Pháp luật

Nhập thuốc ung thư giả: Bác sĩ nhận tiền hoa hồng có tội?

Sau khi vụ xét xử VN Pharma nhập thuốc ung thư giả bị khép lại, dư luận cho rằng, bác sĩ nhận “hoa hồng” là tội lỗi, cần phải xử lý.

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 25/8, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Các bị cáo đã nhận hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều gây nhức nhối xã hội chính là giá thuốc bị nâng lên để chi hàng tỉ đồng "hoa hồng" cho bác sĩ. 

Các bị cáo nghe Tòa tuyên án ngày 25/8. Ảnh NLĐ. 

Trong khi còn nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền mua thuốc thì việc chi “hoa hồng” đã trở thành căn bệnh nan y, đang đặt ra cho các nhà quản lý cần phải có cách thức để kiểm soát vấn đề này.

Theo hồ sơ vụ án, Ngô Anh Quốc - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma (viết tắt là VN Pharma) đã chỉ đạo nhân viên chi “hoa hồng” cho các bác sĩ tại bệnh viện, để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do Công ty VN Pharma nhập khẩu.Quá trình điều tra, Ngô Anh Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền “hoa hồng” với số tiền lên đến 7,5 tỉ đồng.

Các bị cáo đều khai mục đích việc nâng khống giá thuốc trên hợp đồng nhập khẩu thuốc để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện.

Theo Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh- Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trước khi các lãnh đạo của Công ty VN Pharma bị bắt, một số loại thuốc của công ty này đã vào các bệnh viện qua đường đấu thầu.

Các loại thuốc này đều đã được cơ quan quản lý kiểm định chất lượng. Vấn đề chi 7,5 tỷ đồng tiền “hoa hồng” cho bác sĩ của các bệnh viện để kê đơn thuốc, Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: “Trong quy định của bệnh viện, bác sĩ, dược sĩ không được nhận “hoa hồng” của công ty dược, công ty sản xuất thuốc nào, chứ không chỉ riêng Công ty VN Pharma”.

 

Thực tế, trước đây, việc các hãng dược phẩm lớn chi “hoa hồng” như Công ty VN Pharma nói trên, quà biếu hậu hĩnh cho các bác sĩ kê đơn thuốc cũng đã được nhắc đến, gây bức xúc trong dư luận.

Liên quan tới vụ án và trách nhiệm của Cục Quản lý dược, tại phiên toà hôm qua, nhận định như Cơ quan điều tra Tòa án đã kiến nghị làm rõ hành vi của cán bộ Cục quản lý dược trong việc cấp phép cho VN Pharma để Cty này nhập trót lọt thuốc ung thư giả vào Việt Nam.

Gần 30 năm làm thẩm phán, nguyên thẩm phán TAND TPHCM Nguyễn Minh Cảnh nói với phóng viên báo Tiền Phong tội phạm buôn bán hàng giả thuốc là chữa bệnh thường được thực hiện bởi những người không thuộc diện là cán bộ y tế. 

“Trong vụ án VN Pharma, cộng đồng xã hội rất phẫn nộ khi những người thầy thuốc kinh doanh trên sự đau khổ của bệnh nhân không còn hy vọng sống, cố bám lấy sự giúp đỡ của mọi người. Họ là người có trình độ cao về y học, rành tác dụng của thuốc nên những người này phải chịu trách nhiệm nặng hơn người buôn bán bình thường đối với hành vi này”- ông Cảnh đề nghị.

Tuy nhiên, ông cũng đặt vấn đề: “Tại sao những bị cáo trong vụ VN Pharma lại bị truy tố về tội buôn lậu mà không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999?”. Bởi theo thẩm phán này thì trong vụ án VN Pharma, việc nhập khẩu thuốc giả chắc chắn phải có sự giúp sức của cán bộ khác của ngành y tế về thủ tục nhập khẩu”.

 

Các công chức được “chỉ mặt điểm tên” là ông Nguyễn Tấn Đạt - phó cục trưởng Cục QLD, ông Phan Công Chiến - Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược, bà Lê Thúy Hương - chuyên viên Phòng Quản lý kinh doanh dược. 

“Các công chức này đã không phát hiện sai phạm trong hồ sơ, đã đề xuất cho cấp phép các đơn hàng của VN Pharma là chưa làm hết trách nhiệm. HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công và VKSND Tối cao làm rõ hành vi của các công chức này, đủ căn cứ thì truy cứu trách nhiệm hình sự”- Toà đề nghị.

 Ngày 25/8 Toà tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Cty VN Pharma) và  Vũ Mạnh Cường (Giám đốc Cty vận chuyển hàng hải H&C) đều 12 năm tù cùng tội “buôn lậu”.  

Tòa tuyên bị cáo Nguyễn Trí Nhật (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) 5 năm tù; Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) 4 năm tù; Phan Cẩm Loan (nguyên phó trưởng phòng xuất nhập khẩu VN Pharma) 3 năm 6 tháng tù và nguyên kế toán trưởng VN Pharma là bị cáo Lê Thị Vũ Phương 3 năm tù. 

Toà cũng tuyên phạt bị cáo Phạm Anh Kiệt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Bùi Ngọc Duy, nguyên trưởng phòng nghiên cứu phát triển VN Pharma 1 năm 6 tháng tù và Hoàng Văn Thông 2 năm tù cho hưởng án treo.

 

Nên đọc
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án ngày 25/8. Ảnh NLĐ. 
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo VOV, Tiền phong)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo