Nhiều doanh nghiệp không biết cách kiện chống bán phá giá hàng nhập khẩu
Đó là thông tin được ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, đại diện Phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh - CQLCT) cho biết tại hội thảo kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả biện pháp PVTM do CQLCT tổ chức hôm 13-11 tại TPHCM.
Theo ông Hưng, đến nay, Việt Nam đã chịu 80 vụ kiện PVTM (chủ yếu là chống bán phá giá và tự vệ), và cũng đã có pháp lệnh về phòng vệ thương mại trong 10 năm qua, nhưng đến nay Việt Nam chỉ có một vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) thành công. Đó là vụ kiện CBPG thép không gỉ cán nguội, với kết quả là, Việt Nam áp thuế CBPG với mặt hàng này nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia vào tháng 9-2014.
Theo ông Hưng, đến nay Việt Nam mới có ba vụ kiện PVTM được khởi xướng, trong đó có hai vụ kiện đi đến việc áp thuế hàng nhập khẩu (có một vụ CBPG). Tuy nhiên, trên thực tế, CQLCT đã điều tra tiền tố tụng 11 vụ, tức có nhiều doanh nghiệp mong muốn dùng biện pháp PVTM, nhưng do sự phức tạp và khó khăn của việc khởi kiện, nên doanh nghiệp nản chí.
Ông Hưng cho biết, khi muốn kiện PVTM, điều đầu tiên doanh nghiệp nên quan tâm là phải nộp hồ sơ, nhưng việc này không đơn giản. Trong vụ kiện CBPG thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam vừa rồi, nguyên đơn là công ty POSCO VST tại Việt Nam, vốn có kinh nghiệm bị kiện CBPG ở nước ngoài, nhưng công ty này phải mất một năm để chuẩn bị hồ sơ CBPG gửi lên CQLCT.
Trong hồ sơ phải có năm nội dung thông tin chính, như tư cách nguyên đơn, ngành sản xuất trong nước, thông tin nhập khẩu, thông tin các nhà xuất khẩu ở nước ngoài.
Về tư cách nguyên đơn, một hay nhiều doanh nghiệp tham gia kiện phải chiếm ít nhất 20% thị phần về giá trị sản xuất trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam thường mạnh ai nấy làm, và họ cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường, nên không dễ bắt tay nhau để cùng đi kiện. Trong khi đó, càng nhiều doanh nghiệp tham gia thì càng nhiều ý kiến bất đồng.
Ngoài ra doanh nghiệp Việt Nam thường vừa sản xuất và nhập khẩu thêm hàng hóa để bán vì sản xuất không đủ, trong khi đó quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) yêu cầu doanh nghiệp muốn đi kiện thì phần nhập khẩu không được quá lớn.
Thêm vào đó, doanh nghiệp phải cung cấp số liệu nhập khẩu để cho cơ quan điều tra biết doanh nghiệp muốn kiện ai, số lượng nhập của các công ty nước ngoài vào Việt Nam là bao nhiêu, họ có đủ điều kiện để bị kiện là chiếm từ 3% trở lên trong trị giá hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam hay không. Ngoài ra, nguyên đơn cũng phải cung cấp giá mà doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài bán trong nước của họ, để xem họ có bán phá giá tại Việt Nam hay không.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam thường cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những thông tin trên. Ông Hưng cho rằng, doanh nghiệp cứ cung cấp thông tin cơ bản ban đầu, những thông tin này có thể là thông tin trên mạng. Sau khi nộp đơn kiện, CQLCT sẽ dựa trên đơn kiện để liên hệ với hải quan nhằm tìm thông tin chính xác về giá trị và giá bán tại Việt Nam. Còn về giá bán tại thị trường nội địa của bị đơn, doanh nghiệp có thể lấy thông tin như giá họ chào báo công khai.
Ngoài ra, trong quá trình kinh doanh, khi tìm kiếm những thông tin về đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp nên tìm hiểu thêm giá bán của nhà xuất khẩu nước ngoài để có thể theo dõi biến động thất thường, như bất ngờ hạ giá, để có thể khởi kiện một ngày nào đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao