Nhấn mạnh quyền con người trong Hiến pháp
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hội trường, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, về bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng trong các văn kiện Đại hội đảng lần thứ XI và cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Về bản chất dân chủ, về phạm vi và phương thức thực hiện dân chủ nhân dân, đó là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị với các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do đảng lãnh đạo. Thể chế hóa các điểm mới này trong dự thảo Hiến pháp đã thực hiện quan điểm vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm đảm bảo tôn trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền tự do dân chủ của con người trên cơ sở các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định tiếp tục thể chế hóa sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ và tôn trọng quyền con người, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
“Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Dự thảo khẳng định chủ thể phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với lợi ích của dân tộc, của đất nước. Có thể nói đây là lần đầu tiên chúng ta quy định rõ quyền về con người trong Hiến pháp. Vì vậy, tôi đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần nghiên cứu để diễn đạt thật đầy đủ, sâu sắc quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa”, đại biểu đề nghị.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) khẳng định, việc đưa quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân lên Chương II trong Dự thảo thể hiện quan điểm của Đảng rất tôn trọng quyền con người và các quyền nghĩa vụ của công dân.
Đại biểu đề nghị Dự thảo cần phải làm rõ những quyền nào là quyền con người và những quyền nào là khái niệm về quyền công dân. Quyền con người được nhà nước tôn trọng, thừa nhận bằng Hiến pháp và pháp luật chứ không phải theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, theo đại biểu, cần có những quy định rõ để loại trừ việc hạn chế hay phương hại đến quyền con người từ phía nhà nước, từ phía các cơ quan công quyền.
Về quyền công dân, theo đại biểu Tô Văn Tám nên quy định theo hướng những quyền con người đạt ở một độ tuổi nhất định và có đủ điều kiện để thực hiện. Việc thực hiện các quyền đó phải gắn chặt với các nghĩa vụ của người công dân đối với nhà nước và đối với xã hội. Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng, nội về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II thể hiện rõ nhất quan điểm của nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền.
“Tôi đồng tình rất cao với việc mở rộng thêm nhiều quyền của công dân mà thực chất là sự thể chế hóa, ghi nhận thêm nhiều quyền con người trong Hiến pháp. Việc đặt tên chương quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân và đưa lên vị trí ở Chương II thay vì Chương V như Hiến pháp hiện hành đã nói lên điều đó”, đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Đức Châu, dự thảo cần quy định chính xác hơn, phân biệt khác nhau về chế độ pháp lý giữa quyền con người với quyền công dân để thuận lợi khi cụ thể hóa trong luật.
Đại biểu đề nghị trong Chương II của dự thảo, Nhà nước nên tuyên bố quan điểm đối với quyền con người bằng một điều chung nhất; đồng thời gọi tất cả các quyền trong dự thảo hiện nay là quyền công dân. Vì theo đại biểu, hai loại quyền này có chế độ pháp lý khác nhau; không thể quy định hết các quyền con người trong Hiến pháp; các quyền con người quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều được quy định bằng quyền công dân; tất cả các quyền được ghi nhận trong dự thảo đều rất cần được ghi nhận vào bảo đảm thực hiện, tức nó đã là quyền cơ bản của công dân.
Ở một góc độ khác, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) đánh giá, quyền và nghĩa vụ của công dân đã được dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đề cập đầy đủ và tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội bổ sung thêm nội dung công dân có quyền được bảo đảm về đất sản xuất và đất ở vào Điều 37 của Hiến pháp để khẳng định đất đai là một tư liệu sản xuất đặc biệt hay hàng hóa đặc biệt.
“Đất đai là tài sản chủ yếu nhất gắn với cuộc sống và cả cuộc đời của người dân, do đó cần thiết phải có thiết chế về quyền sở hữu của công dân nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng các đạo luật và các chính sách bảo đảm cho việc thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự ổn định, an toàn pháp lý cho cá nhân, bảo đảm hỗ trợ cho quyền sống của con người, góp phần phát triển bền vững đất nước”, đại biểu phân tích./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm phổ biến của ô tô, xe máy từ 1/1/2025
Du thuyền Noordam đưa gần 2.000 khách Âu, Mỹ “xông đất” Đà Nẵng năm mới
125 chuyến bay đến Đà Nẵng trong ngày đầu năm mới 2025
Trưng bày chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”
Thủ tướng thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư bến cảng container Liên Chiểu
Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ thành lập Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng