Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bảo tồn nguyên vẹn
Theo quyết định của Thủ tướng, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chùa Một Cột được bảo tồn nguyên vẹn.
Bảo tồn nguyên vẹn nhà Đại tướng
Quyết định nêu rõ, bảo tồn nguyên trạng Tòa nhà Bộ Ngoại giao hiện nay, chuyển giao cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quản lý, sử dụng sau khi Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao hoàn thành.
Các khu: Di tích Phủ Chủ tịch; Bảo tàng Hồ Chí Minh; nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chùa Một Cột, bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc, khuôn viên có thể cho phép cải tạo chỉnh trang.
Theo quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, cùng với việc điều chỉnh mạng lưới đường quanh khu vực Lăng Bác, sẽ di dời 3 Bộ và một số khu dân cư khỏi khu vực đặc biệt quan trọng này.
Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt. Cơ sở vật chất của Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc.
Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ NN&PTNT chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được quy hoạch bảo tồn thành Công viên văn hóa lịch sử nhằm phát huy tối đa các giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc.
Ngoài ra, một số khu dân cư cũng cần di dời khỏi khu vực này. Cũng theo Quyết định, mạng lưới đường giao thông tại khu vực này sẽ được điều chỉnh.
Cùng với đó, Trung tâm chính trị sẽ có bãi đỗ xe ở Bảo tàng Hồ Chí Minh diện tích khoảng 0,63 ha, với sức chứa 600 xe; bãi đỗ xe ngầm tại phía Tây công viên Bách Thảo diện tích 0,25 ha, sức chứa 230 xe...
Các tuyến đi bộ sẽ được tổ chức để phục vụ khách tham quan Lăng Bác như đoạn phố Chùa Một Cột và đầu phố Hùng Vương - Lê Hồng Phong, có lộ trình kế hoạch chuyển một số tuyến đường thành tuyến phố đi bộ: Chùa Một Cột, một đoạn phố Ông Ích Khiêm, đường Điện Biên Phủ (từ nút giao với Trần Phú đến nút giao với đường Tôn Thất Đàm).
Mong ước sớm có khu lưu niệm
Đó là mong mỏi của giới sử học, nhiều nhà trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân từ nhiều năm nay. Khu lưu niệm này không chỉ góp phần tôn vinh Đại tướng, mà còn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhiều bài học quí.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam khẳng định, giới sử học Việt Nam từ lâu đã mong mỏi có một khu lưu niệm riêng về Đại tướng, mà ngôi nhà hiện tại trên đường Hoàng Diệu chính là địa chỉ hợp lý nhất.
Ông Dương Trung Quốc cho biết: "Ngôi nhà 30 Hoàng Diệu - nơi Đại tướng cùng gia đình đang sống, căn nhà gắn với tên tuổi của Đại tướng từ sau khi giải phóng Thủ đô, gần tròn 60 năm. Đây cũng là nơi đi lại, họp hành, trao đổi với các tướng lĩnh cao cấp, để lại dấu ấn sâu đậm với những người đồng đội, các cựu chiến binh, và các tầng lớp nhân dân hàng năm, hàng ngày đến thăm Đại tướng. Việc giữ lại nhà lưu niệm này không chỉ lưu niệm một cá nhân xứng đáng của lịch sử mà cả một thời kỳ của lịch sử để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc.
Ngoài căn nhà của Đại tướng sẽ trưng bày các hiện vật lưu niệm như một bảo tàng danh nhân thì có thể làm vườn tượng chân dung các vị tướng lĩnh có công trong các cuộc kháng chiến, chắc chắn sẽ góp phần tôn vinh giá trị của không gian Ba Đình lịch sử, gắn với khu vực liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long và không gian nhà Quốc hội gần đó".
PGS Hoàng Xuân Chinh - Chủ tịch danh dự Hội khảo cổ học Việt Nam nêu ý kiến: “Căn nhà của Đại tướng là nơi để lại dấu ấn của Đại tướng nhiều nhất. Chúng ta nên biến nó thành Bảo tàng tư nhân về Đại tướng, chứ nếu làm một bảo tàng khác thì cũng không hay lắm”.
Cùng quan điểm, PGS TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định: "Chắc chắn phải có bảo tàng. Chúng ta đã có Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng thì cũng nên có thêm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bảo tàng sẽ là nơi tập hợp tất cả kỷ vật, hiện vật về Đại tướng, là nơi kết nối hàng triệu trái tim Việt. Đến đó, mọi người, nhất là thế hệ trẻ sau này, sẽ thấy tự hào, cảm nhận được sức mạnh vô cùng to lớn từ Đại tướng", PGS Hà nói.
Mong muốn này cũng được lãnh đạo TP Hà Nội đồng tình ủng hộ. Ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy cho biết: "Hà Nội sẽ có nhà lưu niệm và có thể sử dụng chính ngôi nhà của Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu để xây dựng nhà lưu niệm".
Vị quan chức này chia sẻ, đối với danh nhân khi mất đi, thông thường sẽ dùng chính nhà ở, nơi vị danh nhân đó gắn bó nhiều năm để làm nhà lưu niệm.
Trước đây Hà Nội cũng đã tính đến trường hợp sẽ xây dựng nhà lưu niệm cho nhà thơ Xuân Diệu tại chính nơi ở của ông trên đường Điện Biên Phủ.
Đối với trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc chắn Hà Nội sẽ thành lập nhà lưu niệm, điều quan trọng là nhà lưu niệm đó sẽ có tầm cỡ ra sao.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo