Tin tức - Sự kiện

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ

Ngày 28-5, tại TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp tổ chức hội thảo “Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu: Giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt .
(HQ Online) - Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ tham gia mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ như phải chi phí cao hơn cho hoạt động quyền sở hữu trí tuệ; người tiêu dùng của Việt Nam có thể phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
 
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ với tiêu chuẩn cao đặt các doanh nghiệp và các nhà đầu tư của Việt Nam vào một môi trường pháp lí phức tạp, bắt buộc họ phải chi phí cho việc sử dụng cơ chế này.
 
Cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ khắt khe tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí giữa nền kinh tế lớn với nền kinh tế nhỏ.
 
Khả năng tài chính hạn hẹp, quy mô phần lớn là nhỏ và rất nhỏ của doanh nghiệp Việt Nam cũng là một hạn chế lớn cho Việt Nam khai thác cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các nước khác. Khi xảy ra tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài, thủ tục tư pháp phức tạp, chi phí thuê luật sư cao… khiến cho không phải có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ sức theo đuổi các vụ kiện tụng để bảo vệ quyền của mình ở các nước khác.
 
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng còn lúng túng trong việc bảo vệ thành quả sáng tạo của mình khi bị người khác chiếm đoạt hoặc khai thác trái phép. Thực tế đã có những nhãn hiệu có tiếng của Việt Nam như Petrolimex, Vinataba, võng xếp Duy Lợi, công nghệ sản xuất bánh tráng bị người khác đăng kí ở nước ngoài. Việc đòi lại quyền SHTT của các doanh nghiệp này gây tốn kém công sức, tiền của.
 
Ngược lại, khi mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp còn có nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác và sẽ phải đương đầu với những kiện tụng, chịu các hậu quả pháp lí như bồi thường thiệt hại, phạt tiền và tịch thu hàng hóa…
 
Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp thì Nhà nước cũng cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành các thủ tục pháp lí để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình cũng như để bảo vệ mình khi xảy ra tranh chấp với người khác ở các thị trường nước ngoài.
 
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương, với thực tế là các biện pháp thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (xác lập, đăng ký, thực thi) ở Việt Nam còn yếu, các doanh nghiệp cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không ngừng sáng tạo, đây là cách bảo vệ tốt nhất. Các doanh nghiệp cần có động lực sáng tạo tốt, đặc biệt là phải có cách thu hút người tài vì đây chính là nhân tốt quyết định năng lực cạnh tranh, tạo ra chất xám trong mỗi sản phẩm./.
 
 
 
 
 
Thu Dịu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo