Nhạt phai… tình phộc
Tháo khoán
Thu còn trẻ nhưng đã mang thai be bé ấy vậy vẫn ngại ngùng nói về thứ mà dân gian hay gọi phồn thực. Muốn hỏi Thu nữa bởi lễ hội diễn ra mỗi dịp xuân sang này có náo nức, có hấp dẫn, phải có “diễn viên”, phải có những chàng trai cô gái như Thu mới nên hội.
Chưa kịp hỏi thêm Chủ tịch Toàn kéo phốc ra quán thay vì vào trụ sở bởi đang là ngày nghỉ. Câu chuyện văn hóa kể ra khi ậc vài ly đâm lại rôm rả dễ gần. “Tớ là chủ tịch xã. Đây là mấy anh em đồng niên, ngày nghỉ gặp nhau hàn huyên tí. Ăn xong chiều mời nhà báo về trụ sở ”. Năm sáu khách bữa ấy hóa ra toàn đám trai làng Tứ Xã mỗi người một phương mưu sinh nay ngồi quây quần phút nghỉ ngơi.
Nổ đầu tiên là “diễn viên” Chử Đức Chuyền, “lễ hội đấy phải gọi là linh tinh tình phộc". Nâng chén làm một tợp cười khấc khấc anh Chuyền nói tiếp, “Có biết nghĩa là gì không. Đấy là vào giờ Linh và phải có Tình thì mới Phộc”. Giải nghĩa này chắc của riêng chuyên gia Chuyền nhưng xem ra nó gần giống với tinh thần của hội trò Trám.
Chủ tịch xã Nguyễn Hồng Toàn nghiêm túc hơn kể hội trò Trám diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng riêng hàng năm với nhiều chương trình. Nhưng đặc sắc và linh hồn của hội chính là lễ mật, diễn ra vào giờ chính ngọ (tức 12 giờ) đêm ngày 11 tháng Chạp hàng năm.
Theo thông lệ, người dân tụ tập ngoài sân đình làm lễ linh tinh tình phộc để cầu cho mùa màng tươi tốt, con người sinh sôi nảy nở. Nhân vật chính là hai nam thanh nữ tú được dân làng đề xuất tuyển chọn nghiêm ngặt.
“Trước kia, diễn viên chỉ tuyển người trong xóm Trám, giờ thì liên kết với toàn xã để tuyển”, ông Chử Đức Bách, Đội trưởng đội trò Trám chen vào. Đến giờ làm lễ, ông từ dẫn đôi nam nữ lên đứng trước ban thờ làm lễ, gieo quẻ. Đúng chính ngọ, ông xin chính đài rồi mang hộp đựng linh vật biểu trưng cho âm và dương đưa cho đôi trai gái.
Nguyên liệu làm ra linh vật cũng phải được lựa chọn kỹ càng. Xưa “nõ nường” được làm bằng mo cau, sau này đổi thành gỗ mít. Gỗ không được nứt và sơn màu đỏ, do thợ mộc có tay nghề giỏi nhất làng làm.
Theo truyền thống người nam cởi trần, đóng khố, đầu đội khăn xếp có hoa văn quanh viền, cầm chiếc nõ. Thiếu nữ thì bận áo yếm, quần ngắn, cầm chiếc nường.
Giải thích thêm về nõ và nường, ông Bách kể nõ là khúc gỗ mít chắc nịch, dài khoảng 40 phân, đường kính 10 phân. Còn nường biểu trưng cho giới nữ có hình tam giác rộng 25 phân, ở giữa có một lỗ tròn.
Khi bắt đầu tiến hành nghi lễ, trong đền chỉ có chàng trai, cô gái và ông từ. Đôi trai gái đứng trước ban thờ, đèn trong đền tắt hết. Đúng giờ linh ông từ hô to: “linh tinh tình phộc” ba lần. Dứt một lần hô, người nam và người nữ tiến về phía nhau, đâm chiếc nõ vào lỗ của chiếc nường. Ông từ có nhiệm vụ lắng nghe tiếng nõ nường va chạm vào nhau. Trúng hay không trúng do âm phát ra là biết.
Theo quan niệm, cả ba lần thành công thì năm đó mùa màng sẽ tươi tốt, dân làng được may mắn. Nghi lễ thực hiện xong, ông từ sẽ thông báo cho cả dân làng biết. Đây cũng là lúc bắt đầu “tháo khoán” trong nửa canh giờ.
Tất cả mọi người tham gia lễ hội được tự do “linh tinh tình phộc”. Ngay cả khách thập phương cũng được tham gia tháo khoán. “Trong thời gian ấy không ai đánh giá đạo đức”, Chủ tịch Toàn cười tủm tỉm. Không những thế tục lệ của lễ hội còn ghi nhận, đứa trẻ nào là kết quả của buổi tháo khoán đó sẽ được cả làng rất trọng và chăm sóc cho đến lớn.
Nói thì nói thế, chứ có về dự hội trò Trám bây giờ “ sân miếu trống, chả ai dám. Trước muốn có đinh, có người, giờ chỉ tưởng tưởng chứ không như ngày xưa”, anh Chử Đức Chuyền tiếc nuối.
Chủ tịch Toàn ai dè cũng mạnh miệng, “tháo khoán bây giờ là bóp v.. thôi, tự do sờ người bên cạnh, khua khoắng thoải mái để lấy may”. Độc giả có lên án cán bộ dùng từ không chuẩn mực, nhưng có thấy gương mặt chủ tịch Toàn hay các trai làng ngồi đó mới cảm nhận được cái tinh thần “tháo khoán” của trò Trám. Không vẩn đục mà đầy nhân văn.
Chỉ có điều giờ “tháo khoán” người ta không thoát ra được cái trần tục để hòa mình với đất trời như các cụ ta xưa. Nên chả ai dám. Cũng không phải thời xóm Trám có rừng tràm rất to và rậm rạp, khi tháo khoán trai gái có thể tìm cho mình một chỗ kín đáo để tự do hôn phối nam nữ trong đêm.
Diện kiến “Vua Thuấn”
“Vua Thuấn” tên thật là Nguyễn Thành Ngữ, tuổi ngoài lục tuần, thực ra cũng là ông từ trông miếu Trám suốt bao năm qua. Lúc chúng tôi đến ông đang lúi húi trồng cây trám nhỏ ngay trong khuôn viên miếu. Ông Ngữ làm “vua”hơn 20 năm nay kể từ khi Phú Thọ khôi phục lễ hội trò Trám năm 1993 đến giờ.
“Trước kia chỉ biết các cụ bảo xung quanh miếu có rừng trám rất to. Sau này khi xã có ý định làm rạp chiếu phim, tát nước đào đất thì phát hiện ra một gốc cây trám đường kính ba, bốn người ôm, mới biết quả thực xưa kia rừng trám là có thật”. Ông Ngữ nói như hướng dẫn viên du lịch. “Các nhà lịch sử, khảo cổ, văn hóa đến ngó nghiêng, ngâm cứu chán rồi kết luận nơi đây chính là sân khấu của lễ hội trò Trám xa xưa”.
“Chẳng ai biết miếu Trám do ai lập, chỉ nghe các cụ nói lại, miếu được xây dựng từ thời Á Hồng Bàng. Lễ hội trò Trám diễn ra từ thời xa xưa và có một thời gian bị gián đoạn do chiến tranh. Mãi đến năm 1993, miếu mới được khôi phục lại”, vua Thuấn xoa hai bàn tay đen nhẻm kể như sách.
Dẫn chúng tôi vào trong ban thờ, nơi nghi lễ linh tinh tình phộc được diễn ra. Ngay phía trên ban có bức đại tự ghi chữ nho, dịch ra là Tối linh từ, có nghĩa bí mật tuyệt đối. Ngay dưới bức đại tự, phía trên ban thờ là một gác xép nhỏ có cửa gỗ là nơi lưu giữ “nõ, nường”.
Nghĩa bí mật tuyệt đối được hiểu, bộ phận sinh dục giả nam nữ bên trong ấy chỉ đôi trai gái và ông từ được chạm, được thấy. Ngoài ra bất kể là ai, từ dân thường đến “quan chức hàng tổng, to đến đâu” cũng không bao giờ được ngắm được sờ.
Ông Ngữ kể, tục xưa để thực hiện nghi thức đêm lễ mật là phải nam thanh nữ tú đứng ra đảm nhiệm. Giờ kiếm không ra nên năm vừa rồi vai này do một cặp vợ chồng trong làng đảm nhiệm. “Con gái bây giờ không ai dám làm vì ngại. Suốt bao năm chẳng tìm được ai diễn. Ngay đến con cháu trong nhà tôi cũng chỉ tham gia các vai diễn khác trong lễ hội, vai chính trong đêm lễ mật cũng chả ai đảm nhận”, ông Ngữ phàn nàn.
Ngay vai vua Thuấn, một trong 15 vai chính có trong đêm lễ hội mà ông Ngữ ngự từ bấy đến nay vẫn chưa được thoái vị. “Chả được cái gì sất mà chúng nó bây giờ chỉ đến xem, chứ có đứa nào chịu học hỏi tham gia nữa đâu ”, ông Ngữ với đôi tai to như tướng làm vua nói.
Còn chút vấn vương
Thấy chút gì nao nao tiếc nuối khi hai bậc cao niên là ông Ngữ và ông Bách hào hứng khác thường khi có người phương xa ghé về tìm hiểu lễ hội có một không hai trên thế gian này. Đâu đó người ta vẫn có nền văn hóa phồn thực, nhưng có hẳn đêm “linh tinh tình phộc”, rồi đến “tháo khoán” như xóm Trám đất Lâm Thao chắc hẳn chỉ có một.
Nhìn hai bậc cao niên lụi hụi tìm trong hộc tủ mấy trang sách cũ ghi chép lịch sử trò Trám mà thấy tiếc cho một lễ hội độc đáo của dân cư bên tả ngạn sông Thao dường như trông cả vào thế hệ xưa.
Xã hội đi lên, nam thanh nữ tú có vào vai “nõ nường” còn xấu hổ nói gì đến cái hồn của linh tinh tình phộc chính là ba mươi phút tháo khoán hay đến mức “không xem thì phí hoài tuổi xuân”, như Chủ tịch Toàn, đứa con của vùng đất mà một làng có bốn xã này nhận xét về truyền thống văn hóa cha ông. “Bà ẵm cháu, mẹ bồng con/ Không xem trò Trám thì buồn cả năm”, ai đó trong đám trai làng cất tiếng thơ.
Nõ Nường xưa được tôn vinh thành “thượng đẳng thần”, “bảo vật hộ dân”. Những cái “dung tục” được thiêng hóa. Chỉ có thể tìm trong niềm tin kỳ lạ của từng người dân Tứ Xã mới thấy câu trả lời. Hàng trăm năm nay họ tin rằng khi diễn trò đụ đị vào thời khắc thiêng liêng của trời đất thì sẽ cảm tất thông, cầu tất ứng.
Nhưng cứ rụt rè hơn các cụ thì mai này lễ hội trò Trám còn ai đến xem. Ngay “mong muốn mở một lớp dạy các cháu thế hệ trẻ kế tục được phong tục dân gian của cha ông nhưng không có kính phí. Các chương trình bồi dưỡng, dạy các cháu về động tác làm lễ rất ít. Chỉ gần đến ngày diễn ra hội thì mời các cháu đến để bồi dưỡng vài buổi”, nhìn ra khoảng sân rộng trước miếu Trám ông Bách rầu rầu chia sẻ,
Chả hiểu sao thiên hạ đua nhau phúng tiến hàng chục, hằng trăm triệu vào chùa đền, nhưng văn hóa dân gian cần được duy trì và phát huy này chả dòm tới. Ấy thế, cứ đến “đêm mật” họ lại ùn ùn kéo đến, xông cả vào nơi làm lễ giao phối khiến cho không gian linh thiêng cũng bị vẩn đục tiếng trần, ông từ không nghe được tiếng “phập” bội thu đành phải thắp nến mới biết nõ có đâm trúng nường hay không.
May con người Tứ Xã vẫn không bị thói xấu thương mại hóa lễ hội nhuốm vào. Đêm hội trò Trám, khách phương xa cứ đến mà không lo các dịch vụ tăng giá vù vù. “Khách đến với hội trò Trám ngay việc gửi xe cũng không mất tiền. Mọi năm, khách tứ phương đến tham dự lễ hội cứ đỗ xe ngoài sân và dọc ven đường sẽ được đội công an xã và thanh niên ở làng trông coi cẩn thận và chỉ dẫn nhiệt tình”, Chủ tịch xã Nguyễn Hồng Toàn đảm bảo.
Chia tay vua Thuấn, ngó cô cháu gái 13 tuổi của ông tên Phương xinh xắn, trộm nghĩ, chúng có muốn trò Trám được giữ mãi với đúng nghĩa linh tinh tình phộc”. Nhưng cô bé chỉ tủm tỉm và nói nhỏ, “ năm nào cháu cũng xem. Xem vui lắm”.
Trò Trám diễn ra tại miếu Trám gồm: Lễ mật, hay lễ phồn thực cầu cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở; Lễ rước lúa thần - lễ cầu mùa, cầu no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; và trò Trám: Trò trình nghề tứ dân chi nghiệp với bốn nghề chính trong dân gian là sĩ, nông, công, thương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo