Tin tức - Sự kiện

Nhà thầu Trung Quốc đội vốn: Bộ GTVT thúc tiến độ vì...

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị tổng thầu tăng cường nhân lực, thiết bị để bù lại tiến độ bị chậm.

Đó là yêu cầu được đưa ra, ngày 5/6, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Không chấp nhận tổng thời gian thi công chậm
 
Chia sẻ thông tin với chúng tôi, ngày 9/6, ông Trường cho biết: "Tất cả các chỗ có mặt bằng thì phải tăng các buổi thi công lên, nên không có chuyện kéo dài tiến độ, Bộ đã chỉ đạo rõ ràng là rút ngắn tiến độ, đưa thêm các buổi thi công".
 
Bên cạnh đó, theo ông Trường thì tất cả các nhà ga đã xong phần kỹ thuật, nên 12 nhà ga thì cần 12 nhà thầu để thi công cùng 1 lúc, nên việc kéo dài tiến độ là không thể chấp nhận.
 
Trước chỉ đạo của Bộ GTVT, ông Trường cho biết thêm: "Nhà thầu TQ cũng đã nghiên cứu, chấp thuận, tổ chức thi công theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT, để làm sao, mặc dù tiến độ giải phóng mặt bằng chậm nhưng tổng thời gian thi công không bị chậm".
 
Còn về vấn đề nguồn vốn, mặc dù đốc thúc hoàn thiện trong thời gian ngắn, nhưng theo ông Trường, việc này không ảnh hưởng đến tình trạng đội vốn.
 
Ông chỉ rõ: "Nguồn vốn hiện nay tiêu chưa hết, đợt đầu có 350 triệu USD, nhưng mới tiêu 150 triệu USD, như vậy là còn gần 100 triệu USD nên vốn sẽ không bị ảnh hưởng".
 
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ 2 năm.
 
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho dự án đường sắt trên cao 400 tỷ đồng và đã được chấp thuận. Ngay sau đó, khoản tiền này sẽ được chuyển toàn bộ cho thành phố Hà Nội để chi trả cho dân.
 
Cũng liên quan đến việc thiếu vốn, trước đó, chia sẻ với Đất Việt ông Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Sau chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đàm phán với phía Trung Quốc để vay thêm".
 
Theo ông Trường, việc thiếu vốn xin thêm vốn cũng là bình thường vì "nguyên tắc khi thiếu vốn thì phải đàm phán với nhà tài trợ để bổ sung vốn cho dự án đó là chuyện bình thường, dự án nào cũng vậy".
 
Thứ trưởng Trường cũng cho biết số vốn tăng thêm này sẽ bổ sung từ vốn ODA của Trung Quốc.Việc bổ sung, phát sinh một số hạng mục và chậm GPMB làm thời gian thực hiện dự án kéo dài đã làm tăng tổng mức đầu tư.
 
Khi đã có nguồn tiền, Bộ GTVT lại vào cuộc đốc thúc nhà thầu thực hiện nhanh và rút ngắn lại thời gian thi công.
 
Bàn về vấn đề chất lượng nhà thầu TQ, ThS. Cao Thế Trực – Phó chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Trường ĐHXD Hà Nội : "Tôi nghĩ việc các nhà thầu TQ được đánh giá chất lượng yếu mà vẫn đảm nhận nhiều công trình trọng điểm, thậm chí đầu tư lớn là do chúng ta cố tình không biết".
 
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Đình Thám – Nguyên chủ nhiệm bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng, Trường ĐHXD Hà Nội lại cho hay: "Tôi hoàn toàn không bất ngờ trước việc các nhà thầu TQ yếu kém, vì cũng đã có nhiều dự án chất lượng lộ rõ".
 
Nói về nguyên do tại sao nhà thầu TQ luôn trúng thầu, ông Toản giải thích: "Bởi vì họ tích cực tham gia dự thầu. Hồ sơ dự thầu của họ đáp ứng những tiêu chuẩn mình đưa ra ví dụ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tài chính người ta đều đạt, giá thầu thì có cái thấp, cái cao nhưng nói chung họ luôn đưa ra giá thầu thấp so với giá chung. Theo luật đấu thầu thì người ta trúng.
 
Đối với các dự án đầu tư lớn, yêu cầu năng lực tài chính lớn, thêm nữa là đã phải thực hiện vài ba công trình có quy mô lớn tương đương, cho nên các nhà thầu trong nước đến đó thì gặp khó khăn".
 
Đưa thêm nhân lực sang để hoàn thành công trình
 
Trong văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, thì nhà thầu TQ cũng phải đưa thêm nhân lực sang Việt Nam để làm ngay dự toán, đẩy nhanh tiến độ và thi công đồng loạt tại tất cả các nhà ga.
 
Nói rõ hơn về thông tin này, Thứ trưởng Trường cho biết: "Thực ra lao động chủ yếu là lấy lao động người VN theo quy định trong hợp đồng kinh tế kỹ thuật giữa hai bên. TQ chỉ được đưa chuyên gia, cán bộ kỹ thuật sang, còn lao động phổ thông dùng người của VN".
 
Nhân lực chủ yếu của TQ là làm vấn đề thiết kế, dự toán, còn thi công ở hiện trường thì là chọn các nhà thầu VN đủ năng lực, đó là nguyên tắc cần làm theo hợp đồng ban đầu giữa hai bên.
 
Còn đứng trước vấn đề đội giá trong dự án này, Thứ trưởng Trường lý giải: "Thực ra, việc đội vốn dự án này, Bộ đã giao cho Cục đường sắt VN làm rõ nguyên nhân, nguyên nhân khách quan hay chủ quan, làm rõ để có cơ sở pháp lý để làm rõ trách nhiệm việc tăng vốn do đâu.
 
Nếu liên quan đến chủ quan thì phải xử lý, còn khách quan thì phải chấp nhận. Như trượt giá thì là do biến động của giá cả thị trường thì cái đó là khách quan, dự án nào cũng tăng đâu phải chỉ là dự án này".
 
Trước đó, ngày 21/4, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ GTVT phối hợp Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan liên quan làm việc với đối tác Trung Quốc để bổ sung nguồn vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
 
Bởi dự án tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD.
 
Dự án có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng, tương đương hơn 552 triệu USD (thời giá năm 2008), trong đó vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD, vốn tín dụng 169 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD, thời gian triển khai ban đầu dự kiến từ tháng 8/2008 đến tháng 11/2013.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo