Nhập từ cái tăm, 500 triệu USD nhập hạt giống...quá thường!
GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp thẳng thắn chỉ ra thực tế này.
Nhập từ cái tăm đến cuốc xẻng, nhập hạt giống có gì lạ?
Nhiều người cứ cho rằng con số 500 triệu USD Việt Nam chi ra để nhập khẩu hạt giống rau củ là con số khủng, gây sốc nhưng trong khi chúng ta đang phải nhập khẩu từ cái tăm, cuốc, xẻng trở đi thì hạt giống - sản phẩm chứa hàm lượng tri thức cực lớn, âu cũng là chuyện thông thường.
Một quốc gia không thể làm tất cả mọi thứ để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân nhưng có những thứ Việt Nam nhập rất vô lý trong khi tiềm năng trong nước hoàn toàn có thể làm được.
Hãy xem những thứ chúng ta đang mặc trên người thứ nào do Việt Nam làm ra, thứ nào phải nhập khẩu? Từng chiếc khuy, móc, nguyên liệu vải sợi... tất tật phải nhập khẩu từ Trung Quốc đó thôi. Trong nông nghiệp, ngoài giống, chúng ta cũng phải nhập phân bón, thuốc trừ sâu... Khi chúng ta không tính toán thị trường, không chuẩn bị nguồn lực thì vẫn còn phải mất tiền để nhập những thứ vô lý nói trên.
Đối với hạt giống rau, hầu hết các loại rau đều có thể ra hạt, nhưng chất lượng hạt thế nào thì mỗi hạt giống từ những công ty khác nhau chứa hàm lượng tri thức khác nhau. Để có một giống cà chua, dưa chuột, bắp cải... năng suất cao, ổn định và đồng đều về chất lượng, các công ty xuyên quốc gia, các công ty chuyên ngành có lịch sử hàng trăm năm phải tích lũy liên tục, có những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Cái đó Việt Nam không có. Chúng ta thiếu những kiến trúc sư thiết kế ra những kế hoạch để làm điều đó ngay từ đầu.
Đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về nông sản hình thành trong quá trình phát triển của đất nước, từ những ngày thành lập các viện nghiên cứu, đặc biệt sau năm 1975 khi đất nước hòa bình, họ vẫn làm nhưng không ra sản phẩm đúng mục tiêu.
Cũng có những cái do cách đầu tư của Việt Nam. Một đề tài chỉ 3 năm thôi nhưng để ra sản phẩm phải cần đến 5-7 năm, thế nên 3 năm chưa ra được sản phẩm hoàn hảo đã phải dừng lại rồi.
Thế nên mới có tình trạng năm nay nghiên cứu cà chua, sang năm làm bắp cải, sang năm nữa nghiên cứu khoai lang, rau muống... Tất cả những thứ đấy không tạo ra sự chuyên môn hóa, liên tục, cho nên cuối cùng không ra được sản phẩm hoặc có sản phẩm nhưng không hoàn hảo.
Chúng ta cũng có cà chua lai, dưa chuột lai nhưng lại không cạnh tranh được với đối tác nước ngoài về năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường. Có nhiều nguyên nhân nhưng thật chua xót khi phải nói rằng chúng ta không làm được, muốn làm được chúng ta phải làm với 90 triệu dân của Việt Nam bây giờ.
Có những bí quyết công nghệ để tạo ra giống cây trồng có giá trị cao. Nó đòi hỏi phải hiểu biết về gen, quy luật di truyền, có thời gian nghiên cứu, ít nhất là 7-8 năm, đặc biệt là phải có những con người có tri thức mới làm được.
Cứ nói Việt Nam có hẳn một chương trình giống quốc gia được chính phủ cho phép thực hiện trong 20 năm với vốn đầu tư không hạn chế nhưng tiền chỉ là một vấn đề. Quan trọng là kế hoạch, tính chất khoa học của tổ chức hệ thống để ra sản phẩm.
Nhà khoa học và doanh nghiệp tách rời nhau
Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá yếu, không đủ thực lực để đầu tư cho nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là Tổng công ty rau quả, nông sản, ăn lương ngân sách nhà nước, chưa có đầu tư nghiêm túc nào cho nghiên cứu khoa học tạo giống, không chủ động để tạo ra lợi nhuận lâu dài cho lĩnh vực chuyên môn của họ, cho nên đương nhiên là chúng ta thua.
Các nhà khoa học cũng làm nhưng về mặt rau quả lại làm quá yếu. Là nước khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất rau quả và hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu rau quả như Hà Lan ở châu Á. Nhưng chúng ta chưa tin vào khoa học, chưa nghiên cứu cơ bản, chưa tạo ra những vật liệu ban đầu bởi chưa có sự liên kết.
Ở Việt Nam, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp không liên kết với nhau vì họ không tìm thấy lợi ích. Doanh nghiệp thì cho rằng các nhà khoa học còn lâu mới tạo ra được giống, cũng chẳng ai trả tiền cho nhà khoa học ngoài chút ngân sách ít ỏi không đủ nuôi sống họ.
Còn nhà khoa học cũng không chuyển giao cho các doanh nghiệp, không coi việc chuyển giao là sứ mệnh phát triển cho nên khoa học và doanh nghiệp cứ tách rời nhau. Đấy là bệnh kinh niên của khoa học nước nhà mà chưa có thuốc chữa chạy.
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hà Lan vào Đà Lạt trồng rau, trồng hoa. Họ có tầm nhìn quốc tế, phát hiện ở đâu có lợi thế, trong khi chúng ta đứng trên đất Đà Lạt nhưng không không biết phát huy lợi thế để mà phát triển.
Các doanh nghiệp nước ngoài có lịch sử cả trăm năm, có thị trường, có kinh nghiệm nên thắng cuộc. Họ nhìn thấy Việt Nam có 90 triệu dân là thị trường cực kỳ tiềm năng nên vào đầu tư để bán thịt, rau, sữa... cho người Việt Nam. Còn Việt Nam do tầm nhìn thị trường, định hướng hạn chế, chưa phát hiện được trí tuệ tinh hoa nên đánh mất mảnh đất màu mỡ ngay trên chính đất nước mình.
Không phải các nhà khoa học không nhìn thấy chuyện đó nhưng từ ý tưởng để biến thành thực tế phải có sức mạnh chính trị của Nhà nước, sức mạnh kinh tế. Các nhà khoa học dù rất tâm huyết nhưng không chuyển hóa được thì cũng đành chịu.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo