Nhà nông tỷ phú ở Kon Tum
Đi lên từ gian khó
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, bà Y Hếp (53 tuổi, dân tộc Xê Đăng) là người đầu tiên của xã Đắk Xú dám thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững. Bà đã cùng gia đình tiên phong trồng 1 ha cà phê từ năm 1992 thay vì chỉ độc canh cây lúa, cây mì như các hộ nông dân khác.
Khi được hỏi tại sao lại chọn cây cà phê mà không phải các loại cây trồng khác, bà Y Hếp trả lời rằng do nghe lời chồng mình là ông A Klok, 57 tuổi, thượng tá Công an huyện Ngọc Hồi đã nghỉ hưu. Do hay có dịp qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng công tác, ông đã học hỏi được kinh nghiệm trồng cà phê nên về áp dụng trồng tại gia đình.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, chi tiêu tiết kiệm, dành tiền để mua thêm đất canh tác, tái đầu tư cho sản xuất; hiện nay, tổng diện tích đất canh tác của gia đình bà Y Hếp đã lên tới 16 ha. Diện tích đất canh tác trải dài từ xã Đắk Xú đến xã Bờ Y. Trong đó, có 6 ha cây cà phê và 9 ha cây cao su đã cho thu hoạch, 1 ha ao cá và lấy nước tưới cho cây cà phê, 4 con bò sinh sản và nhiều gà, vịt.
Ngoài ra, được sự chung tay góp sức của chồng, bà còn mua buôn số lượng lớn phân bón từ một công ty của tỉnh Thanh Hóa để cung cấp cho bà con trong vùng với số lượng khoảng 50 tấn/năm. Giá phân bón bán cho bà con rẻ hơn giá nhiều đại lý trong vùng cùng thời điểm; đến mùa thu hoạch, người dân trả tiền cho bà với lãi suất thấp hơn mức lãi suất cho vay của ngân hàng.
Bà Y Hếp kể: Khi mới bắt đầu làm cà phê, nhà nghèo lắm. Chồng chỉ giúp được công việc nương rẫy vào ngày nghỉ cuối tuần. Mình làm việc quần quật cả ngày trên rẫy. Khi không còn tiền, trong nhà chẳng có gì bán được, mình bàn với chồng buộc phải bán bộ khung nhà bằng gỗ quý lấy mấy chục triệu đồng để đầu tư cho cây trồng, mua đất, mở rộng diện tích trồng cây cao su và cà phê.
Hiện nay, gia đình bà Y Hếp đã xây dựng được nhà cửa khang trang; mua sắm ô tô con, các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình và các loại máy chuyên dụng trong nông nghiệp như máy cày, máy tưới nước, xe tải chuyên chở nông sản và các loại vật tư nông nghiệp. Doanh thu năm 2017 của gia đình bà Y Hếp đạt trên 1 tỷ đồng, trở thành 1 trong ít người có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm của tỉnh Kon Tum từ nông nghiệp.
Đến thăm trang trại của gia đình ông Lê Văn Bảy ở thôn 8, xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô rộng lớn của những khu vườn cà phê liên tiếp nối liền nhau từ quả đồi này sang quả đồi khác. Nằm giữa các quả đồi ngút ngàn cây cà phê, cây chuối, cây ăn quả là 3 hồ nước nối liền nhau rộng hơn 2 ha, được sử dụng để nuôi cá và lấy nước tưới cho cây trồng.
Theo cha mẹ từ Quảng Ngãi lên Kon Tum từ năm 1978 khi mới 14 tuổi, gia đình nghèo khó nên ông Bảy luôn tâm niệm phải cố gắng làm ăn, thoát khỏi cảnh nghèo đói, phấn đấu vươn lên cho bằng mọi người.
Nhờ chịu khó làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, qua gần 40 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, đến nay ông đã có trong tay cơ nghiệp với tổng tài sản ước khoảng trên 6 tỷ đồng.
Ông Bảy cho biết có được kết quả như ngày hôm nay ngoài sự quyết tâm làm giàu, cần cù chịu khó, ham học hỏi của cả gia đình, còn phải kể đến sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã Đắk Ui đã tạo điều kiện cho đi tham quan các mô hình trồng cây cà phê, nuôi cá nước ngọt ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.
Đến nay, gia đình ông Bảy có 17 ha đất canh tác; trong đó có 7 ha cà phê kinh doanh; 2,5 ha chuối; 2 ha cây ăn quả các loại và 2,5 ha nuôi cá nước ngọt…
Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi thêm 15 con bò sinh sản, 500 con vịt, 1.000 con gà; xây dựng được 1 sân phơi cà phê 0,5 ha; 300 m2 chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 1 kho chứa sản phẩm cà phê, phân bón; 1 đại lý mua bán vật liệu xây dựng; 2 xe máy cày, 1 xe tải, 1 xe máy đào chuyên dụng phục vụ nhu cầu cày đất, xới đất, đào ao hồ, san lấp ruộng, chuyên chở nông sản và vật liệu xây dựng cho người dân trong xã.
Tính tổng các nguồn thu nhập từ việc sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi và kinh doanh mua bán hàng nông sản, vật liệu xây dựng, trong năm 2017, gia đình ông Lê Văn Bảy thu trên 1 tỷ đồng.
Giúp người nghèo
Khi kinh tế phát triển, cuộc sống gia đình giàu có hơn thì những “tỷ phú nông dân” này không quên thuở hàn vi nghèo khó, nhiều người đã giúp đỡ mình có được sự nghiệp như ngày hôm nay nên sẵn sàng giúp đỡ, đùm bọc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo ở địa phương.
Mỗi người có cách giúp đỡ người nghèo khác nhau. Ông Lê Văn Bảy tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghèo mượn vốn làm ăn không tính lãi bằng hình thức cung cấp phân bón cho họ để chăm sóc cây trồng, đến mùa thu hoạch trả tiền bằng sản phẩm cà phê. Mặt khác, ông còn tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 10 thanh niên người dân tộc thiểu số với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông còn tạo việc làm thời vụ cho 300-350 lượt người với thu nhập bình quân trên 250.000 đồng/người/ngày.
Bà Y Hếp thì tự nguyện hiến 3.000 m2 đất đang canh tác cho người dân nghèo thôn Xuân Tân làm nhà ở và làm đường giao thông nội thôn. Ngoài ra, bà còn tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 4 lao động nghèo tại địa phương; bao luôn việc ăn ở, mua sắm quần áo, chữa bệnh khi ốm đau (trả công mức 20 triệu đồng/người/năm); giải quyết việc làm thời vụ hàng tháng cho hơn 10 người với mức thu nhập từ 130.000 đồng-400.000 đồng/người/ngày tùy theo công việc (bao gồm việc ăn uống); thường xuyên hỗ trợ vật chất cho các gia đình nghèo có người nhà bị đau ốm, tai nạn, thiếu ăn trong lúc giáp hạt...
Với thành tích đạt được trong lao động sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo ở địa phương, những năm qua, ông Lê Văn Bảy và bà Y Hếp được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, 2 nông dân này vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2012-2017.
End of content
Không có tin nào tiếp theo