Nguy hiểm rình rập từ cánh đồng diều
Các chuyên gia cảnh báo những “quy tắc” chơi diều đã bị phá vỡ và nguy hiểm rình rập ở những cánh đồng diều đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Vụ bé trai 5 tuổi bị diều cuốn lên cao rồi rơi xuống đất tử vong vào chiều 15.3 tại khu vực thả diều nằm trên đường song hành QL22 (TT.Hóc Môn, H.Hóc Môn, TP.HCM) theo các chuyên gia là một tai nạn hết sức hy hữu.
Quy tắc “5 không”
Nghệ nhân diều quốc tế Quan Hàng Cao (người Anh, gốc Việt), là thành viên Hiệp hội Diều thế giới, chia sẻ gần đây ông có xem trên các báo thấy người dân ở TP.HCM tập trung thả diều ở Hóc Môn rất đông, lúc đó ông nghĩ tới nguy hiểm sẽ xảy ra ở cánh đồng diều này.
Theo ông Cao, vụ tai nạn khi thả diều vừa qua là do những người chơi diều chưa đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong lúc thả diều. Đối với những con diều lớn thiết kế theo nguyên lý khí động học như vậy phải thả bằng dây dù to như ngón tay út, và phải được thả tại một khu đất riêng biệt. Nếu ở khu đất đông người thì họ phải quây lại thành khu riêng, người chỉ huy phải chú ý xung quanh khi bắt đầu thả diều. Trên thế giới, người ta có quy tắc “5 không” khi thả diều, đó là: không thả diều ở đường dây diện, đường giao thông, sân bay, nơi đông người và gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Cao là Phó ban tổ chức Festival diều quốc tế tại Vũng Tàu, là người có nhiệm vụ mời các đơn vị tham gia festival, và trong danh sách mời tham dự năm nay không có CLB diều Sài Gòn. “Vì vậy, việc nói CLB diều Sài Gòn thả thử nghiệm ở H.Hóc Môn để chuẩn bị cho Festival diều quốc tế tổ chức tại Vũng Tàu vào tháng 4.2015 là không chính xác”, ông Cao nói.
Ông Đặng Quang Sang, Chánh văn phòng UBND H.Hóc Môn, cho biết ngay khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ gia đình 15 triệu đồng. Theo ông Sang, sau sự cố này, huyện đã chỉ đạo các địa phương, công an... trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thả diều, nhất là những con diều to. Khuyến khích người dân thả những con diều nhỏ, diều dân gian.
Hàng loạt tai nạn
Trong diễn biến khác, Điện lực Thống Nhất (Công ty TNHH MTV điện lực Đồng Nai) cho biết ngày 3.3, một sự cố xảy ra trên đường dây hạ thế 220 KV (đoạn qua xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất, Đồng Nai) liên quan đến thả diều. Trẻ em dùng dây kẽm thả diều, khi dây bị đứt diều bay lên đường dây gây chập điện. Sự cố khiến đường dây phát nổ, đứt dây điện làm hơn 300 hộ dân ấp Đức Long 1 và Đức Long 2 (xã Gia Tân 2) bị mất điện, gây thiệt hại gần 300 triệu đồng.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhi N.T.N (11 tuổi, ngụ Lâm Đồng) bị bỏng toàn thân do diều vướng vào đường điện. N. cùng nhiều trẻ em khác thả diều, N. cầm dây điều khiển diều, một lúc sau diều chao đảo vướng vào đường dây cao thế. Do dây diều bằng sợi đồng nên dẫn điện mạnh khiến N. ngã lăn ra đất bất tỉnh, quần áo bị cháy xém, N. bỏng nặng phải trải qua nhiều cuộc ghép da.
Trước đây, một tình huống gặp nạn hy hữu khác liên quan đến thả diều xảy ra trên đường DN5 (Q.12, TP.HCM) - một người đàn ông chạy xe máy vướng vào dây thả diều bị ngã xuống đường, bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu.
Theo Công ty TNHH MTV điện lực Đồng Nai, thời gian qua toàn tỉnh đã xảy ra nhiều sự cố điện do thả diều, thả vật bay làm thiệt hại, hư hỏng một số thiết bị điện, gây mất điện trên diện rộng, làm ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân - năm 2010 xảy ra 10 vụ mất an toàn điện do thả diều, năm 2012: 6 vụ, năm 2013: 9 vụ và năm 2014: 7 vụ.
Con diều gây ra cái chết của bé Đạt được các thành viên CLB diều Sài Gòn chế tác khoảng 4 - 5 năm nay. Con diều dài 12 m, chiều rộng sải cánh 18 m, có 2 cái đuôi dài khoảng 10 m, trọng lượng diều khoảng hơn 20 kg.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cột tin quảng cáo