Nhiều bất cập trong công tác đấu thầu ở Vĩnh Phúc
Báo cáo về công tác đấu thầu năm 2016 trên địa bàn của Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trong năm qua, các đơn vị trong địa bản tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 1.004 gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển. Tổng giá các gói thầu này là hơn 3.244 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là hơn 3.155 tỷ đồng, tiết kiệm gần 88,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 2,73%.
Báo cáo cũng cho thấy, hình thức lựa chọn nhà thầu chủ yếu là chỉ định thầu và đấu thầu rộng rãi. Trong số 1.004 gói thầu nêu trên, có tới 698 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm tỷ lệ hơn 69,5% tổng số gói thầu. Tổng giá các gói thầu được chỉ định thầu là hơn 183,5 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu hơn 181,7 tỷ đồng, chênh lệch giảm 1,8 tỷ đồng.
Cũng trong năm qua, Vĩnh Phúc đã tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 288 gói thầu mua sắm thường xuyên, với tổng giá gói thầu hơn 1.762 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu hơn 1.072 triệu đồng, tiết kiệm được hơn 690 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm hơn 39%.
Đáng chú ý, ngoài những mặt tích cực nêu trên, công tác đấu thầu trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc cũng còn nhiều thiếu sót. Cụ thể, trong năm vừa qua, ngành thanh tra Vĩnh Phúc đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều dự án, gói thầu.
Qua thanh tra đã phát hiện đội ngũ cán bộ, chuyên gia về đấu thầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn dù có chứng chỉ nghiệp vụ đấu thầu nhưng năng lực chuyên môn hạn chế, hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu còn sơ sài. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) còn thiếu chi tiết, thiếu cơ sở, nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu không xem xét, kiểm tra kỹ các hồ sơ, thủ tục trước khi phê duyệt, không thực hiện đúng các quy định về đăng tải thông tin đấu thầu.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, bên mời thầu chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu thầu như đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu; HSMT đưa ra tiêu chí bất hợp lý, làm khó nhà thầu tham gia, thậm chí có gói thầu còn bị xã hội đen cản trở nhà thầu nộp HSDT. Đặc biết, quá trình đấu thầu từ khâu lập HSMT đến ký hợp đồng đều được phân cấp cho chủ đầu tư tổ chức thực hiện và quyết định, gần như khép kín nên khó phát hiện các dấu hiệu tiêu cực. Khi có vướng mắc, phát sinh tình huống thì các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc xử lý, nhưng rất khó phát hiện tiêu cực vì thiếu thông tin.
Ngoài ra, do năng lực của một số đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, bên mời thầu ở Vĩnh Phúc còn hạn chế nên HSMT có chất lượng thấp, có nhiều sai sót, không phản ánh đúng các yêu cầu của gói thầu, còn nặng về quy định các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm, ít quan tâm đến vấn đề kỹ thuật và nội dung hợp đồng. Việc chấp hành chế độ báo cáo đấu thầu của chủ đầu tư, địa phương còn hạn chế, không chủ động...
End of content
Không có tin nào tiếp theo