Tin tức - Sự kiện

Nhật thúc đẩy bán vũ khí, Trung Quốc 'run'

Lần đầu tiên Nhật Bản tham gia một triển lãm quốc phòng quy mô quốc tế ở châu Âu, dấu hiệu Nhật bắt đầu thúc đẩy xuất khẩu vũ khí.

 Nhật Bản chính thức nhập cuộc chơi

Hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 16/6 đưa tin 13 doanh nghiệp Nhật Bản đang trưng bày các sản phẩm tại hội chợ quốc phòng có tên Eurosatory diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp kể từ ngày 16/6. Các sản phẩm của Nhật Bản chủ yếu là các sản phẩm dân sự.
 
Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các công ty Nhật Bản tham dự một cuộc triển lãm quốc phòng quy mô quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc, trong khi Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ryota Takeda cũng tới thăm triển lãm này.
 
Eurosatory là triển lãm An ninh và Quốc phòng quốc tế được tổ chức hai năm một lần tại Paris Pháp. Triển lãm này có tên như vậy bởi cuộc triển lãm đầu tiên từ năm 1967, ngành công nghiệp quốc phòng Pháp đã tổ chức tại Trại Satory. Triển lãm năm nay diễn ra từ ngày 16-20/6.
 
Toàn cảnh khu vực triển lãm Eurosatory ở Paris, Pháp
 
Sự tham dự của các công ty Nhật Bản được cho là sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu thiết bị quốc phòng của nước này sau khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe chính thức nới lỏng các quy định hạn chế xuất khẩu vũ khí hồi tháng 4/2014.
 
Tại gian hàng Nhật Bản ở khu vực dân sự của hội chợ, các sản phẩm trưng bày bao gồm một phương tiện bắc cầu phao quân sự, một hệ thống radar quan sát thời tiết, một kính hồng ngoại, thiết bị hồi sức cấp cứu và một máy dò mìn xách tay. Ngoài ra, Nhật Bản cũng trưng bày một máy bay không người lái dùng cho cuộc chiến không đối không.
 
Chủ tịch Công ty Crisis Intelligence, ông Makoto Asari đã thúc giục các công ty Nhật Bản khác cần trưng bày các sản phẩm mới. Ông này nói: “Việc tham gia hội chợ có tầm quan trọng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản vì ở đó có thể tìm hiểu được một thị trường dân sự mà họ đã bỏ qua trong khi vẫn ngần ngại tham dự các hội chợ vũ khí”.
 
Một góc triển lãm xe quân sự tại Eurosatory 2012
 
Nhà tài trợ của hội chợ Eurosatory kêu gọi các công ty Nhật tham gia hội chợ với tầm nhìn về lợi ích trong các công nghệ giải cứu và tái thiết sau thảm họa kép động đất và sóng thần ở miền Đông Bắc Nhật Bản hồi tháng 3/2011.
 
Ngay trước triển lãm tại Pháp, hôm 11/6, Nhật Bản và Australian thông báo đã đạt được "kết luận quan trọng" trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng giữa hai nước, dọn đường cho khả năng Tokyo chuyển giao công nghệ tàu ngầm cho Canberra. Kết quả này đạt được nhân dịp hội nghị cấp bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao giữa hai nước (cuộc họp 2+2) diễn ra tại Tokyo.
 
Nhật Bản tự cởi trói
 
Hồi đầu tháng 4/2014, Nhật Bản đã thông qua những nguyên tắc mới tạo thuận lợi cho khả năng giảm bớt những nguyên tắc từng cản trở nghiêm trọng việc xuất khẩu vũ khí từ suốt 50 năm nay của Nhật Bản. Sau khi những nguyên tắc mới được thông qua, từ nay, Nhật Bản có thể bán vũ khí - kể cả cho Liên hợp quốc - để góp phần bảo đảm an ninh, lợi ích của mình và tham gia sự hợp tác quốc tế. Và từ nay, những hạn chế chỉ nhằm vào các nước đang có chiến tranh hoặc bị LHQ cấm vận.
 
Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí
 
Được ban hành năm 1967, ba nguyên tắc chi phối việc xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản gồm: không được bán cho các nước thuộc khối cộng sản, các nước bị LHQ cấm vận và các nước đang có chiến tranh. Từ năm 1976, Chính phủ Nhật Bản bổ sung nguyên tắc “không được bán vũ khí cho bất kỳ nước nào”, tức là cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí.
 
Năm 2004, việc hủy bỏ các nguyên tắc trên đã được tính đến, nhưng cuối cùng chỉ có một trường hợp ngoại lệ được dành cho Mỹ: Điểm 7 trong chính sách của Nhật Bản kiểm soát xuất khẩu vũ khí, cho phép xuất khẩu các công nghệ chỉ có thể xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
 
Tiếp theo đó, Nhật Bản thúc đẩy việc bán vũ khí cho các nước đồng minh. Năm 2011, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko khi đó viện dẫn sự cần thiết trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, đã xoa dịu các nguyên tắc này. Ông Yoshihiko cho rằng “các tiêu chuẩn mới” cho phép xuất khẩu vũ khí trong các trường hợp liên quan đến các chiến dịch duy trì hòa bình và những nỗ lực hợp tác quốc tế cũng như các trường hợp phát triển và sản xuất vũ khí quốc tế.
 
Sau đó, Nhật Bản đã bán 12 tàu tuần tra cho Philippines trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chống khủng bố và cướp biển. Các đường hướng mới này về mặt xuất khẩu vũ khí là thêm một bước tiến tới việc bình thường hóa của Nhật Bản như Thủ tướng Shinzo Abe mong muốn. Thủ tướng Abe muốn, ngoài Mỹ, sự mở rộng quan hệ quốc phòng của Nhật Bản sẽ hướng tới các nước châu Á khác.
 
Tàu tuần tra biển của Nhật Bản
 
Ngoài việc cung cấp tàu tuần tra biển cho Philippines, Nhật Bản đang tiến hành thương lượng bán cho Ấn Độ xe lội nước và cứu nạn. Ngoài Philippines và Ấn Độ, Nhật Bản có thể có mối quan hệ quốc phòng với Indonesia, Việt Nam hay các nước khác ven Biển Đông. Đây chính là những quốc gia, cũng như Nhật Bản, đang rất lo ngại trước những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc tại vùng biển đang tranh chấp này.
 
Theo một quyết định mới nhất, các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Công Thương sẽ thực hiện việc kiểm soát thông thường, trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) sẽ quyết định cho phép xuất khẩu loại vũ khí nào, và số lượng bao nhiêu. Chính phủ cũng sẽ công bố các báo cáo hàng năm về các thiết bị được phê chuẩn để xuất khẩu và sẽ đưa ra thông tin cụ thể để Hội đồng an ninh quốc gia xử lý.
 
Cho dù việc xuất khẩu vũ khí đã được nới lỏng, song Tokyo nói rõ là họ không bán vũ khí gây chết người như xe tăng hay máy bay tiêm kích, điều đang khiến người láng giềng Trung Quốc tỏ ra đặc biệt lo sợ.
 
Tiềm năng của Nhật Bản
 
Giáo sư Atsushi Tago, Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kobe, cho rằng quyết định nới lỏng xuất khẩu vũ khí là một trong những “thay đổi quan trọng nhất” trong những thập niên gần đây. Chính sách mới về xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản giúp cho các tập đoàn công nghiệp như Mitsubishi, Kawasaki, IHI giảm giá thành phẩm và cạnh tranh với quốc tế thay vì bị giới hạn trong thị trường nội địa. Trên thực tế, các tập đoàn này cũng không che giấu được sự “phấn khích” và tư thế sẵn sàng khi các hạn chế được nới lỏng.
 
Nhiều nước trên thế giới cũng bày tỏ quan tâm đặc biệt tới nền công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản. Kể từ cuối năm 2013, khi xuất hiện thông tin chính quyền Nhật Bản sẽ xem xét lại các nguyên tắc cấm xuất khẩu vũ khí, giới công nghiệp quân sự quốc tế đã có nhiều cuộc tiếp xúc ngầm với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này.
 
Xe tăng Type-10 của Nhật Bản
 
Mitsubishi cho biết mới đây đã tiếp đón một phái đoàn đến từ Bộ Quốc phòng nhiều nước. Trong đó, những đại diện đến từ Bộ Quốc phòng Anh cho biết rất quan tâm tới tên lửa không đối không Meteor, đồng thời mời chào doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, cùng phát triển loại tên lửa này.
 
Cơ quan đầu não phát triển kỹ thuật quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ là DARPA cũng bày tỏ sự quan tâm tới những sản phẩm liên quan tới tên lửa hạm đối không Sea Sparrow mà Mitsubishi đã giành được quyền sản xuất.
 
Hiện nay, quy mô lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản ở mức 1.600 tỷ yên (khoảng 16 tỷ USD). Tập đoàn lớn nhất Nhật Bản trong lĩnh vực này là Mitsubishi cũng chỉ có quy mô 300 tỷ yên, chỉ tương đương 10% các tập đoàn hàng đầu của Mỹ, châu Âu như Boeing, Lockheed Martin.
 
Năm 2011, khi Mitsubishi ngừng sản xuất máy bay chiến đấu, hơn 20 công ty cung cấp phụ tùng cho Mitsubishi cũng phải ngừng sản xuất. Với việc cho phép xuất khẩu vũ khí, ngành công nghiệp quân sự Nhật Bản có thể hồi sinh và tham gia cung cấp thiết bị cho nhiều nước, tham gia khai thác thị trường có quy mô lên tới 40.000 tỷ yên.
 
Ngoài xe tăng, máy bay tiêm kích, Nhật Bản có thể xuất khẩu nhiều loại thiết bị quân sự khác
 
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá Nhật Bản trước mắt sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định khi vươn ra thị trường vũ khí quốc tế. Mặc dù có nền tảng công nghệ cao và độc đáo, giá thành là một trở ngại cho các đơn đặt hàng đến với doanh nghiệp Nhật Bản. Do quy mô sản xuất nhỏ trước đây, doanh nghiệp Nhật Bản không có được dây chuyền cũng như công nghệ sản xuất tự động cao như Mỹ và Tây Âu, dẫn tới giá thành sẽ đắt đỏ hơn.
 
Các công ty lớn của Nhật Bản, cho đến nay hầu như chỉ cung cấp sản phẩm cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản, do đó thiếu khả năng, kinh nghiệm cạnh tranh để thắng thầu trước các đối thủ trên thị trường vũ khí quốc tế.
 
Không những thế, bản thân các doanh nghiệp Nhật Bản cũng lo ngại sự thay đổi chính quyền có thể dẫn tới thay đổi chính sách, giảm ngân sách quốc phòng dẫn tới việc xuất khẩu vũ khí sẽ gặp khó khăn hơn nên chưa vội đầu tư.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo