Tin tức - Sự kiện

Nhiều tỉnh chưa rút tiền để chi hỗ trợ cho người mất việc làm

DNNV – Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã có hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, với số tiền giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh, thành sợ trách nhiệm, lúng túng trong triển khai, chưa chi hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, mất việc theo quy định.

Người lao động tự do ở Cần Thơ vui mừng chờ đón gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ / Hậu Giang: Dự kiến hỗ trợ 30 tỷ đồng cho người lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19

Hàng chục triệu lao động đang bị ảnh hưởng đến việc làm

Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19, lần bùng phát dịch lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh và ở diện rộng đã chính thức là đòn phủ đầu làm cho các doanh nghiệp (DN) và cả người lao động không thể gắng gượng và chống đỡ được nữa.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8, số doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế trong 8 tháng của năm lên tới 85.500 doanh nghiệp và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số) đăng ký rút lui khỏi thị trường, tăng 6,6%.

DN rút lui khỏi thị trường không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Càng nhiều DN rút lui đồng nghĩa với việc sẽ có vô số người lao động thuộc các DN đó sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp, mất việc làm. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng trên cả nước hiện nay thì việc vấn đề việc làm càng trở nên nhức nhối hơn.

Theo đánh giá của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), hiện nay hàng chục triệu lao động đang bị ảnh hưởng đến việc làm. Đáng quan ngại hơn nữa là tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đang tăng nhanh chóng. Các chuyên gia cũng nhận định, thời gian tới, thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 sẽ có thể còn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Cục Việc làm cũng cho biết, trong quý 2/2021, số người thất nghiệp là 1,2 triệu người, chiếm 2,62%. cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Theo báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố, 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; số lao động tạm ngừng việc là gần 4 triệu người (20% tổng số lao động). Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, số người ngừng việc có sự khác nhau, chênh lệch lớn giữa các vùng, các tỉnh tại thời điểm hiện nay. Cụ thể, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, hiện nay có gần 20% doanh nghiệp dừng hoạt động, số lao động ngừng việc gần 3 triệu người (33,4% tổng số lao động).

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, con số thực tế về tình hình việc làm và tỷ lệ thất nghiệp của những người lao động có thể lớn hơn rất nhiều.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngoc Dung, hiện đã giải ngân 8400 tỷ hỗ trợ 15 triệu lao động. Tuy nhiên, nhiều tỉnh vẫn sợ trách nhiệm, lúng túng trong triển khai.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngoc Dung, hiện đã giải ngân 8.400 tỷ hỗ trợ 15 triệu lao động. Tuy nhiên, nhiều tỉnh vẫn sợ trách nhiệm, lúng túng trong triển khai.

Đã giải ngân 8.400 tỷ đồng, nhiều tỉnh thành vẫn chưa chi hỗ trợ người lao động

Trước những khó khăn của người dân và người lao động trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Trong cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với 20 tỉnh, thành thực hiện Chỉ thị 16, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung thông tin hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, với số tiền giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, nhiều nơi vẫn còn biểu hiện lúng túng, sợ trách nhiệm trong triển khai hỗ trợ, cần rút kinh nghiệm. Bộ trưởng Dung nêu cụ thể hai tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long chưa rút kinh phí nhà nước để chi. 9 tỉnh khác chưa chi hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, mất việc, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.

Với việc còn chậm chi hỗ trợ người lao động như hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, chính quyền lo thất thoát, chi sai đối tượng, nên để người lao động tự do có được xác nhận thất nghiệp và nhận trợ cấp là không dễ. Qua dịp này, ngành lao động nên triển khai hệ thống dữ liệu về lao động phi chính thức, để người lao động dù làm ở bất kể đâu cũng dễ dàng được theo dõi, hỗ trợ khi cần.

Bên cạnh đó, cũng cần giải pháp về miễn trừ một phần trách nhiệm cho chính quyền địa phương, chấp nhận việc họ có thể chi nhầm cho một số ít người, nhưng đảm bảo tất cả người cần đều được hỗ trợ.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm