Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ lên tiếng về vụ Tiên Lãng
"Kinh nghiệm cho thấy tập trung đất đai vào sở hữu toàn dân mà quản lý như vừa qua thì cả hai phương diện hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả quản lý bị hạn chế. Nhiều khiếu kiện đất đai thời gian qua cũng có nguyên do từ đây”, nguyên bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ trả lời phỏng vấn.
"Kinh nghiệm cho thấy tập trung đất đai vào sở hữu toàn dân mà quản lý như vừa qua thì cả hai phương diện hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả quản lý bị hạn chế", ông Lê Huy Ngọ nói. Ảnh: L.P |
Thưa ông, vụ việc ở Tiên Lãng vừa rồi đã bộc lộ rất nhiều vấn đề trong chính sách giao – thu hồi – quản lý đất đai. Nói cách khác cũng là bộc lộ những mâu thuẫn lớn giữa chính quyền và người dân trong vấn đề quản lý, sử dụng đất. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Về vụ việc Tiên Lãng, Thủ tướng đã có kết luận rất rõ ràng. Chúng ta đang chờ xem việc thực hiện kết luận đó ra sao. Tuy nhiên, quan trọng hơn, điều vừa có tính cấp bách, cơ bản, lại vừa lâu dài trong quản lý đất đai từ trước đến nay, là một khi luật chưa đủ cụ thể thì cả hai phía đều khó. Người dân thì chỉ nghĩ đến phần nào có lợi cho mình thì khai thác; người quản lý cũng chỉ nghĩ đến cơ sở để thực thi pháp luật thuận lợi cho người quản lý.
Điểm chung nhất ta chưa đạt được là việc quản lý đó phải đem lại hiệu quả cho người sử dụng đất và không gây ra những khó khăn cho cả người sử dụng đất đai và những sơ hở dễ lợi dụng của người quản lý, ảnh hưởng đến lòng tin đối với Nhà nước.
Điều quan trọng nhất trong quản lý đất đai lâu nay chưa cụ thể được giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. Hiến pháp nói đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Luật nói giao quyền sử dụng đất nông nghiệp lâu dài, ổn định cho nông dân, trong đó có năm quyền hết sức quan trọng như quyền sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế… Cộng năm quyền đó lại thì gần tiến đến quyền sở hữu, nhưng chúng ta lại không nói đó là quyền sở hữu, tức là quyền quyết định, là quyền căn bản nhất trong quản lý đất đai. Cho nên nó mới lúng túng như thế.
Để giải quyết được cơ bản, rành mạch vấn đề đất đai – lần này trên cơ sở tổng kết luật Đất đai, mà điều này, tôi biết Chính phủ đang làm rất ráo riết – là sửa đổi Hiến pháp. Vấn đề là rút ra được bài học về quản lý đất đai có hiệu quả, đem lại lợi ích lớn nhất về sử dụng đất vì đây là nguồn tài nguyên lớn nhất của đất nước.
Những bài học cần rút ra trong quản lý, thực hiện và xây dựng luật Đất đai là gì, thưa ông?
Theo tôi có ba điểm. Trước hết phải có chủ trên từng thước đất, trên từng thửa ruộng, từng cánh rừng, từng khoảnh đất. Phải rõ ràng: chủ là ai, không rõ chủ thì khó mà quản lý. Chủ đó có thể là của kinh tế tư nhân, của kinh tế tập thể, hoặc của Nhà nước. Khi rõ rồi thì khó có ai xâm phạm được. Xưa nay tôi làm về lâm nghiệp, rừng luôn bị phá hoại vì chủ không rõ: đâu là của người nông dân, đâu là của lâm trường, đâu là của cộng đồng dân cư, đâu là của Nhà nước. Sau khi quy định quyền sở hữu thì quy định quyền sử dụng. Vừa qua có sự đan chéo giữa sở hữu và sử dụng. Mỗi thửa đất, mỗi cánh rừng đều phải có chủ rõ ràng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Nhà nước phải là người quản lý thống nhất.
Thứ hai, phải vận dụng những quy luật kinh tế về đất đai. Đất đai là hàng hoá đặc biệt, nhưng dù đặc biệt thì đặc tính thứ nhất vẫn là hàng hoá nên phải vận dụng quy luật về hàng hoá, quy luật thị trường để phù hợp cơ chế thị trường theo định hướng XHCN: giá đất nông nghiệp phải được vận dụng theo cơ chế thị trường, nếu không, việc áp đặt một giá do chúng ta nghĩ ra sẽ bị lợi dụng, khi bị lợi dụng thì không thể sử dụng có hiệu quả.
sở hữu hẳn hoi.
Ông muốn nhấn mạnh vấn đề thừa nhận quyền đa sở hữu về đất đai?
Để cho đất đai mang lại hiệu quả như tài sản quý giá, có thời chúng ta đã thực hiện đa sở hữu về đất đai. Tức có đất của Nhà nước, có đất của cộng đồng – tập thể, có đất của tư nhân. Như trong nông nghiệp, đất thổ cư, đất vườn xưa nay vẫn thuộc về quản lý của chủ hộ, dù ta vẫn nói về sở hữu toàn dân thì họ vẫn quản lý rất chặt. Hoặc ở trong thôn, làng, bản vẫn có đất công ích của cộng đồng không ai dám xâm phạm vì họ quản lý chặt vừa về mặt pháp lý vừa về mặt tâm linh.
Hiện trong nông nghiệp có phần đất nông dân quản lý, có phần do nông lâm trường quản lý, một bộ phận nữa Nhà nước giao cho các tập thể cộng đồng…, tức là thực chất đang diễn ra quản lý đa thành phần như vậy nhưng không được hợp pháp hoá, biến nó thành điều luật với sở hữu hẳn hoi.
Lần này, vấn đề lớn nhất không chỉ thuộc về luật nữa mà cả Hiến pháp là xác định sở hữu đất đai như thế nào. Theo tôi nên hướng đến sở hữu đa thành phần, để đảm bảo hai mục tiêu: sử dụng có hiệu quả cao nhất và quản lý chặt chẽ nhất theo đúng mục tiêu của Nhà nước.
Kinh nghiệm cho thấy tập trung đất đai vào sở hữu toàn dân mà quản lý như vừa qua thì hiệu quả sử dụng đất bị hạn chế, hiệu quả quản lý cũng vậy. Hậu quả khiếu kiện đất đai nhiều như vừa qua có phần xuất phát từ đây.
Tôi hy vọng qua kinh nghiệm thực tiễn vừa qua, lần này phải đề cập đến vấn đề sở hữu đất đai, phải mở rộng quyền dân chủ lập pháp của nhân dân, để dân thảo luận và quyết định vấn đề hệ trọng này.
Nghĩa là phải sửa Hiến pháp, thưa ông?
Quan điểm của tôi là sửa đổi Hiến pháp nên bàn tới vấn đề sở hữu, để nông dân được sử dụng đất nông nghiệp lâu dài và ổn định thật sự thực chất. Phải ổn định lâu dài thực chất để nông dân yên tâm sản xuất, yên tâm suy nghĩ trên luống cày của họ nhằm tạo ra hiệu quả nhất cả trước mắt và sau này. Chỉ có như thế thì đất đai mới có hiệu quả.
Theo tôi, với đất thổ cư, thổ canh, nông nghiệp nên giao cho nông dân sở hữu và có sự quản lý của Nhà nước.
Nhưng luật Đất đai hiện tại cũng đã quy định phải giao đất “lâu dài, ổn định” cho nông dân?
Hiện quy định giao đất nông nghiệp là 20 năm, giờ sắp hết 20 năm rồi. Trong tinh thần của pháp luật, giao đất cho nông dân là ổn định và lâu dài song tôi cho 20 năm chưa phải lâu dài. Nếu nói “ổn định” thì tới đây phải thế nào, có chia lại không? Theo tôi không nên chia lại, như thế rất phức tạp. Bởi chia lại theo tiêu chí nào? Có người nói người đẻ ra phải được chia thêm, người chết phải rút đi. Nhưng rút đi (thu hồi) thì cơ sở pháp lý nào mà rút? Thực chất chỗ đấy chính là quyền sử dụng gắn với quyền sở hữu nhưng mình không thừa nhận nó. Hơn nữa, trong các quyền, người ta được quyền chuyển nhượng, cho thừa kế trước khi chết cơ mà. Đó là chưa kể, tỷ lệ sinh chắc chắn lớn hơn tỷ lệ tử, trong khi đất đâu có nảy nở thêm, khi ấy chia lại thì lấy đất ở đâu ra? Còn lâu dài, ví dụ cây cao su bảy năm mới cạo mủ, vậy thì phải giao ít nhất một hai chu kỳ sản xuất. Cây rừng bản địa thì phải dài hơn nữa. Nếu không giao quyền sở hữu cho nông dân thì giao đất phải phù hợp quy luật sinh học, quy luật của đầu tư, nếu không nông dân làm sao mà xoay xở được?
Trường hợp có yêu cầu thu hồi thì phải vận hành theo cơ chế thị trường, theo quy luật thị trường. Có người nói thị trường là vô cùng. Sở dĩ có “thị trường vô cùng” là do vận động không đúng quy luật, là thị trường bị bóp méo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân