai người theo nghề cha là ông Ngô Quỳnh Giao, nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương và họa sĩ Ngô Quỳnh Nga, vợ giáo sư Hà Văn Tấn.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo