Người Việt: Cứ mãi làm theo, sẽ luôn tụt hậu
Gần đây báo chí đề cập đến nguồn chất xám Việt chưa được trọng dụng. Ngoài câu chuyện phát huy trí tuệ người Việt, trong năm qua, vấn đề năng suất lao động của VN đang ngày càng tụt hậu cũng được xem là một thách thức nổi bật.
GS. Trần Đình Bút, nguyên hiệu trưởng trường quản lý kinh tế Trung ương, nguyên thành viên tổ tư vấn và Ban nghiên cứu giúp việc cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, đã phân tích điều này trong câu chuyện cuối năm với Tuần Việt Nam.
Tổ chức Lao động Quốc tế giữa năm nay đã đưa ra công bố cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan. Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cũng than phiền chuyện này ở diễn đàn QH. Theo quan sát của ông trong nhiều năm nghiên cứu và tư vấn chính sách, câu chuyện trên cần được phân tích thế nào?
- Khoảng 40 năm trước đây kinh tế Việt Nam với Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên còn ngang hàng nhau.
So với Hàn Quốc kinh tế ở miền Bắc khi đó còn nhỉnh hơn một chút. GDP bình quân đầu người ở miền Bắc là khoảng 100 USD/người, còn Hàn Quốc là khoảng 80 USD/người. Thế mà nay họ đã gần 40.000 USD/người, ta mới khoảng 2.000 USD/người. Họ đã hơn ta gấp 18 – 20 lần!
Gần đây thì Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra công bố năng suất lao động, như số liệu bạn vừa nói ở trên.
Một nguy cơ nữa đe dọa nghiêm trọng nước ta là NSLĐ ở VN đang trên đà sụt giảm. Giai đoạn 2002 – 2007 NSLĐ của VN tăng 5,2 %/năm nhưng đến năm qua thì chỉ còn 3,3%. Bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh chưa cải tổ mấy.
Hệ quả của NSLĐ thấp và suy giảm là chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI – Global competiveness Index) rớt hạng liên tục. Năm 2011 VN được xếp thứ 59, năm 2012 xếp thứ 65; năm 2013 xếp thứ 75; năm vừa rồi chưa có con số tổng kết, nhưng hy vọng cải thiện nhanh là khó.
Bởi vậy mà kết quả khảo sát mới đây cũng của ILO cho thấy, tiền lương của lao động VN đang ở mức thấp nhất ASEAN.
Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế ngày càng toàn diện và sâu sắc, khi hàng rào thế quan dần được dỡ bỏ thì ưu thế về thị trường lao động giá rẻ sẽ mờ nhạt đi. Lợi thế cuối cùng của chúng ta là lao động giá rẻ sẽ không còn giá trị và ý nghĩa gì nữa.
Kìm hãm và hạn chế
Nói tới nhân tố phát triển đất nước, ngoài tiềm năng cứng là tài nguyên thì yếu tố "tài nguyên mềm" là nhân lực cũng luôn được đề cập. Nhân tố này đã thực sự phát huy hiệu quả chưa thưa ông?
- Xin bắt đầu bằng câu chuyện về anh nông dân Trần Quốc Hải ở Tây Ninh được Hoàng gia Campuchia phong chức “Đại tướng quân” nổi đình nổi đám mấy tháng cuối năm vừa rồi.
Câu chuyện này đa nghĩa, nhưng khái quát nhất, có thể thấy là những người có tâm huyết và đam mê ít tìm thấy mảnh đất tốt cho sáng tạo và tìm tòi cái mới. Dường như, quản lý nhà nước vẫn chưa tạo điều kiện cho phát huy tư duy độc lập, sáng kiến để nâng cao NSLĐ. Thậm chí, đây đó còn kìm hãm và hạn chế.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, bất cứ một thành công, đột phá hay một phát minh vĩ đại nào cũng phải bắt đầu từ sáng tạo, những nghiên cứu từ chỗ mày mò đi lên. Nếu không biết vun trồng, chăm bón thì làm sao có kết quả? Và ai còn dám sáng tạo nữa?
Chúng ta thường kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức phải đổi mới, phải hội nhập quốc tế. Nhưng thế giới đã chuyển từ nền kinh tế sang kinh tế sáng tạo. Bóp nghẹt sự sáng tạo từ trong trứng nước thì làm sao hội nhập hay cạnh tranh được với thiên hạ. Còn cứ mãi học hỏi làm theo, đi theo những gì người ta đã làm thì ta luôn tụt hậu.
Ở một góc độ khác chúng ta cũng phải suy nghĩ. Tại sao có nhiều cô gái trẻ xinh đẹp của VN lại có mơ ước lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan?
- Tôi nhớ mãi và vô cùng tâm đắc so sánh của ông Vũ Ngọc Hoàng, phó Ban tuyên giáo Trung ương khi so sánh Việt Nam và Hàn Quốc trước kia và hiện nay: "40 năm trước hai nước ngang nhau. 40 năm sau người Hàn Quốc qua VN làm ông chủ. Còn người VN qua Hàn Quốc là đi làm thuê và đi làm dâu xứ người".
Chỉ có những ai bàng quan với đất nước, với dân tộc mới có thể không đau xót và không suy nghĩ gì.
Tôi muốn đào sâu nguyên nhân đích thực, là tư duy sáng tạo chưa được giải phóng. Chính vì vậy, nó tác động đến nỗ lực cải tiến để tăng NSLĐ, tăng hiệu quả công việc.
Những phát hiện, sáng tạo khác với “quy trình” là lập tức bị chặn đứng. Hệ quả tiếp theo là khiến con người Việt Nam vốn thông minh nhạy bén trở nên thụ động, an phận. Nguy hại hơn là sự bảo thủ đang lây lan. Nhiều khi ta lấy cái cớ "đặc thù kiểu VN" để biện minh cho cái sai, cái dở.
Thế giới ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Sự đan xen, hội nhập, giao lưu diễn ra mạnh mẽ, nhanh chóng. Chúng ta rất cần hòa mình vào dòng chảy chung của nhân loại để tiến bộ. Quá trình hòa nhập đó luôn đi đôi với cạnh tranh để phát triển. Muốn cạnh tranh được thì tất nhiên hai yếu tố NSLĐ và con người phải được cải thiện, nâng cao.
Chuyện năm cũ đã được những người có trách nhiệm nhất với đất nước lên tiếng, chia sẻ, cảnh báo. Vậy có tín hiệu nào để tin và để lạc quan cho năm tới 2015, thưa ông?
- Con người là lực lượng sáng tạo. Nếu được chăm lo bồi dưỡng thì yếu tố con người sẽ là nguồn tài nguyên quý giá nhất, quan trọng nhất, sức sáng tạo lúc đó sẽ vô cùng tận.
Dân tộc ta có sức sáng tạo rất lớn. Đó là truyền thống đáng quý báu.
Để đột phá năm tới cần phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt. Muốn vậy, cần mở đường cho sức sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, tiếp thu và nâng cao những thành quả quý báu của nhân loại, tận dụng các cơ hội, thời cơ mà công cuộc hội nhập đưa đến để phát triển đất nước.
Giải pháp cơ bản là phải thực lòng xây dựng thể chế thị trường trong quản lý kinh tế theo đúng nghĩa phổ quát mà các nước tiến bộ văn minh đang thực hiện. Trong đó, thứ nhất là cơ chế thị trường với quy luật cơ bản của nó là cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thứ hai là Nhà nước pháp quyền XHCN để làm chất xúc tác và kềm chế những lệch lạc, méo mó của thị trường.
Khi không còn căn bệnh cũ nữa thì tất nhiên sức sáng tạo được giải phóng sẽ tạo ra sức mạnh trên nhiều lĩnh vực Kinh tế, Văn hóa, Xã hội góp phần dựng xây đất nước.
Vài nét về GS. Trần Đình Bút:
GS.Trần Đình Bút sinh ngày 29/11/1924 tại thôn Trà, xã Tịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Sau năm 1954, ông công tác tại Bộ Kinh tế và Văn phòng Thủ tướng. Ông đã từng đi học về quản lý kinh tế ở Bắc Kinh và từng nhiều năm giảng dạy ở ĐH Kinh tế Quốc dân.
Ông làm Hiệu trưởng trường quản lý kinh tế Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu. Sau khi về hưu ông có thời gian làm cố vấn cho Bí thư thành ủy TP.HCM. Sau đó ông được mời vào Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Vào giai đoạn bao cấp, ông đã viết quyển sách nổi tiếng lúc bấy giờ là: “Kết hợp kế hoạch và kinh tế thị trường”. Quyển sách ra đời khiến ông gặp nhiều khó khăn.Tuy nhiên, TBT Lê Duẩn đã xem và đánh giá rất cao nên sách của ông được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo cán bộ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái