Nhập đường, chỉ doanh nghiệp hưởng lợi
Trước thực trạng sản xuất, tiêu thụ mía đường trong nước gặp khó khăn do nguồn cung dư thừa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch 300.000 tấn đường qua cửa khẩu phụ. Điều đáng nói là, dù đường trong nước đang thừa, nhưng trong năm 2012, Bộ Công Thương vẫn “phải” cấp hạn ngạch nhập khẩu 70.000 tấn đường để phân giao cho các doanh nghiệp sử dụng đường.
Cụ thể, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong cả năm 2012, sức tiêu thụ đường trong nước giảm chỉ còn khoảng 1,4 triệu tấn. Trong khi đó, niên vụ mía đường 2012-2013, dự kiến cả nước sản xuất được 1,5 triệu tấn, cùng với lượng đường tồn kho vụ trước là 178.000 tấn và lượng đường nhập khẩu theo cam kết WTO là 74.000 tấn. Như vậy, lượng đường dư thừa sẽ là 352.000 tấn đường. Chưa kể, còn một lượng đường lớn nhập lậu qua con đường tiểu ngạch.
Theo ông Võ Thành Đàng – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện giá đường trắng loại 1 giao tại cửa kho nhà máy dao động từ 14.400 – 14.600 đồng/kg; thấp hơn cùng kỳ năm ngoài 4.000 đồng/kg; giá mía 10 CCS cũng giảm khoảng 200.000 đồng/tấn, còn 800.000 – 900.000 đồng/tấn. Trong khi đó, nguồn cung đường trong nước đang dư thừa, nếu không cho xuất khẩu giá đường có thể sẽ còn tiếp tục giảm, dẫn tới giá thu mua mía cũng sẽ giảm và ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu hộ dân trồng mía.
Về việc trong nước dư thừa đường, nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu thêm 74.000 tấn đường, một lãnh đạo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: “Cũng phải thực hiện theo cam kết với WTO, nhưng một số nước đã tiến hành phương thức đấu thầu hạn ngạch, qua đó phần giá chênh lệch nhập khẩu sẽ được nộp về ngân sách, nhưng ở nước ta lại sử dụng hình thức cấp quota”.
Theo phân tích của vị này, chính việc cấp quota đó đã giúp doanh nghiệp sử dụng đường nguyên liệu để sản xuất (như sữa, bánh kẹo…) được hưởng lợi rất lớn. Như năm 2012 vừa qua, cứ 1.000 tấn đường nhập khẩu, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi 3 tỷ đồng. “Đã có một doanh nghiệp sản xuất sữa lớn trong nước được hưởng lợi tới 60 tỷ đồng nhờ được cấp quota nhập 20.000 tấn đường. Chính vì tiền chênh lệch rơi vào túi doanh nghiệp, nên thực hiện theo phương thức này đang tạo ra cơ chế… xin cho” - vị này nói rõ thêm. Cũng theo vị lãnh đạo nói trên, đường xuất khẩu của nhiều nước là “đường thừa” (không dùng đến), nên bằng mọi cách họ phải xuất đi, thậm chí giá còn thấp hơn giá thành.
Thảo Nguyên (Theo Dân Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines