Nhiều căn bệnh cũ đang quay lại
Bệnh Scarlet Fever
Bệnh Scarlet Fever (Bệnh tinh hồng nhiệt hay bệnh ban đỏ) từng xuất hiện lần đầu vào năm 1.500, được cho là thủ phạm gây mù cho Đức mẹ Marie. Đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính amidan hay nhiễm khuẩn da, thường gặp ở trẻ nhỏ, do liên cầu tan huyết nhóm A (đôi khi do tụ cầu vàng) gây ra. Lúc đầu các ban nhỏ lấm tấm theo kiểu mảng lớn, một số trường hợp lan tỏa toàn thân, thậm chí còn gây tổn thương cả niêm mạc. Thanh quản đỏ, lưỡi lúc đầu trắng kèm theo sưng phù và đỏ. Vòm miệng có thể có ban đỏ và các chấm xuất huyết, biểu hiện của viêm amidan cấp. Hạch trước cổ sưng to, nếu không được điều trị có thể gây viêm khớp và viêm cầu thận cấp. Bệnh có thể điều trị bằng kháng sinh penicillin. Năm 2012, bệnh bùng phát tại Ma Cao, Trung Quốc, số người mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em cao gấp 3 lần so với năm 2010.
Bệnh còi xương
Đây là căn bệnh phổ biến ở trẻ em tại các nước công nghiệp đầu thế kỷ 19, nhất là trẻ em do ăn uống kham khổ, thiếu tiếp xúc ánh sáng mặt trời dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D trầm trọng, hậu quả làm còi xương, chân vòng kiềng, chậm phát triển. Từ năm 2009, bệnh này lại tái phát. Rất có thể là do chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu cân bằng, thiếu chất, không đủ vitamin D, trẻ sinh ra không được nuôi bằng sữa mẹ, không được tắm nắng đầy đủ. Ngoài ra, ở một số quốc gia đang phát triển, hiện tượng này cũng đang có chiều hướng tăng nhanh do kinh tế khó khăn, phụ nữ không có sữa hoặc không có điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ, cha mẹ không có đủ tiền mua sữa cho con, ăn uống kham khổ, trong khi đó nạn ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm gia tăng mạnh.
Bệnh gút
Gút (gout) là căn bệnh thường xuất hiện ở nhóm người cao tuổi nhưng gần đây lại có chiều hướng trẻ hóa. Bệnh gút xuất hiện lần đầu ở Ai Cập năm 2.600 trước CN hay còn gọi là bệnh của nhà Vua, ý nói là căn bệnh của người giàu, không có thuốc điều trị và làm cho người trong cuộc đau đớn, khó chịu. Từ đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước, bệnh này tái xuất hiện tại Mỹ. Có hai lý do gây bệnh là do ăn uống quá nhiều chất béo, đường, mỡ, uống nhiều rượu, bia. Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố tuổi tác, theo đó, trong vòng 20 năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người cao niên tăng trên 7%.
Bệnh giang mai
Bệnh lây truyền qua đường tình dục, phát hiện lần đầu ở Italia năm 1494 và đến nay không ai biết chắc chắn rằng nó có nguồn gốc từ đâu. Có người cho rằng, nó có nguồn gốc từ châu Âu, có người bảo từ châu Mỹ. Và trong vòng hơn 400 năm trước nó là căn bệnh không chữa trị được. Rất nhiều người nổi tiếng mắc phải căn bệnh này như cha cựu Thủ tướng Anh, Winston Churchill, vua Henry VIII, hay trùm phát xít Hitler cũng là nạn nhân của căn bệnh này. Việc phát hiện ra thuốc kháng sinh penicillin năm 1943 và nhận thức về mối nguy hiểm của căn bệnh nói trên đã làm cho số người mắc bệnh giảm dần. Năm 2000, tại Mỹ, người ta công bố đã thanh toán được bệnh này nhưng sau đó một thập kỷ nó bùng phát trở lại. Bằng chứng, số người phát bệnh giang mai tăng gấp đôi. Lý do có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do quan hệ tình dục không an toàn, nhất là quan hệ bằng đường miệng mà họ nhầm tưởng là an toàn hoặc cho rằng bệnh đã được thanh toán nên không thể mắc bệnh.
Nhóm bệnh sởi - quai bị - rubella
Trong 150 năm qua, bệnh sởi đã giết chết khoảng hơn 200 triệu người trên quy mô toàn cầu, còn quai bị là thủ phạm hàng đầu gây bệnh viêm màng não bởi virut. Còn bệnh rubella là thủ phạm làm cho hàng chục ngàn người bị sẩy thai, tử vong. Từ những năm 60 ở thế kỷ trước, khi vaccin cho 3 loại bệnh này ra đời (MMR) thì số ca mắc bệnh bắt đầu giảm hẳn. Song đến năm 1998, theo tạp chí y học uy tín của Anh The Lancet công bố, vaccin MMR lại là nguyên nhân gây bệnh tự kỷ nên trào lưu phản đối vaccin này tăng mạnh dẫn đến tình trạng bệnh đã quay trở lại. Năm 2011, 25 quốc gia thông báo xuất hiện bệnh sởi, kể cả ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Romania, Nga và Thụy Sĩ. Năm 2010, tại Ai-xơ-len, người ta còn thấy bộc phát quai bị ở cả nhóm người người trẻ, người đã được chủng ngừa vaccin MMR. Dịch quai bị bùng phát tại Đại học Iowa, Mỹ kéo dài 6 tháng và lan rộng sang 13 bang của Mỹ. Và mới gần đây, hơn 20 người được chẩn đoán mắc bệnh quai bị tại Berkeley mà người ta phỏng đoán bệnh bắt đầu lan truyền từ nhóm sinh viên không được tiêm chủng sang cho bạn bè cùng lớp sau đó lan ra cộng đồng.
Bệnh bại liệt
Từ lâu, bại liệt được xem là căn bệnh của người Ai Cập cổ đại, mô tả lâm sàng đầu tiên của bệnh này được biết đến vào năm 1789. Sang đến thế kỷ 20, bệnh bắt đầu phát triển mạnh trên quy mô toàn thế giới, đạt đỉnh điểm vào thập niên 50. Nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cũng bị bệnh này. Ngoài ra, mỗi năm nó còn làm bại liệt hoặc giết chết trên nửa triệu người. Sau đó, nhờ ra đời hai loại vaccin mà căn bệnh nói trên đã được loại trừ hoàn toàn ở bốn quốc gia còn lại là Afghanistan, Nigeria, Ấn Độ, và Pakistan. Năm 2003, tại một hội nghị tổ chức tại miền Bắc Nigeria, người ta đã đưa cảnh báo sử dụng vaccin chống bại liệt có thể gây vô sinh. Điều này đã làm cho căn bệnh nói trên bùng phát trở lại tại Chad. Năm 2011, có 132 trường hợp đã được phát hiện bệnh. Năm 2010, tại Afghanistan người ta cũng đã phát hiện thấy nhiều ca mắc bệnh mới, đặc biệt con số mắc bệnh tăng gấp ba lần trong năm 2011. Sở dĩ số ca mắc bệnh tăng mạnh là do người dân ở đây từ chối tiêm chủng cho con cái vì lý do tôn giáo, nhất là vùng biên giáp với Pakistan. Thậm chí người ta còn tuyên truyền rằng, tiêm chủng là một âm mưu của phương Tây, vì vậy mà số ca mắc bệnh ngày càng tăng mạnh.
Mai Anh ( Theo suckhoe & doisong )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?