Nhật rộng đường cho Việt Nam
Hai năm liên tiếp, Việt Nam đã trở lại xuất siêu trong quan hệ thương mại với Nhật. Năm 2012, đối với xuất khẩu của Việt Nam, Nhật là thị trường đứng thứ hai (sau Mỹ) về sản phẩm mây, tre cói và thảm; thứ nhất về hàng gốm, sứ; thứ ba về đồ gỗ. Các mặt hàng thêu của Nhật thường rất đắt, vì vậy khi cần tìm nguồn hàng thêu từ các nước khác, Việt Nam luôn là sự lựa chọn đầu tiên của người Nhật.
Ngày càng thuận lợi
Theo ông Hiroshi Sakamoto, Chủ tịch Công ty CP The Sense of Life, chuyên gia ở Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC), nhu cầu đồ dùng gia đình ở Nhật vẫn còn cao vì người Nhật thích làm đẹp nhà cửa hay thay đổi cách trang trí, thích đồ dùng mới. Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ của Việt Nam vào Nhật ngày càng thuận lợi nhờ giao thương hai nước được mở rộng trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) và sự quan tâm của chính phủ Nhật, mà gần đây là sự kiện Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng khá lạc quan về tiềm năng phát triển xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ vào Nhật. Ông Trần Tiến Nam, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Quang Minh, đã 15 năm xuất hàng sang Nhật Bản, nhận định các công ty Nhật có tính trung thành với đối tác rất cao, cộng với được hưởng mức thuế thấp từ Hiệp định VJEPA nên thị trường Nhật Bản trong tương lai vẫn hấp dẫn.
Ông Mai Đình Kiếm, Giám đốc Công ty Thảm len Sài Gòn, cho biết sản phẩm của công ty đặc thù sản xuất rất lâu nên không có những đơn hàng lớn, tuy vậy có nhiều đơn hàng nhỏ từ nhiều khách hàng Nhật, vì họ thích giá trị nghệ thuật cao trong sản phẩm thảm Sài Gòn.
Theo kịp xu hướng
Ông Hiroshi Sakamoto nhận thấy tuy Nhật là thị trường quan trọng của hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất Việt Nam nhưng số doanh nghiệp thành công bền vững chưa nhiều, do doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu cặn kẽ về sự ưa chuộng nét văn hóa truyền thống hiện diện với xu hướng tiêu dùng hiện đại trong sản phẩm tiêu dùng của người Nhật.
Không gian sinh sống của người dân Nhật thường nhỏ nên đồ nội thất, đồ gia dụng đòi hỏi kích thước nhỏ gọn, nhẹ, màu sắc nhẹ nhàng, một sản phẩm nhiều công dụng càng tốt. Thông thường sau mỗi năm, thị trường Nhật lại hình thành xu hướng mới đối với mẫu mã, nếu doanh nghiệp không nắm bắt kịp sẽ không bán được hàng.
Ông Hiroshi Sakamoto lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường khâu thiết kế sản phẩm sao cho đẹp mà tính năng sử dụng cao. Có thể nắm bắt xu hướng hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất thay đổi bằng cách quan sát sự thay đổi xu hướng thời trang vì ở Nhật màu sắc thời trang kéo theo thay đổi màu sắc đồ dùng trong nhà. Tuy nhiên, ông đặc biệt khuyến cáo không sao chép mẫu sản phẩm đang bán chạy trên thị trường, người Nhật hiện nay rất dị ứng với hàng Trung Quốc vì tình trạng hàng nhái.
Cũng do sự thay đổi nhanh về màu sắc, kiểu dáng sản phẩm mà các nhà nhập khẩu Nhật thường đặt lô hàng sau ngay sát khi lô hàng trước vừa bán hết và yêu cầu nhà sản xuất giao trong thời gian ngắn. Đây là vấn đề khó khăn nhất khi phải bảo đảm chất lượng hàng hóa và thời gian giao hàng đối với hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất thường có các công đoạn làm tay nhiều hơn.
Thảo Nguyên (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết