Nhà báo - lợi ích công
Khái niệm này cũng được các nhà báo, nhà quản lý phân tích sâu tại hội thảo “Báo chí điều tra và lợi ích công” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển – Red Comminication tổ chức tại Hà Nội.
Nhà báo được bảo vệ thế nào?
Dẫn lại vụ việc hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt vào năm 2008 trong việc đưa tin về vụ án PMU 18 và mới đây là phóng viên Hoàng Khương báo Tuổi Trẻ bị cáo buộc phạm tội đưa hối lộ và bị bắt tạm giam, phóng viên Đỗ Hà, đại diện Diễn đàn nhà báo trẻ, bày tỏ sự hoang mang, lo lắng về những tai nạn nghề nghiệp tương tự. Theo phóng viên này, trong vụ PMU 18, có tới 25 biên tập viên, phóng viên phải nhận trát hầu tòa, nhà báo Hoàng Khương từng đoạt giải báo chí cũng bị bắt trong một ngày đầu năm 2012… liệu các nhà báo trẻ, thiếu kinh nghiệm có tránh khỏi những tai nạn tương tự ?!
Theo ông Trần Thanh, Điều tra viên cao cấp, Cục An ninh điều tra, trong các văn bản luật đã quy định, ngoài luật báo chí, các nhà báo cũng bị chi phối bởi các luật khác. Ông Thanh cho rằng Bộ luật hình sự có nguyên tắc rất rõ ràng là mọi người phạm tội đều bị xử lý trước pháp luật. Nhà báo cũng là công dân, do đó không thể vì mục đích của báo chí mà vi phạm pháp luật. Ngoài ra, trong bộ luật hình sự nêu rất rõ những quy định, nguyên tắc để tránh rủi ro khi tác nghiệp. Cần phải “biết điểm dừng” ví dụ trong vụ nhà báo Hoàng Khương thì phóng viên không nên đưa tiền mà phải tổ chức để bắt quả tang lúc đưa tiền cho vị cảnh sát giao thông kia.
Theo nhà báo Nguyễn Việt Chiến, báo Thanh Niên, bảo vệ các nhà báo đang là vấn đề rất quan trọng bởi các văn bản dưới luật quy định chi tiết luật hiện nay chưa có. Cần mạnh dạn đề xuất về khái niệm lợi ích công và bảo vệ quyền miễn trừ đối với các nhà báo khi họ hoạt động đúng bản chất của báo chí.
Nhập vai đến đâu?
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng pháp luật, chính sách, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông, nhiều bộ, ngành địa phương dù có người phát ngôn nhưng đã làm không nghiêm túc, không hiệu quả khiến việc cung cấp thông tin cho báo chí không kịp thời. Chính vì điều này khiến phóng viên phải dùng nghiệp vụ, bằng mọi cách để có thông tin nhanh, vì vậy không ít thông tin bị sai lệch.
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP.HCM, khẳng định: “Nhập vai là cách tốt nhất để thu thập thông tin viết bài và có tính thuyết phục cao nhất”. Tuy nhiên, nguyên tắc nhập vai phải được tuân thủ nghiêm ngặt, đó là phải được sự đồng ý của cấp cao nhất (Tổng biên tập) và không được tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất; không thúc đẩy sự kiện diễn ra hoặc khiến nó diễn ra sớm hơn bình thường; không gài bẫy, gợi ý hối lộ…
Tất cả những hành động nhập vai của phóng viên nhằm mục đích cuối cùng là phơi bày đúng bản chất của sự việc để từ đó các cơ quan chức năng vào cuộc, điều chỉnh hành vi xã hội. Song chỉ cần non về kỹ năng, yếu về luật pháp và thiếu sự phối hợp của cả bộ máy các phóng viên vào vai không chỉ gặp nguy hiểm trong khi tác nghiệp mà còn bị cuốn vào vòng lao lý.
Theo ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, các khái niệm “nhập vai”, “lợi ích công” thời gian tới cần được Luật Báo chí, Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự… làm rõ để những người cầm cân nảy mực trong các cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật hiểu được các nhà báo đang nhập vai để làm nhiệm vụ.
“Kỳ tới khi thẩm tra Luật Báo chí (sửa đổi), nếu thấy chưa đầy đủ Ủy ban sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo luật đưa những nội dung còn bất cập trong quá trình hành nghề của báo chí vào luật để các nhà báo hoạt động tốt hơn”, ông Tiến cho biết.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc