Tin tức - Sự kiện

Nhiều tồn tại trong phát triển chợ truyền thống

Ngày 23-5, tại TP.HCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 và sơ kết thực hiện Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23-12-2009 của Chính phủ về công tác phát triển và quản lí chợ.
Theo Bộ Công Thương, sau khi thực hiện hai Nghị định nêu trên, công tác phát triển và quản lí chợ đã đạt được những kết quả tích cực.
 
Cụ thể, từ năm 2003 đến cuối năm 2012, cả nước đã cải tạo, nâng cấp được 2.984 chợ các loại, xây mới trên 2.000 chợ,  trong đó có 97% chợ đã sử dụng đạt hiệu quả. Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình khoảng 40%.
 
Theo nhận định của Bộ Công Thương, sự phát triển của hệ thống chợ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa, góp phần thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đưa hàng Việt về nông thôn.
 
Đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã chợ ngày càng phát triển ở nhiều địa phương. Theo tổng hợp từ Sở Công Thương các địa phương, cả nước hiện đã có 595 doanh nghiệp và hợp tác xã chợ. Trong đó có 50 tỉnh đã có doanh nghiệp chợ, 35 tỉnh có hợp tác xã chợ, 30 tỉnh có cả doanh nghiệp và hợp tác xã chợ.
 
Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, việc phát triển và quản lí chợ trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: số lượng chợ tăng nhanh nhưng phân bổ không đều, ở vùng nông thôn chủ yếu là chợ có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kĩ thuật còn sơ sài, lạc hậu.
 
Bên cạnh đó, tiến độ chuyển đổi các ban quản lí chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã còn chậm; vẫn còn tình trạng chợ hoạt động kém hoặc không hiệu quả tại một số địa phương; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy tuy còn nhiều hạn chế...
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, chợ đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động kinh tế của đất nước.
 
Tuy nhiên, để chợ thật sự là “đầu ra” hiệu quả cho hàng hóa do các doanh nghiệp sản xuất và là nơi mua sắm tin cậy của người dân, công tác phát triển, quản lí chợ cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Bà Hồ Thị Kim Thoa kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến phát triển, quản lý chợ nói riêng và hạ tầng thương mại nói chung. Trước hết là Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
 
Ngoài ra, đối với các tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách còn khó khăn có nhu cầu bức xúc về chợ nhưng không có khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn để đầu tư xây chợ thì Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn để đầu tư chợ…/. 
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo