Người Việt cần cù:Mẫn cán kiểu công chức cắp ô là..."gian lận"!
Đó là quan điểm của GS TS Đặng Đình Đào –nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội nhìn nhận về sự cần cù và hiệu quả lao động sự cần cù của nông dân Việt.
Lao động phải có sáng tạo mới bền vững!
PV:- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước, khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều chọn đức tính cần cù, tỷ lệ lên tới hơn 80%. Theo ông, thời đại công nghiệp hóa, công nghệ hóa và toàn cầu hóa hiện nay, đức tính cần cù chịu thương chịu khó tự nó có đủ làm nên sức mạnh, hay nó phải bổ sung thêm những yêu cầu khác như tri thức, sáng tạo…thì mới tồn tại được?
GS Đặng Đình Đào: - Theo tôi, kết quả điều tra trên phản ánh đúng truyền thống của người Việt Nam chúng ta.
Tôi cho rằng, truyền thống lao động cần cù, siêng năng của người lao động Việt Nam rất đáng được trân trọng, phát huy bởi không phải dân tộc nào cũng có được đức tính đó.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp hóa, toàn cầu hóa khi mà khoa học - công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì chỉ với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó mà không được bổ sung thêm thể chất, trình độ, tính chuyên nghiệp của người lao động, ứng dụng KH&CN cùng với các kỹ năng mềm khác với một môi trường làm việc.
Sản xuất thực sự nếu không để người lao động được sáng tạo và cống hiến thì chúng ta không thể đi lên và phát triển bền vững được và rồi sự tụt hậu, đi sau so với các nước khác sẽ ngày càng xa hơn, không phải như hiện nay!.
PV:- Một thực tế hiện nay đang xảy ra, nông dân dù có cần cù chzăm chỉ lao động nhưng hiệu quả kinh tế thu được lại quá thấp hoặc lỗ to: đua nhau trồng cao su nhưng khi thu hoạch thì bán không được, giá thành thấp; thu hoạch thanh long, dưa hấu, củ cải, khoai lang… không bán được phải cho bò ăn hoặc bỏ thối tại ruộng.
Có nghĩa chúng ta đang rơi vào tình trạng rất cần cù mà không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nặng. Theo ông, đây có phải là minh chứng cho quan điểm “nhiệt tình + ngu dốt = tự hại mình” không và chúng ta phải làm gì để tháo gỡ nút chết này?
GS Đặng Đình Đào: - Đúng là một thực tế khó chấp nhận sau gần 30 năm đổi mới trong nhiều lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, vẫn lại câu chuyện "được mùa mất giá", "càng sản xuất càng thua lỗ".
Điển hình gần đây vụ thu hoạch thanh long, dưa hấu tại nơi sản xuất ở miền Trung chỉ có 2.000 - 3.000đ/kg trong khi ở nhiều nơi, nhiều thành phố lớn lên tới 30.000 - 35.000đ/kg không có mà bán, nhiều địa phương muốn một quả thanh long cũng rất khó khăn.
Có lẽ, để lý giải cho nghịch cảnh trên cần phải xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, nhiều nút thắt khác nhau mà chính bản thân người nông dân, người sản xuất không thể tự mình giải quyết được. Công bằng mà nói, ý kiến cho rằng "nhiệt tình + ngu dốt = tự hại mình" trong điều kiện hiện nay của nền nông nghiệp Việt Nam chỉ là một phần mà thôi.
Còn nút thắt ở đây chính là ở cơ chế, chính sách, sự quan tâm, đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp. Chúng ta có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới… nhưng bài toán đầu ra cho sản xuất nông nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ và hiệu quả rất thấp, thanh long, dưa hấu không bán được, phải "đổ cho trâu bò ăn" chính là do quá yếu kém trong khâu phân phối, vận tải.
Nói cụ thể hơn là bài toán logistics cho sản xuất nông nghiệp chưa được các ngành, các địa phương tính tới một cách cơ bản để giúp người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà để họ tự "bươn chải", trong khi lao động nông nghiệp chiếm đến 47% (2013) tổng số lao động ở nước ta.
Điều này đã làm cho năng suất lao động theo cách tính của ILO cho Việt Nam vốn đã thấp lại càng thấp hơn nhiều!
PV:- Ông suy nghĩ gì khi xã hội thường chỉ nhìn nhận và đánh giá cao đức tính cần cù mà không xét đến hiệu quả thực của sự cần cù ấy? Đó có phải là lực cản của sự phát triển không, thưa ông?
GS Đặng Đình Đào: - Tôi cho không hẳn là hoàn toàn như vậy. Như trên tôi đã đề cập, truyền thống cần cù, siêng năng của người Việt Nam là truyền thống cần được phát huy, nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế phát triển theo chiều rộng - kinh tế tài nguyên, sang phát triển nền kinh tế theo chiều sâu, dựa vào kinh tế tri thức.
Chính đức tính cần cù, siêng năng ấy cộng với kiến thức chuyên môn kỹ thuật cùng với môi trường làm ăn minh bạch, thuận lợi mà cộng đồng người Việt Nam ở các nước có thua kém gì người lao động của các nước khác, ngay cả ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển?
Rõ ràng, nếu như trong nền kinh tế hiện đại, khi đánh giá năng suất lao động mà chỉ nhìn nhận, đánh giá cao đức tính cần cù, không xét đến hiệu quả thực sự của cần cù, siêng năng ấy thì là một sai lầm và chính đây là một lực cản không nhỏ của sự phát triển trong hội nhập của nước ta.
Tự mình nâng đơn giá tiền lương
PV: - Tương tự như với người nông dân, đội ngũ công chức cũng bị dư luận đánh giá có tới 30% công chức cắp ô, nghĩa là những người này vẫn đảm bảo giờ giấc, ngày công làm việc đầy đủ, họ mẫn cán, cần cù một cách hình thức trong khi hiệu quả công việc thì hầu như không có. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng nhiều lần về công chức như thế nhưng việc cắt giảm biên chế vẫn không có chuyển biến gì.
Nghĩa là chỉ mẫn cán một cách hình thức, không có hiệu quả thực tế…hiện tượng này được coi là chăm chỉ hay lười biếng thưa ông?
GS Đặng Đình Đào: - Đây là câu chuyện nói về một bộ phận lực lượng lao động hoàn toàn khác với lao động trong sản xuất nông nghiệp!.
Vì lực lượng lao động thường được chia thành lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Đội ngũ lao động gián tiếp ở đây chủ yếu bao gồm lực lượng lao động khối nhân viên văn phòng, cơ quan HCSN, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngoài nhà nước.
Do vậy, đội ngũ công chức thuộc khối nhân viên văn phòng, cơ quan HCSN và một bộ phận không nhỏ ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà hiện nay sau nhiều lần cải cách, tinh giản bộ máy nhưng vẫn còn số lượng rất lớn ở nước ta, thậm chí còn phình to ra ở Việt Nam.
Tôi nghĩ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng về số lao động này và "có tới 30% công chức cắp ô". Có lẽ nên coi đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á - Thái Bình Dương mà ILO công bố năm 2013.
Rõ ràng, đây là hậu quả của chính sách, cơ chế tuyển dụng, sử dụng lao động không theo năng lực thực tế… cũng như chế độ tiền lương quá "bèo bọt" hiện nay ở nước ta!.
Hiện tượng "có tới 30% cắp ô" là mặt trái của tấm "Huy chương" về quản lý nhà nước, là hình thức "gian lận" của khối công chức và là cách họ làm để "tự mình nâng đơn giá tiền lương" trong tình hình hiện nay!.
PV:- Ông có ngạc nhiên khi rất nhiều người lại coi công chức mẫn cán theo kiểu hình thức ‘cắp ô” như vậy là khôn ngoan, biết sống giữa thời buổi khó khăn này?
GS Đặng Đình Đào: -Như trên tôi đã đề cập, trường hợp những công chức mẫn cán theo kiểu "cắp ô" là một hình thức "gian lận" trong thực hiện nhiệm vụ và là cách để "tự mình nâng đơn giá tiền lương" trong tình hình hiện nay.
Cho nên, có thể coi đây là biểu hiện mặt trái của đội ngũ cán bộ công chức trong giai đoạn đầu của sự phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta, đồng thời qua đó cho thấy một thực tế cần có sự đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn, có tính đột phá hơn nền kinh tế Việt Nam nhằm tạo được động lực thực sự cho các doanh nghiệp và người lao động trong công việc và trong phát triển sản xuất kinh doanh và vươn lên làm giàu ở Việt Nam.
PV:- Từ góc độ một chuyên gia kinh tế, ông lý giải mối quan hệ giữa đức tính cần cù, chịu khó và hiệu quả thực của cái sự cần cù chịu khó ấy, như thế nào? Có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực, văn minh của thế giới được không, thưa ông?
GS Đặng Đình Đào: -Liên quan đến vấn đề này, tôi muốn trao đổi thêm về cách tính năng suất lao động hiện nay.
Thường có 3 cách tính cơ bản: Năng suất lao động tính trong phạm vi doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất; năng suất lao động tính chung toàn ngành và tính trên quy mô nền kinh tế quốc dân.
Với 3 cách tính trên, độ chính xác và phản ảnh trung thực chính là cách tính năng suất lao động ở phạm vi doanh nghiệp, còn tính năng suất lao động theo ngành và nền kinh tế quốc dân, càng lên cao càng có sự trùng lặp trong tính toán và thiếu chính xác, nhất là "lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc" như cách tính của ILO.
Do vậy, nếu từ cách tính toán của ILO về năng suất lao động của Việt Nam mà kết luận người lao động Singapore hoặc Malaysia có thể tạo ra một lượng sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động Việt Nam là chưa chính xác, hoặc là cho rằng "năng suất lao động" của một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam, một người Hàn Quốc làm việc bằng 10 người Việt Nam…càng không chính xác?.
Cho nên, rõ ràng khi tính toán năng suất lao động phạm vi doanh nghiệp, tôi cho rằng đức tính cần cù, chịu khó ấy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu người lao động thiếu đi đức tính cần cù và cái tâm trong sản xuất từng sản phẩm của mình thì chắc chắn hiệu quả thực sự sẽ hạn chế đi rất nhiều.
Trường hợp như ILO tính toán năng suất lao động thì không có gì khó hiểu khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần…
Vì tạo ra GDP liên quan đến rất nhiều vấn đề của cả nền kinh tế quốc dân từ lao động, vốn đầu tư, khoa học và công nghệ, cải cách thể chế đến xuất phát điểm của Việt Nam. Cho nên để tăng năng suất lao động mà chỉ trông chờ vào đức tính cần cù, chịu khó mà không tính toán hiệu quả thực sự của lao động là điều không thể?.
Hy vọng rằng với cải cách mạnh mẽ thể chế, tinh giảm bộ máy quản lý nhà nước, phân bố hợp lý lực lượng lao động trong các ngành, các cơ quan, địa phương, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm, dịch vụ có GTGT cao, lực lượng lao động với truyền thống cần cù, chịu khó lại được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, trang bị đầy đủ các kỹ năng phần mềm...
Chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới về chất trong nền kinh tế thị trường hiện đại và sớm thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Xin cảm ơn GS đã chia sẻ!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc