Nhà thầu TQ đội vốn gần 100%:Chủ đầu tư phải bù tiền!
Công trình Cát Linh - Hà Đông đội vốn là do lỗi chuyên môn về nguyên tắc chủ đầu tư sẽ phải bù tiền.
Lỗi chuyên môn
TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn phải xem xét trên nhiều nguyên nhân. Rõ ràng khi nhìn vào dự án này có thể thấy rõ có nhiều yếu kém:
Thứ nhất, chậm tiến độ gần 3 năm, chỉ thấy trụ xây lên mà không thấy tàu đâu cả.
Thứ hai, đội giá tới hơn 300 triệu USD là do yếu kém về năng lực thẩm định, lập dự toán.
Thứ ba, chọn nhà thầu Trung Quốc, là nhà thầu không đáng tin cậy vì rất nhiều dự án liên quan tới Trung Quốc đã có vấn đề.
Thứ tư, vấn đề an toàn công trình, Trung Quốc không phải là nước có công nghệ tàu điện trên cao tốt nhất thế giới, nhất là so với Nhật, Tiệp Khắc. Những nước này họ giỏi hơn hẳn về công nghệ cao.
Công trình đường sắt đô thị mà đội giá lên tới gần 100% tổng mức đầu tư ban đầu là quá cao. Nhưng cũng có một phần thông cảm nhất định vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm nhiều trong đường sắt trên cao, chưa nắm được giá thế giới, ham rẻ nhưng hóa đắt.
Nếu so sánh với mức giá trên thế giới, thi công với 13km mà thi công hết gần 900 triệu USD đối với dự án đường sắt trên cao là quá cao, gấp đôi, gấp ba. Kể cả tính chi phí giải phóng mặt bằng cũng không thể cao tới mức đó.
Rõ ràng ở đây, có nguyên nhân do trong quá trình lập dự toán Ban quản lý dự án chưa có kinh nghiệm, chưa nắm rõ được giá xây dựng đường sắt trên cao của thế giới, lập dự toán không sát thực tế.
Như vậy, dù là tính toán thế nào thì việc đội giá vốn đầu tư lên tới hơn 300 triệu USD vẫn là lỗi của chủ đầu tư.
Ở đây là lỗi về chuyên môn, về nguyên tắc là phải kỷ luật, và phải chịu trách nhiệm trước nhà nước. Đó là ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý với đồng tiền của dân là chưa hoàn thành.
Trong mỗi một dự án bao giờ cũng có kinh phí dành cho nghiên cứu, thẩm định lập dự toán vậy thì đội giá lên là nguyên nhân tại sao? Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do mình chưa có chế tài quản lý, giám sát khi đội giá cứ xin là cho.
Vì tồn tại cơ chế xin cho nên chắc chắn có tiêu cực tại các dự án này. Tiêu cực ngay trong quá trình bao thầu, tiêu cực trong quá trình giám sát, lập dự toán… từ đó mới sinh ra cơ chế tăng vốn, lấy tiền dân bù vào.
Nguyên nhân nữa, vấn đề trách nhiệm. Khi công trình xây dựng bị đội giá phải có cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm không thể có chuyện cha chung không ai khóc, Bộ này đổ lỗi cho Bộ kia.
Việc bộ Xây dựng nhanh nhảu quy trách nhiệm cho Bộ GTVT cũng là một vấn đề. Ở đây tôi muốn đặt câu hỏi Bộ Xây dựng hay Bộ Giao thông mới là đơn vị quyết định giá? Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính là đơn vị thẩm định, phê duyệt mức giá đầu tư thì cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho Bộ GTVT. Nếu không có Bộ Xây dựng và bộ Tài chính thông qua chắc chắn Bộ GTVT không thể làm với mức giá đó được.
Chính Bộ Xây dựng cũng không làm tròn trách nhiệm giám sát ngành giao thông.
Trên thực tế có rất nhiều dự án liên quan tới nhà thầu Trung Quốc có vấn đề, đa số đều bị chậm tiến độ và chờ thời điểm để tăng giá gấp đôi, đến gấp rưỡi. Tại sao lại có chuyện như vậy, bởi lẽ do quản lý, thẩm định quá yếu kém, không có cơ chế, kỷ luật trong đấu thầu dẫn tới tình trạng đi đêm, bắt tay cùng làm giá.
Nghĩa là có yếu tố lợi ích nhóm, nhưng rõ ràng đây là lỗi tại chính chúng ta. Cần phải có cơ chế rõ ràng, được tăng bao nhiêu phần trăm, phải có mức trần dự toán, theo tôi tối đa chỉ được tăng khoảng 20-30%. Nếu vượt quá thì nhà thầu tự bỏ ra thì chắc chắn không có tinh trạng tăng giá vô tội vạ như vậy.
Đối với dự án Cát Linh - Hà Đông, thi công chưa xong thì chưa thể có cơ sở để tính toán số tiền đội vốn.
Tiền của dân một đồng cũng phải có trách nhiệm!
Một chuyên gia khoa cầu đường trường Xây dựng, Nếu quan điểm, thứ nhất với một công trình giao thông đội giá tới 390 triệu USD là rất lớn không phải là con số nhỏ. Nên khi việc đội thầu bị đưa ra, Lãnh đạo Cục đường sắt (Bộ GTVT) mới điều chỉnh một tí đã làm rùm beng lên tôi cho rằng là không đúng.
Đây không phải con số tiền nhỏ, hơn nữa với số tiền của dân thì đội một đồng cũng phải có trách nhiệm.
Về nguyên tắc, một công trình khi bị đội vốn thường có tác động từ nhiều yếu tố, thay đổi về mặt kỹ thuật, khoan thăm dò địa chất, nền móng yếu… có thể tính toán sẽ bị đội lên.
Thứ hai, thay đổi hướng đi, khối lượng phát sinh
Thứ ba, do yếu tố trượt giá; GPMB cũng là nguyên nhân gây đội giá.
Nhưng ở đây rõ ràng là yếu kém về chuyên môn, khảo sát, lập dự toán không sát thực tế. Lỗi chính là thuộc về chủ đầu tư - Cục đường sắt (Bộ GTVT). Trách nhiệm liên đới là Bộ Xây dựng, họ có trách nhiệm theo dõi, giám sát Bộ GTVT trong quá trình thẩm định, thi công.
Theo nguyên tắc, nếu đội vốn do lỗi chủ quan của chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bỏ tiền ra để bù vào. Tuy nhiên, đây là công trình đầu tiên VN thi công, năng lực hạn chế thì cũng nên có sự chia sẻ nhất định.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Văn phòng Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của Cục đường sắt Việt Nam trong việc điều chỉnh tăng vốn gần 100% tại dự án Cát Linh - Hà Đông.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, cho rằng: "tất nhiên Bộ GTVT sẽ có xử lý. Cùng lắm là kỷ luật, thôi chức vụ các cán bộ, kỹ sư có liên quan. Nhưng xử lý thế nào đó để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, chứ không phải vì câu chuyện này dự án phải dừng lại.
Nhìn nhận trách nhiệm cá nhân, ông Thắng chia sẻ, sự việc này Bộ có kỷ luật, cảnh cáo cá nhân ông, ông cũng đồng ý. “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”, ông Thắng nói.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có chỉ đạo, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân làm tăng giá và chậm tiến độ dự án. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên, trong văn bản thông báo vụ việc với báo chí ngày 22/4, Bộ GTVT chỉ lý giải các nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm, tăng vốn đầu tư, không có một câu, dòng nào nói về trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển
Cột tin quảng cáo