Quán cơm 0 đồng giữa mùa dịch
Đà Nẵng: Hải quân và Không quân xuất quân hỗ trợ phòng chống dịch / Facebook và VIA tổ chức “Học viện Instagram” hỗ trợ khởi nghiệp và phục hồi sau đại dịch
Anh Đỗ Thành Huấn (42 tuổi), hiện là chủ quán ăn Bình Ba ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Khoảng từ cuối tháng 6/2021, TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 nên quán cũng phải tạm ngưng hoạt động.
Mặc dù đóng cửa gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả một số khoảng tiền để quán ăn này được cầm cự qua mùa dịch. Tuy nhiên không vì lẽ đó mà chịu "nằm yên" tránh dịch, anh Huấn suy nghĩ: “Thời điểm này khó khăn là điều không tránh khỏi, nhưng ngoài kia còn biết bao người khó khăn hơn mình và họ cần sự giúp đỡ nên tôi cảm thấy trong lòng không yên khi bản thân không làm được gì cho mọi người”.
Sau khi bàn bạc, anh Đỗ Thành Huấn cùng nhóm bạn đã đồng ý lập ra quán cơm 0 đồng. Cứ như vậy, mỗi buổi sáng anh và nhân viên của mình đều có mặt ở quán đúng 7h để mua nguyên liệu, chuẩn bị, rồi bắt tay vào nấu cho 150 - 200 suất. Đến khoảng 11h, tất cả những phần cơm đã chuẩn bị đều được phát hết.
Mỗi ngày, các suất cơm có thực đơn món ăn khá đa dạng như: cơm, canh, đồ xào, món mặn (cá kho, thịt kho mặn, tôm kho, thịt kho hột vịt, đùi gà chiên...). Ngoài ra, một suất cơm còn có đầy đủ khăn ướt, khẩu trang. Khách hàng của quán đều là những hoàn cảnh khó khăn khác nhau, người bán vé số, người lao động tự do... Những khách hàng đặc biệt này khi đến “mua” cơm, ai ai cũng đều tỏ ra vui vẻ trước thái độ phục vụ ân cần của chủ quán và các nhân viên nơi đây, mỗi lượt khách đến nhận cơm, anh Huấn đều không quên tặng thêm khẩu trang y tế và nhắc nhở “Cô chú nhớ mang khẩu trang vào để bảo vệ an toàn sức khỏe!”.
Mỗi phần cơm được phát, anh Huấn không quên tặng thêm khẩu trang y tế và nhắc nhở rằng “Cô chú nhớ mang khẩu trang vào để bảo vệ an toàn sức khỏe!”.
Quán cơm 0 đồng đi vào hoạt động được 10 ngày, nhận thấy được khó khăn trong việc xếp hàng, giãn cách của bà con, ngay sau đó, anh Huấn và nhóm đã bàn bạc để chuyển sang hình thức hỗ trợ khác. Anh Huấn chia sẻ: “Do lúc này tình hình dịch bệnh cũng phức tạp, riêng về việc đảm bảo an toàn giãn cách khi đứng xếp hàng của bà con cũng gặp vấn đề nên tôi và mọi người quyết định dừng hoạt động này, thay vào đó là đến tận nhà của bà con gặp khó khăn do dịch ở những khu vực phong tỏa để phát lương thực (mỳ gói, rau củ quả, nước suối, trứng gà...). Việc làm này sẽ đảm bảo an toàn hơn về công tác phòng dịch đồng thời cũng xác định được đúng đối tượng khó khăn để phát”.
Những phần hỗ trợ được anh và nhóm trao tặng đến bà con trong khu cách ly.
Không chỉ vậy, khi thấy những lực lượng trực tuyến đầu và những đội lấy mẫu xét nghiệm phải trực xuyên suốt mỗi ngày, anh Huấn lại mang những thùng mỳ ly, nước suối đến tận nơi để gửi tặng, với mong muốn góp chút sức lực cho những lực lượng này có thêm động lực thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch.
Ông Lê Thanh Bình, Bí thư quận đoàn Cái Răng (TP Cần Thơ) cho biết, những lực lượng thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm rất cực nhọc, có khi phải đứng 5,6 tiếng để làm nhiệm vụ, nên cần có nguồn lương thực dự trữ để ăn, uống khi nghỉ ngơi.
“Thời điểm sau này, khi dịch bệnh kéo dài những doanh nghiệp cũng khó khăn hơn nên nguồn vận động hỗ trợ cho những lực lượng làm công tác phòng dịch chúng tôi cũng không còn nhiều. Hiện tại nhờ nhóm anh Huấn ủng hộ nước suối, mỳ ly nên chúng tôi cũng đỡ hơn phần nào. Việc làm của anh Huấn đối với tôi rất có ý nghĩa, vì biết được chúng tôi không chiến đấu một mình, lúc nào cũng có người dân ủng hộ", ông Bình nói.
Từ lúc giãn cách đến nay, công việc hằng ngày của anh là "người phân rau củ".
Cách đây 1 ngày, trang cá nhân của anh lại nổi lên thông báo “Hân hạnh thông báo khai trương New Shop. Mong bà con ủng hộ, dùng ngon miệng và yên tâm chống dịch nhé!”. Lần này, anh Huấn lại tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình là mở ra hoạt động phát bánh mì 0 đồng, mỗi ngày 200 ổ đều đặn được gửi đến những khu vực lao động nghèo, khu phong tỏa.
Mỗi ngày, có 200 ổ bánh mỳ được đều đặn phát ra cho lao động nghèo.
Được nhận tận tay 3 ổ bánh mì, bà Nguyễn Thị Trâm (65 tuổi) vui mừng chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 3 bà cháu sống với nhau. Lúc trước, mỗi ngày tôi còn được đi bán vé số để kiếm sống qua ngày còn bây giờ vé số cũng ngưng hoạt động nên chúng tôi chỉ có thể nằm ở nhà mong chờ hỗ trợ. Sáng nay, nhờ có mấy ổ bánh mì này mà 3 bà cháu tôi được no thêm một buổi”.
Anh Huấn cho biết, ban đầu anh tự bỏ tiền túi để thực hiện hoạt động. Nhưng sau đó, do việc lành vang xa, nhiều người bạn của anh biết đến và họ cùng chung tay ủng hộ. Ai có tiền giúp tiền, ai có sức giúp sức. Đến nay, tổng kinh phí thực hiện tất cả hoạt động đã lên đến 100 triệu đồng trong đó khoảng tiền anh Huấn đã góp vào là hơn 20 triệu đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo