Nhìn thẳng vào nợ xấu
Theo số liệu của NHNN, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9.2013 là 4,62%, giảm nhẹ so với mức 4,64% tính đến cuối tháng 8.2013 (tương đương 152.655 tỉ đồng nợ xấu). Trong khi đó, nhìn vào báo cáo tài chính quý III của một số ngân hàng vừa công bố cho thấy đà tăng của nợ xấu ngày càng lớn và nguy cơ báo động rất cao.
Nợ xấu đang tăng?
Tình hình tài chính của một tên tuổi lớn trong ngành ngân hàng là Vietcombank (VCB) đang trở nên “xấu” hơn. Theo báo cáo, tỉ lệ nợ xấu của VCB tăng mạnh từ con số 2,4% hồi đầu năm 2013 lên 2,98%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 2.683 tỉ đồng, tăng đến 85% so với đầu năm.
Dù rằng vẫn biện luận con số 2,98% vẫn nằm ở ngưỡng an toàn dưới 3%, song rõ ràng để nợ xấu xấu hơn cũng có nghĩa là ngân hàng làm ăn kém hiệu quả.
“Ngân hàng nội địa tốt nhất Việt Nam” MB (Ngân hàng Quân đội) cũng không thoát khỏi xu hướng chung về nợ xấu với tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,85% lên 2,58%.
Trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm nhiều nhất với 46,9%, tăng mạnh 52% so với cùng kỳ, lên 972 tỉ đồng. Trong khi đó, Vietinbank vừa nhận danh hiệu “World Class” của Giải thưởng chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) năm 2013 hồi tháng 10 cũng ghi nhận nợ có khả năng mất vốn quý III/2013 tăng gấp đôi, lên đến 5.431 tỉ đồng, còn lợi nhuận sau thuế giảm 19,2%.
Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tụt giảm nghiêm trọng 84% so với cùng kỳ, xuống còn 97 tỉ đồng trong khi tỉ lệ nợ xấu tiếp tục “leo thang” từ 2,7% lên tới 5,93%. Nợ có khả năng mất vốn tăng đến 56% và ở mức 1.382 tỉ đồng, chiếm 33% tổng nợ xấu. Tỉ lệ nợ xấu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cuối quý III/2013 là 3,34%, tăng mạnh so với 2,5% hồi đầu năm. Trong khi đó, Eximbank cũng chứng kiến nợ xấu tăng gấp rưỡi so với cuối 2012, lên 1.457 tỉ đồng.
Cá biệt có trường hợp của Navibank, trong khi lợi nhuận 9 tháng đầu năm giảm sút gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng tín dụng của Navibank lại bị âm 8,5%, nợ xấu tăng 42% so với đầu năm, nợ phải trả chiếm tới 87% tổng tài sản ngân hàng. Cụ thể, so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Navibank âm 8,53% với dư nợ cho vay khách hàng cuối quý III chỉ còn đạt 11.786,7 tỉ đồng.
Tổng nợ xấu của ngân hàng tại ngày 30.9 lên tới 1.034,7 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 8,78% tổng dư nợ tín dụng. Trong cơ cấu nợ xấu của Navibank, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) với mức tăng 71,5% sau 9 tháng, lên 418,8 tỉ đồng. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 3,3% lên 119,6 tỉ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 35,3% lên 496,3 tỉ đồng, chiếm 48% tổng nợ xấu.
Sẽ tệ hơn, nếu…
Và điều đáng ngại hơn đến từ những món nợ chưa được công bố. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9.2013 lên tới 12,7%, chứ không phải con số 4,62% nữa.
Càng ngày tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được các quan chức NHNN thừa nhận càng gần với số liệu mà các tổ chức tài chính quốc tế dự đoán. Như vậy có thể thấy cái kim trong bọc đang dần lòi ra. Không có một con số vững chắc nào về nợ xấu. Điều này cho thấy nợ xấu của nhiều ngân hàng hết sức phức tạp.
Năm 2013 chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc. Để đạt được điều mong muốn về tăng trưởng tín dụng là 12% thì có nghĩa là các ngân hàng đang phải chạy đua vượt rào tăng trưởng tín dụng 2% /tháng từ nay cho đến hết năm, có nghĩa là mỗi tháng phải cho vay 60.000 tỷ đồng.
Quả là quá khó khăn và đôi khi có thể nói là không tưởng. Với tảng đá nợ xấu đang ngày càng to ở trên thì ngân hàng không thể đẩy mạnh cho vay, dù có tháo rào cản thủ tục đến đâu chăng nữa. Ngân hàng đang chấp nhận một sự thật là lợi nhuận giảm sút nhưng quan trọng là bảo toàn được vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp thì vẫn tính toán những bước đi thận trọng.
Dù lãi suất đã giảm xuống con số 10% nhưng trong bối cảnh hiện tại quá khó để làm ra được lợi nhuận đủ để trả lãi ngân hàng chứ chưa nói gì lời, vậy thì vay cũng chẳng để làm gì. Chính cái vòng luẩn quẩn này đang khiến cho khối nợ xấu cứ thế quay hết vòng tái cơ cấu này đến vòng tái cơ cấu khác và không thể giảm.
Tín dụng đang rất khó khăn cả về chất và lượng. Cần nhìn thẳng vào tâm điểm đây là hậu quả của chính sách thắt chặt tín dụng quá mức. Và bây giờ là trách nhiệm của cả một nền kinh tế mà các giải pháp tháo gỡ cần phải nhất quán.
Trong khi đó, việc xác định đúng, đủ nợ xấu là điều quan trọng và cũng cần phải có cái nhìn thẳng vào vấn đề. Nếu các ngân hàng vẫn tiếp tục “cơ cấu” nợ xấu, hay dùng thủ thuật để che giấu, thì về lâu dài sẽ khiến tình hình tài chính ở những ngân hàng không minh bạch sẽ tệ hại hơn.
Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Cột tin quảng cáo