Nguyên Phó Thủ tướng tiếp tục kêu gọi tránh thảm họa
Trồng cây sợ gió trong rốn bão
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã bày tỏ quan điểm về cách biến thảm họa do bão số 10 tàn phá hàng chục ngàn ha cây cao su ở miền Trung thành hướng đi mới cho nông nghiệp vùng này.
Ông cho biết: "Cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, “sợ” nhất là bão và rét. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 16 độ cây sẽ chết. Tây Bắc là vùng có nhiệt độ tối thấp, trong khi miền Trung lại là rốn bão.
Vì thế, việc trồng cao su ở đây là quá mạo hiểm và hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Nhiều năm trước, tôi đã góp ý rõ ràng điều này với Bộ NNPTNT, Bộ TNMT và Bộ KHCN, nhưng họ vẫn cứ làm!".
Qua cơn bão số 10 vừa qua, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói: "Sau bài học đắt giá này, nông dân miền Trung - nhất là khu vực Bắc Trung Bộ - tuyệt đối không nên trồng lại cao su nữa, vì quá rủi ro! Với đặc thù đất badan bằng phẳng ở khu vực này, nhiều loại cây trồng khác có thể thay thế phù hợp, ít rủi ro bởi thiên tai mà giá trị kinh tế tương đương.
Để cứu vãn tình thế trước mắt, bà con hãy triển khai trồng ngay cây ngắn ngày như ngô, khoai lang hoặc sắn. Nhà nước hãy hỗ trợ ngay cho họ giống, phân bón, tìm nơi tiêu thụ bằng cách kết nối với nhà máy ethanol hoặc các hợp đồng xuất khẩu".
Nguyên Phó Thủ tướng khẳng định: "Miền Trung hoàn toàn giàu có mà không cần phụ thuộc vào cao su. Vì thế, hãy coi đây là cơ hội để cơ cấu lại sản xuất. Nam Đàn (Nghệ An) với mô hình chăn nuôi bò sữa rất thành công. Tại sao không biến Quảng Bình, Quảng Trị thành vùng nuôi bò thịt cao sản trong tương lai?
Hãy bắt đầu bằng việc trồng cỏ. Với năng suất 300 tấn/ha/năm, giá bình quân 500.000đ/tấn cỏ, bà con thu về 150 triệu đồng. Cỏ trồng được có thể bán cho vùng nuôi bò khác hoặc ủ xanh để xuất khẩu. Nếu trồng được cỏ, từ đó nuôi bò thịt cao sản thì chuỗi giá trị gia tăng còn lớn hơn gấp nhiều lần so với caosu và các cây trồng khác".
Để làm được điều này, theo Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: "Nhà nước với vai trò “bà đỡ” hãy nhanh chóng lên kế hoạch trồng thử nghiệm khoảng 100ha cỏ thâm canh, nhập giống bò thịt cao sản về nuôi tại miền Trung, giao khoán cho nông dân, sau đó xây dựng các chính sách về tài chính, kỹ thuật và thuế để thu hút DN.
Theo tôi, Nhà nước cần cách làm đột phá hơn, hãy tuyên bố với DN là không thu bất cứ đồng thuế thu nhập DN nào và cho mượn miễn phí quỹ đất trong 10 năm đầu. Chỉ như vậy, người dân miền Trung có thể giàu lên mà không tơ tưởng gì đến cây cao su dễ bị mất trắng như vừa qua".
Đổ cây nào trồng cây đó trên vùng bão
Dù hàng ngàn hecta cao su đã gãy đổ trong cơn bão số 10 nhưng người dân ở Quảng Bình và Quảng Trị vẫn tiếp tục trồng loại cây này, bất chấp cảnh báo rủi ro từ thiên tai.
Những ngày gần đây, hơn 400 công nhân của Công ty TNHH MTV Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình) đang tất bật thu dọn hàng trăm hecta cao su của công ty bị gãy đổ trong cơn bão vừa qua. Một nhóm đi đào hố trồng cây mới, nhóm dựng dậy những cây cao su bị bật gốc, nhóm khác cắt bỏ những cây bị bão bẻ gãy
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, giám đốc công ty, cho biết sau khi thu dọn xong bãi “chiến trường” này, công ty sẽ trồng lại toàn bộ diện tích đã bị gãy đổ vì vùng đất này không thể có loại cây nào đem lại hiệu quả cao hơn.
“Thiên tai rải đều ra cả nước chứ không riêng gì Quảng Bình, Quảng Trị. Hơn nữa vài chục năm mới có bão lớn một lần. Chừng đó đủ để cho một chu kỳ cây cao su từ khi trồng đến thu hoạch xong. Nếu mình thuận theo chu kỳ đó thì vẫn đem lại được hiệu quả” - ông Sơn khẳng định.
Ông Phan Văn Khoa, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết dù diện tích cao su của tỉnh bị gãy đổ trong đợt bão vừa qua rất lớn, thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng địa phương vẫn khuyến khích người dân tiếp tục gắn bó với loại cây này.
Ông Khoa phân tích trong mấy chục năm qua cao su là cây mũi nhọn của ngành nông nghiệp tỉnh. Trong khi gió bão lớn cũng hơn 20 năm mới có một lần, như từ năm 1983 đến giờ mới có bão lớn trở lại.
Ngoài cao su, vùng này cũng chỉ có thể trồng keo lá tràm (keo lai). Cây keo lai thu hoạch theo chu kỳ năm năm, mỗi lần thu khoảng 40-50 triệu đồng/ha. Như vậy trong 20 năm, nhiều nhất keo lai cũng chỉ đem lại lợi nhuận gần 200 triệu đồng trong khi cây cao su đem lại tiền tỉ. “Nếu bão lớn thì cả hai loại cây này đều cùng gãy đổ như nhau” - ông Khoa cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bài, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết địa phương này có gần 7.000ha cao su bị gãy đổ trong trận bão vừa qua, tập trung ở Vĩnh Linh và Gio Linh. Hiện có nhiều ý kiến cân nhắc có nên tiếp tục trồng cây cao su ở vùng thường xuyên bão lũ như Quảng Trị không.
Do đó, trước mắt tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân phục hồi cao su vẫn còn khả năng tái tạo mủ. Nhưng về lâu dài, tỉnh đã tính đến phương án tìm loại cây khác thay thế hoặc tìm cách hạn chế những tác động của thiên tai nếu tiếp tục trồng cây cao su như trồng theo mô hình của các vùng đảo là ba cây chụm lại, trồng sâu hơn bình thường...
“Đây mới chỉ là những ý kiến mang tính tham khảo, chúng tôi sẽ cân nhắc để có thể triển khai trong tương lai” - ông Bài nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam