Nhà trẻ cho con công nhân: 20 năm vẫn còn bỏ ngõ
Kỳ 1: Hớt hải tìm chỗ học cho con
Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị trở lại các khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2 (quận Thủ Đức), Tân Thuận (quận 7) và khu chế xuất Tân Bình (quận Tân Phú), tiến hành khảo sát nhiều tuần lễ, gặp nhiều đối tượng nhằm tìm câu trả lời: ai phải lo chỗ học cho con em công nhân?
Xin nghỉ việc để trông con
Có cảm giác như đi vào lò hấp khi ghé các khu nhà trọ ở khu phố 4 (phường Linh Trung quận Thủ Đức) vào giữa trưa hầm hập nắng. Ở phường này, số lượng công nhân tạm trú chiếm 2/3 dân số của phường, chủ yếu đang làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2. Câu chuyện của công nhân thấp thoáng nhiều nỗi lo, riêng những người có con nhỏ, ngoài cơm áo gạo tiền, đó còn là chuyện trường học và tương lai cho con trẻ.
Chị Nguyễn Thị Mơ bế con trai tên Trần Quốc Huy mới được một tuổi ra cổng phòng trọ tránh cái nóng đang dội xuống từ mái tôn. Quê Phù Mỹ (Bình Định), vào TP. Hồ Chí Minh đã bốn năm, trước làm ở công ty Pung Kook Sài Gòn (khu chế xuất Linh Trung 2), chị lấy chồng cũng là công nhân.
Hạnh phúc nhân đôi khi họ có con trai đầu lòng nhưng vất vả cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Hết thời gian nghỉ thai sản, người mẹ trẻ đứng trước những lựa chọn đầy cân nhắc: đón người thân ở quê vào trông con giúp hoặc gửi con cho các nhóm trẻ gia đình; nếu không phải nghỉ việc ở nhà trông con. Chị quyết định xin nghỉ việc. Chị Mơ nói: “Một năm nay nghỉ việc ở nhà trông con vì gửi cho người ta không yên tâm”. Chị cho biết, một dây chuyền trong công ty chị trước đây có 35 người thì hơn 20 người có con nhỏ. Dãy nhà trọ chín phòng chị ở có năm bé đang tuổi mẫu giáo, phải qua khu Việt Lập (Bình Dương) học.
Theo số liệu phòng giáo dục và đào tạo quận Thủ Đức cung cấp, ở phường Linh Trung, có khoảng 1.500 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo nhưng chỉ có một trường công, 4 trường tư thục, và 21 nhóm trẻ. Phường Linh Xuân có trên 1.830 trẻ nhưng chỉ có 1 trường công lập, 3 trường tư thục và 34 nhóm trẻ. Phường Bình Chiểu 2.336 trẻ với 1 trường công lập, 5 trường tư thục và 11 nhóm trẻ gia đình (riêng trường mầm non Khiết Tâm có 820 bé). Phường Tam Bình có 1.216 trẻ với 1 trường công lập, 3 trường tư thục và 6 nhóm trẻ gia đình. Còn tại quận 7, phường Tân Thuận Đông có 1 trường công lập, 3 trường dân lập/tư thục, 7 lớp và 1 nhóm trẻ. Phường Tân Thuận Tây có 3 trường công lập, 1 trường dân lập và 4 lớp nhưng có hơn 1.500 trẻ |
Khảo sát quanh các khu chế xuất, khu công nghiệpN khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, những trường hợp như chị Mơ, chúng tôi gặp không ít. Đó là lựa chọn khó khăn bởi lương công nhân như chị nếu tăng ca thì tròm trèm 3 triệu đồng/tháng, chi tiền trọ đã hết 1 triệu. Trong khi đó công ty không có một khoản hỗ trợ tài chính nào cho những nữ công nhân có con nhỏ. Họ có ít lựa chọn về chỗ gửi con.
Số lượng trường mầm non công lập ít, lại ưu tiên cho trẻ có hộ khẩu địa phương, mà nếu trầy trật xin được suất học, họ lại hớt hải sắp xếp giờ giấc vì trường công làm việc giờ hành chính, công nhân lại làm việc theo ca, thường xuyên dao động. Trường tư thục và nhóm trẻ gia đình có nhiều nhưng sau những vụ trẻ bị hành hạ khi gửi ở đây, ông bố bà mẹ nào cũng thấy bất an.
Chúng tôi qua phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức), một phường tập trung đông đảo công nhân bởi phải “bao” thêm chỗ ở công nhân khu chế xuất Linh Trung 2, khu chế xuất Sóng Thần (Bình Dương). Chị Lê Thị Hằng Nga, quê Hà Tĩnh, cũng phải xin nghỉ việc để ở nhà trông con. Không riêng gì chị Nga, trong khu trọ có 17 phòng trên đường Ngô Chí Quốc thì có tới ba đồng nghiệp giống như chị.
Chị Nga nói: “Bé chưa được hai tuổi, nếu gửi trường thì phải đóng 1 triệu đồng, gửi ở ngoài thì không yên tâm nên phải xin nghỉ chờ bé được hai tuổi mới đi làm lại”. Lý tưởng nhất đối với họ là có người thân từ quê vào trông con giúp, hai vợ chồng có thể yên tâm đi làm, đến khi con được hai tuổi thì gửi vào trường hoặc đưa về cho học ở quê. Nếu không, người mẹ hoặc phải nghỉ việc trông con; hoặc chấp nhận gửi con cho trường tư, nhóm trẻ gia đình và đeo nỗi bất an đến chỗ làm…
Gửi con phải… qua tỉnh khác
Trong vai một phụ huynh tìm chỗ gửi con, chúng tôi tiếp cận một nhóm trẻ gia đình trên đường số 3, phường Linh Trung. Căn nhà có chừng 10m2 phòng khách được trưng dụng làm nhà trẻ và đang trông bốn trẻ dưới hai tuổi, thù lao 650.000 đồng/tháng (chưa tính tiền ăn). Hoá ra, để gửi con vào đây cũng không dễ bởi phải tuân thủ “nội quy” của chủ nhà, như: không nhận trẻ trên hai tuổi, tự lo ăn sáng, tự mang theo sữa, chỉ giữ đến 5 giờ chiều và nếu trẻ trên hai tuổi thì phải đóng 900.000 đồng nhưng “đó là thương tình mới nhận”.
Tiếp cận một nhóm trẻ gia đình ở hẻm 391 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông (quận 7), căn nhà chật chội ba đứa trẻ đang bò lăn lóc giữa nền nhà còn “cô giáo” đang giặt đồ. Vậy mà mức giá “hữu nghị” được đưa ra là 900.000 đồng/tháng. Chị Lê Hoài Hương, là công nhân cho một công ty bao bì trong khu chế xuất Tân Thuận, đang dỗ con ăn ở dãy nhà trọ gần đó cho biết, đi hỏi chỗ gửi con nhiều nơi nhưng thấy một nhà giữ tới 7 – 8 bé, tiền lại quá cao so với thu nhập nên chị đang tính nhờ mẹ ở quê vào giúp.
Lãnh đạo phường và ngành giáo dục địa phương mà chúng tôi tiếp cận cho biết, những người giữ trẻ tại nhà như vậy thường không qua trường lớp hay có bằng cấp chuyên môn nào. Nhiều công nhân có con nhỏ cũng cho rằng, họ không an tâm khi gửi con ở “trường tại gia” nhưng vì không tìm đâu ra trường nên đành phải... nhắm mắt đưa chân.
Cũng vì thiếu trường mầm non nên công nhân dù thường trú ở TP. Hồ Chí Minh nhưng phải lặn lội qua Bình Dương gửi con cho trường tư thục, dân lập. Khi đó, ngoài việc đóng học phí từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng (tuỳ độ tuổi) thì những khi tăng ca, trường sẽ thu thêm từ 6.000 – 10.000 đồng/giờ. Chị Nguyễn Thị Đoài, công nhân một công ty may xuất khẩu ở khu chế xuất Linh Trung 2, tuy trọ ở phường Bình Chiểu nhưng chị phải qua xã Bình Hoà (Thuận An, Bình Dương) gửi con với học phí 900.000 đồng/tháng.
Chị Nguyễn Duy An nói “không thể xin vào các trường tư thục tại phường vì con mới năm tháng tuổi”. Cùng cảnh ngộ, chị Phạm Thị Hương, công nhân của công ty Freetrend dù tạm trú ở phường Linh Xuân nhưng phải qua khu Việt Lập (xã An Bình, Dĩ An, Bình Dương) gửi con. Chị Hương cho biết, dây chuyền của chị có 25 người thì “có tới 20 người có con nhỏ và đa số cũng gửi con ở đây”.
Sau khi đón cậu con trai 19 tháng tuổi học ở Dĩ An, chị Hương còn phải quay ngược về Linh Xuân đón cô con gái bốn tuổi, rồi mới về nhà trọ. Nhìn những ông bố, bà mẹ công nhân hớt hải đón con, khuôn mặt mệt nhọc sau ngày làm việc bỗng dãn ra trước nụ cười và tiếng bi bô của con trẻ. Chắc hẳn đường học của con sẽ bớt gian nan hơn, nếu...
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
Vàng đến từ đâu và được hình thành như thế nào?
Top 5 con ‘quái vật’ bí ẩn gây ám ảnh nhất cho người Việt Nam: Con thứ 2 hoàn toàn có thật trên đời!
Einstein là thiên tài nhưng tại sao con trai ông lại mắc bệnh tâm thần?
Người đàn ông thông minh nhất thế giới với chỉ số IQ 210 tuyên bố không ngờ về những gì xảy ra sau khi con người chết