Nhà máy đường ngừng hoạt động vì bị... phạt oan!
Bị phạt vì xây hệ thống xử lý nước thải
Chiều 21-10, ông Lê Văn Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường (CPMĐ) Tây Nam (quản lý 2 xí nghiệp đường Cà Mau và Kiên Giang), cho biết công ty đã ra thông báo sẽ tạm ngưng thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Cà Mau, dù hiện nay đang vào cao điểm thu hoạch. “Nguyên nhân dẫn tới sự cố này là chúng tôi không đồng tình với quyết định xử phạt của Tổng cục Môi trường về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty” - ông Lê Văn Hiệu giải bày.
Theo đó, Xí nghiệp đường Cà Mau chính thức khởi động vụ mới vào ngày 2-10, nhưng ngày 10-10 đơn vị nhận được quyết định của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) xử phạt Xí nghiệp đường Cà Mau 360 triệu đồng do gây ô nhiễm môi trường, chậm khắc phục. Quyết định này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Công ty CPMĐ Tây Nam.
Theo ông Lê Văn Hiệu: Xí nghiệp đường Cà Mau trước đây là Nhà máy đường Thới Bình (doanh nghiệp nhà nước) được thành lập năm 2000 nhưng hoạt động thua lỗ kéo dài. Đến năm 2009 tiến hành cổ phần hóa và giao về Công ty CPMĐ Tây Nam quản lý. Công ty đã nỗ lực đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 180 m3/ngày đêm, phù hợp với năng lực hoạt động. “Do trước đây các cơ quan chức năng yêu cầu Nhà máy đường Thới Bình (cũ) xây dựng hệ thống xử lý nước thải tới 1.000 m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, sau đó đơn vị này đầu tư thiết bị và công nghệ từ Australia nên lượng nước thải rất ít. Vì vậy, nguồn nước thải tại đơn vị giảm xuống còn từ 80 - 120 m3/ngày đêm. Từ thực tế này, đơn vị đã có tờ trình gửi Bộ TN-MT và Tổng cục Môi trường xin điều chỉnh việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm xuống 180 m3/ngày đêm. Do không nhận được ý kiến phản hồi, nên sau đó đơn vị đầu tư xây xong hệ thống xử lý nước thải vào năm 2011, và hoạt động rất tốt.Thế nhưng, gần đây Tổng cục Môi trường không đồng ý và ra quyết định xử phạt khiến chúng tôi chới với”, ông Lê Văn Hiệu bức xúc.
Nông dân trồng mía… lãnh đủ!
Công ty CPMĐ Tây Nam cho rằng số tiền phải nộp phạt không quá lớn, tuy nhiên, việc này làm ảnh hưởng tới uy tín công ty, nhiều khách hàng không quan hệ mua bán sản phẩm, ngân hàng dè dặt cho vay… nên sẽ gây thiệt hại không nhỏ. Chính vì điều này mà Công ty CPMĐ Tây Nam quyết định cho Xí nghiệp đường Cà Mau ngừng sản xuất, để kiến nghị ngành môi trường xem xét lại hệ thống xử lý nước thải đang vận hàn h là đúng với nhu cầu thực tế. Sau khi Công ty CPMĐ Tây Nam ngưng mua mía và tạm thời ngừng hoạt động đã khiến hàng ngàn hộ dân trồng mía ở Cà Mau như ngồi trên lửa.
Ông Nguyễn Văn Quốc, ở xã Trí Lực (huyện Thới Bình), rầu lo: “Mía của gia đình tôi gần thu hoạch vậy mà công ty đột ngột thông báo hổng mua, tình hình này coi như chết chắc vì không biết đem bán ở đâu?”.
Còn ông Trương Tấn Vạn, ở xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình), chua chát: “Mấy ngày nay khi có thông tin Xí nghiệp đường Cà Mau ngừng hoạt động khiến giá mía sụt giảm thê thảm và thương lái cũng “rút lui” hết, không mua nữa”. Theo bà Huỳnh Thị Vân, ở xã Trí Lực (huyện Thới Bình), gia đình bà cùng 17 hộ dân lân cận đã nhận tiền đặt cọc và thuê nhân công chuẩn bị đốn mía thì thương lái vừa tìm đến nhà “năn nỉ” xin lại tiền cọc. Nguyên nhân, Xí nghiệp đường Cà Mau không tiếp nhận mía nên chẳng lẽ đốn mía để làm củi đốt…
Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, nhìn nhận: “Vụ này thương lái mua mía tại ruộng chỉ 600 - 700 đồng/kg, với giá này nông dân không lời sau gần một năm trồng mía. Nay xí nghiệp đường lại ngừng sản xuất và không mua mía khiến nông dân đã khó sẽ càng khó hơn”. Theo ước tính toàn tỉnh Cà Mau còn hơn 1.300ha mía chưa thu hoạch, nên khi Xí nghiệp đường Cà Mau ngừng hoạt động thì nông dân sẽ là người bị thiệt hại đầu tiên.
Trước tình hình bức bách trên, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh sẽ có công văn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét lại trường hợp của Xí nghiệp đường Cà Mau, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị này hoạt động nhằm thu mua hết mía nguyên liệu cho người dân. Cần thấy rằng, 2 năm qua người trồng mía gặp khó do giá cả quá thấp, nếu năm nay họ tiếp tục lỗ thì hàng loạt diện tích mía sẽ bị phá bỏ. Khi đó vùng mía nguyên liệu của tỉnh sẽ lâm nguy…”.
Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Sản xuất và tiêu thụ mía đường năm nay rất khó khăn. Hiện giá đường tiếp tục giảm xuống mức 11.500 - 12.000 đồng/kg, khiến các nhà máy bị lỗ. Do đó, Hiệp hội không thể “vận động” các nhà máy khác về Cà Mau mua mía, bởi hiện tại “càng chạy nhiều, càng lỗ nặng”. Giải pháp tốt là Tổng cục Môi trường cùng UBND tỉnh Cà Mau và Công ty CPMĐ Tây Nam cùng ngồi lại tìm tiếng nói chung, tránh tình trạng ngừng sản xuất sẽ dẫn tới những thiệt hại khôn lường…”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết