Nhập lậu gia cầm kèm... dịch bệnh
Trong khi đó, sự thiếu cương quyết của ngành chức năng và địa phương khiến dịch heo tai xanh có nguy cơ bùng phát mạnh.
Không kiểm soát được tình trạng nhập khẩu, vận chuyển trái phép giống gia cầm, tiêu thụ gia súc bệnh khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp... là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị phòng chống dịch bệnh và kiểm soát buôn bán gia súc, gia cầm khu vực miền Trung - Tây nguyên, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 31-10 tại Tha Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
“Nhập” virút dịch bệnh
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2012 đến nay dịch cúm gia cầm đã tăng hơn bốn lần so với năm 2011, năm có lượng gia cầm chết cao nhất trong bốn năm gần đây. Ông Phạm Văn Đông, cục trưởng Cục Thú y, cho biết việc vận chuyển gia cầm thải loại, gia cầm giống trái phép qua biên giới hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh chưa được kiểm soát triệt để là một “kênh” đưa virút dịch bệnh vào trong nước. Đáng lo hơn, virút gây dịch bệnh cúm gia cầm đã có những biến đổi nhất định và hiện chưa có văcxin phù hợp để tiêm phòng, đặc biệt gần đây xuất hiện nhóm virút mới nhóm C gây chết nhanh, chết nhiều thủy cầm tại hầu khắp các tỉnh từ Lạng Sơn đến Quảng Ngãi.
Dịch bệnh gia tăng Từ đầu năm 2012 đến nay, theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm xuất hiện tại 32 tỉnh thành. Tổng cộng có hơn 616.000 gia cầm chết, bị tiêu hủy vì dịch cúm. Trong khi đó, dịch heo tai xanh đã xuất hiện tại 23 tỉnh. Tổng số heo bệnh gần 77.500 con, trong đó hơn 13.000 con đã chết và gần 45.000 con phải tiêu hủy. |
Ông Diệp Kỉnh Tần, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khẳng định: “Những virút cúm gia cầm mới xuất hiện ở Việt Nam qua phân tích gen thì thấy đồng dạng với cúm gia cầm hiện có tại Trung Quốc. Dọc đường vận chuyển từ biên giới Trung Quốc ở các tỉnh phía Bắc đến tỉnh Quảng Ngãi, dịch cúm gia cầm xuất hiện nhiều”. Việc nhập khẩu, buôn bán lậu gia cầm thải loại, gia cầm giống từ Trung Quốc của các tỉnh phía Bắc khiến miền Trung - Tây nguyên trở thành khu vực lãnh hậu quả. “Giống gia cầm của Trung Quốc đưa vào Việt Nam rẻ hơn giá trong nước, nhiều người hám lợi nhập ồ ạt, kèm theo đó là virút, dịch bệnh vào trong nước” - ông Tần nhấn mạnh.
Theo ông Đông, hiện nay việc kiểm soát, bắt, xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm giống, gia cầm thải loại từ Trung Quốc vào Việt Nam gặp khó khăn vì các đối tượng thường đi đường mòn ngoài cửa khẩu, phần lớn có lực lượng bảo kê theo từng lãnh địa... Chính điều này khiến việc chống dịch cúm gia cầm rất khó khăn.
Heo bệnh bị bán tháo do giấu dịch
Dịch heo tai xanh đang gia tăng và hiện số heo bệnh, chết vượt gần gấp đôi so với năm 2011. Ông Đông cho rằng công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, thống kê, phân loại gia súc mắc bệnh và tiêu hủy tại một số địa phương còn rất chậm và yếu. “Thời gian gần đây, một số tỉnh phát hiện dịch heo tai xanh rất chậm, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo chống dịch khiến dịch lan rộng, kéo dài” - ông Đông nói.
Một số đại biểu cho rằng dịch heo tai xanh lan nhanh là do chính sách xử lý dịch còn thụ động, nhất là việc chậm công bố dịch hoặc giấu dịch khiến dân bán tháo heo bệnh vì lo không được hỗ trợ như đã xảy ra tại Phú Yên, Khánh Hòa. Ông Lê Đức Vinh, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, bức xúc: “Nếu phát hiện dịch tại một hộ chăn nuôi thì đúng ra phải bao vây, dập dịch ngay, đằng này phải chờ công bố dịch, nghĩa là lúc dịch đã lan ra rồi mới được sử dụng các chính sách vùng dịch. Khi đó việc chống dịch khó khăn và tốn kém hơn nhiều”.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng còn một số chi cục thú y các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong việc phòng chống dịch heo tai xanh. Chẳng hạn, đến nay ngành thú y Phú Yên chỉ mới tiêm phòng được 2.000 liều văcxin phòng chống bệnh heo tai xanh là quá ít, trong khi dịch đã xuất hiện tại địa phương này. “Bằng mọi giá phải dập ngay dịch heo tai xanh. Có dịch là phải công bố, heo bệnh phải được tiêu hủy và hỗ trợ thỏa đáng cho dân để ngăn chặn việc người chăn nuôi bán tháo heo bệnh” - ông Tần nói.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo