Nguyên phụ liệu dệt may hút vốn FDI
Trong tháng 11/2012, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề liên doanh sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam với Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex). Đây là xu hướng tốt, giúp ngành dệt may tự chủ nguồn nguyên phụ liệu sản xuất và có thể là động thái của các doanh nghiệp nước ngoài đón đầu TPP. Tháng 12/2012 Việt Nam sẽ tham gia vòng đàm phán thứ 15 Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết, khi gia nhập TPP, ngoài lợi thế giảm thuế vào thị trường các nước thành viên, ngành dệt may Việt Nam sẽ thu hút nhiều FDI vào lĩnh vực dệt nhuộm.
Theo ông Lê Quốc Ân, cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khi Việt Nam gia nhập TPP, nhiều mặt hàng dệt may xuất sang Mỹ hiện có thuế suất cao 16,5%, 32%, 28%… sẽ xuống 0%. Không có TPP nhưng dự báo xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt khoảng 13 tỷ USD vào năm 2020, còn nếu có TPP sẽ tăng lên 22 tỷ USD. Trong ngành dệt may, nếu tăng được một tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng được 100 chỗ làm mới.
Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ TPP, ngành dệt may phải đáp ứng được tiêu chí về xuất xứ (C/O) rất chặt của TPP. Đây là một thách thức lớn. Theo đàm phán TPP, nguyên liệu dung để sản xuất hàng dệt may phải có xuất xứ từ các nước trong TPP. Trong khi đó, hiện tại, dệt may Việt Nam phụ thuộc 65% nguyên phụ liệu nhập từ các nước ngoài TPP.
Ông Lê Quốc Ân khuyến cáo, doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu phải sớm chủ động liên kết với doanh nghiệp dệt may để khai thác thế mạnh của nhau.
Sau khi Việt Nam tham gia WTO, ngành dệt may đã có mức tăng tưởng xuất khẩu cao và Việt Nam trở thành quốc gia hang đầu thế giới về xuất khẩu dệt may. Đến nay, dệt may Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu dệt may hiện chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thảo Nguyên (Theo Chinhphu.vn)
End of content
Không có tin nào tiếp theo