Nhiều nước tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông
Cuộc “khẩu chiến” bùng lên khi Indonesia hôm 21/3 đã phản đối mạnh mẽ hành động của một tàu tuần duyên Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng biển của nước này.
Vụ việc xảy ra ở khu vực biển Natuna vào ngày 19/3. Khi lực lượng chức năng Indonesia cử tàu tuần tra ra bắt giữ tàu cá Trung Quốc có tên Kway Fey đánh bắt trái phép ở vùng biển này thì một tàu tuần duyên của Trung Quốc tiến tới không cho tàu Indonesia làm nhiệm vụ. Indonesia đã bắt giữ 8 thuyền viên trên tàu Kway Fey nhưng vì bị tàu tuần duyên Trung Quốc ngăn cản nên chưa lai dắt được tàu Kway Fey về bờ để xử lý.
Được biết, biển Natuna nằm cách bờ Trung Quốc hàng ngàn km, nằm dưới “đường lưỡi bò” phi pháp mà Bắc Kinh tự vẽ ra để đòi "chủ quyền”. Sự xuất hiện của tàu tuần duyên Trung Quốc tại đây để can thiệp thô bạo vào quá trình thực thi luật pháp của Indonesia cho thấy sự bành trướng ngày càng lan rộng của các đội tàu từ đánh cá đến tàu hải cảnh trên khắp Biển Đông. Indonesia nổi đóa.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti tức giận:“Từ nhiều năm qua, Indonesia đã theo đuổi và thúc đẩy hòa bình ở biển Đông. Vụ việc vừa qua khiến chúng tôi cảm thấy các nỗ lực này bị gián đoạn và phá hoại”.
Đáp lại phản ứng của Indonesia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua phát đi thông cáo khẳng định: “tàu Kway Fey hoạt động trong ngư trường truyền thống của Trung Quốc” đồng thời đòi Jakarta thả 8 thuyền viên đang bị bắt. Indonesia cho biết có thể đem vụ việc này kiện ra tòa án quốc tế.
Trong khi đó, Malaysia gần đây cũng tỏ thái độ cứng rắn hơn với các yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc cho tàu hải cảnh xâm nhập cụm bãi cạn Nam Luconia ở Biển Đông, trên thềm lục địa của bờ biển bang Sarawak, Malaysia.
Bắc Kinh thời gian qua cũng đã ngang nhiên dùng tàu vây hãm, đuổi tàu của các ngư dân Malaysia đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống tại bãi Nam Luconia. Cho đội tàu cá và tàu hải cảnh tràn xuống hoạt động sát bờ biển Malaysia ở bãi cạn này.
Càng đuối lý, Bắc Kinh càng sợ đối mặt với công luận quốc tế ở các hội nghị cấp vùng, cấp khu vực. Mới đây Trung Quốc đã gây sức ép đòi Nhật Bản không đưa vấn đề Biển Đông vào nội dung bàn thảo ở hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức vào tháng 5 tới. Nhật sau đó đã bác bỏ yêu cầu ngang ngược này.
Ngay cả Australia quốc gia không liên quan trực tiếp trên Biển Đông nhưng có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khổng lồ đi qua vùng biển này hôm 21/3 cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều tàu, máy bay tuần tra Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo