Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Kenya
Theo Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á, sản lượng gạo tiêu thụ đầu người của Kenya hiện đang rất thấp chỉ vào khoảng 10-18kg/năm và đang có xu hướng tăng nhanh do tốc độ tăng dân số và đô thị hóa tại quốc gia này. Mức tăng trong nhu cầu tiêu thụ gạo của Kenya được dự báo vào khoảng 12%/năm, cao hơn nhiều so với với mức tăng trong nhu cầu về lúa mì là 4% và ngô là 1%. Hiện Kenya có khoảng 17.000 ha trồng lúa gạo với sản lượng sản xuất chỉ vào khoảng 45.000-80.000 tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo của nước này vào khoảng 400.000-500.000 tấn/năm.
Bộ Nông nghiệp Kenya đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng lúa gạo trong nước này vào năm 2018 bằng cách mở rộng diện tích trồng lúa, giảm tổn thất sau thu hoạch thông qua cơ giới hóa và cải thiện hệ thống sản xuất giống. Bên cạnh đó, Tổ chức nghiên cứu chăn nuôi và nông nghiệp Kenya (KARLO) cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) trong việc nghiên cứu phát triển giống lua có năng suất và chất lượng tốt mà không cần nhiều nước nhằm khắc phục điều kiện tự nhiên khô cằn tại phần lớn lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, việc sản xuất trong nước hầu như vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu nội địa, khiến cho nhu cầu nhập khẩu gạo của Kenya tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới, năm 2014, Kenya nhập khẩu 298,8 triệu USD, tăng 81,31% so với năm 2013 chủ yếu từ Pakistan (chiếm trên 80% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo vào Kenya), Việt Nam (khoảng 8,2%), Ấn Độ (xấp xỉ 4%) và Thái Lan (khoảng 2,5%). Phần lớn gạo được tiêu thụ và kinh doanh tại Kenya là gạo đồ (Basmati rice).
Theo Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á, trong giai đoạn từ 2010-2013, gạo luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Kenya, chiếm từ 45 đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu gạo thường tăng giảm thất thường.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Kenya đạt mức cao nhất là 37,5 triệu USD trên tổng giá trị 62,34 triệu USD hàng hóa các loại. Kể từ năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gạo liên tục giảm sút, chỉ đạt 31,2 triệu USD, trước khi giảm xuống còn 13 triệu USD năm 2013 và 1,4 triệu USD năm 2014.
Lý giải về sự sụt giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào Kenya, tại buổi gặp gỡ nhân chuyến công tác tại Kenya vào tháng 10 năm 2015 của đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, một số doanh nghiệp nhập khẩu gạo lớn của Kenya cho biết gạo Việt Nam được ưa chuộng tại Kenya, tuy nhiên, trong 02 năm vừa qua, mặt hàng này phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn về giá so với gạo Pakistan và Thái Lan. Pakistan đã đạt được thỏa thuận giảm thuế nhập khẩu gạo với Kenya, theo đó, gạo Pakistan chỉ chịu khoảng 35% thuế nhập khẩu trong khi gạo các nước khác phải chịu trung bình mức thuế 60%.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu gạo sang thị trường Kenya nói riêng và thị trường các nước châu Phi cũng gặp không ít khó khăn như những vấn đề trong khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua gạo trả chậm từ 30 đến 90 ngày, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao).
Một trở ngại nữa là doanh nghiệp hai bên thường thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau. Vì vậy, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá gạo xuất khẩu Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Phi nói chung và Kenya nói riêng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại nhiều nước châu Phi, trong đó, gần đây nhất là đoàn công tác sang Kenya vào tháng 10 năm 2015.
Nhân dịp sự kiện, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam đã trao cho đại diện Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Kenya Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp để hai bên sớm đàm phán sớm ký kết trong thời gian tới. Bản ghi nhớ này sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại song phương, đặc biệt trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm của Việt Nam sang Kenya, trong đó có mặt hàng gạo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo