Người Việt mất hơn 40 năm nữa để có thu nhập cao
Nhận định này được OECD đưa ra tại Diễn đàn Phát triển châu Á (ADF), lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội ngày 19/9. Với chủ đề "Vượt qua bẫy thu nhập trung bình", diễn đàn do Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức tập trung thảo luận về những thách thức mà một quốc gia gặp phải khi đạt ngưỡng thu nhập trung bình, nhưng không thể vươn lên nấc thang cao hơn, thậm chí thụt lùi về tăng trưởng.
Phát biểu tại sự kiện này, Trưởng ban châu Á của OECD - Kensuke Tanake đưa ra một bảng dự báo về thời gian dự tính để các nền kinh tế có thu nhập trung bình châu Á trở thành nước phát triển. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm tốn nhiều thời gian nhất, với thời gian lên hạng thu nhập cao vào năm 2058, trước Ấn Độ một năm.
Trong khi đó, các nước lân cận như Malaysia được dự báo sẽ vượt ngưỡng thu nhập trung bình vào năm 2020, Trung Quốc năm 2026 và Thái Lan năm 2031.
Nói về hiện trạng phát triển, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định mình đang là một nước có thu nhập trung bình thấp. Đây là kết quả của quá trình dài 30 năm và những động lực phát triển trước đây đã gần hết dư địa. "Nếu không tìm ra phương thức tái cấu trúc thì chắc chắn Việt Nam sẽ đối diện bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng chậm lại", Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Ở quy mô rộng hơn, theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á sẽ đứng trước 2 kịch bản phát triển đến năm 2050. Kịch bản thứ nhất là GDP cao gấp 10 lần năm 2010. Kịch bản thứ hai là toàn châu lục mắc kẹt vào cái bẫy nói trên.
Theo Giáo sư Keun Lee từ Đại học Quốc gia Hàn Quốc, yếu tố có thể giúp các nước vươn lên thoát bẫy thu nhập trung bình là con người và đổi mới sáng tạo. Ông đưa ra ví dụ của Hàn Quốc, một quốc gia đã đạt mức thu nhập cao và tăng trưởng hàng năm vẫn tiếp tục đi lên.
Thành công của Hàn Quốc đến khá muộn. Giữa những năm 1990, nước này vẫn trong quá trình tình trạng nhập siêu triền miên, kéo dài từ chục năm trước đó. Đến cuối thập kỷ, nước này mới bắt đầu đạt được thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, sau một thời kỳ xúc tiến xuất khẩu, mở cửa kinh tế, nền kinh tế Hàn Quốc phát triển tăng vọt. Một trong các bí quyết là đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Lĩnh vực này nhận được sự hưởng ứng của Chính phủ như miễn thuế, khuyến khích mở các phòng nghiên cứu. Nhờ đó, các công ty Hàn Quốc đã tạo ra được nhiều sản phẩm công nghệ cao như chip bộ nhớ, điện thoại di động, tivi kỹ thuật số...
Trong khi đó, ông Takehiko Nakao - Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á đưa ra một chương trình 8 điểm để giúp các quốc gia châu Á đạt được GDP tăng gấp 10 lần năm 2050 bao gồm ổn định chính trị và an ninh; ổn định kinh tế vĩ mô; đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư vào y tế giáo dục và con người; chính sách thương mại và đầu tư; quản trị tốt; sự hòa nhập cho tất cả mọi người; chia sẻ tầm nhìn phát triển chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo