NHNN lạc quan bán nợ xấu
Đề án 254 về tái cơ cấu ngân hàng được Chính phủ phê duyệt, xem xét cho nước ngoài tăng sở hữu tại một tổ chức tín dụng cao hơn so với quy định hiện hành. Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận ngân hàng đang xấu dưới góc độ thanh khoản nhưng vẫn lạc quan cho rằng chỉ cần trường vốn người mua sẽ có lợi.
Ngân hàng "xấu", nhà đầu tư vẫn mua
Trả lời báo chí về việc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đang rất khó khăn, nợ xấu cao, vốn chủ sở hữu bị ảnh hưởng, nếu Thống đốc là nhà đầu tư có bỏ tiền vào GPBank không.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận Ngân hàng GPBank xấu nhưng theo Thống đốc Bình, GPBank xấu là xấu dưới góc độ thanh khoản, còn nó vẫn là tài sản. Chỉ cần trường vốn, người mua sẽ duy trì được và đến lúc nào đó họ có thể khôi phục lại.
"Nhà đầu tư trường vốn nên mua. Nước ngoài khác người Việt, họ thực dụng hơn. Họ phải thấy có thể làm được gì ở đây thì họ mới đầu tư. Họ tính toán kỹ lắm, làm khảo sát thực tế cả bốn tháng nay, đánh giá từng khoản tín dụng một", ông Nguyễn Văn Bình nói.
Trong khi tập đoàn UOB của Singapore đang khảo sát thực tế ở Ngân hàng GPBank 4 tháng chưa có kết quả mới đây ngân hàng nước ngoài như OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation Limited) Singapore lại thoái vốn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank). OCBC đã bán toàn bộ 14.88% cổ phần, tương đương 85.83 triệu cp VPBank cho một nhóm nhà đầu tư cá nhân người Việt.
OCBC không lý giải lý do thoái vốn khỏi VPBank. Sau 7 năm là đối tác chiến lược với VPBank, OCBC lãi 14.4 triệu USD, mức lợi nhuận đạt 35%.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của VPBank cho thấy tăng trưởng tín dụng của VPBank tăng rất mạnh, trên 28% trong 9 tháng đầu năm, trong đó riêng Quý III tăng 5%, song lãi 9 tháng giảm gần 27% (so với cùng kỳ năm ngoái), còn 423,5 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn cùng tăng mạnh.
So với mức lỗ hơn 10 tỷ đồng của quý III năm ngoái trong kinh doanh ngoại hối và vàng, quý III năm nay, VPBank lại có lãi 7,5 tỷ đồng. Tuy vậy, không “cứu” được ngân hàng thoát lỗ trong lĩnh vực này. Cả 9 tháng đầu năm, VPBank vẫn lỗ 10,2 tỷ đồng kinh doanh ngoại hối và vàng, so mức lỗ cùng kỳ là 6,6 tỷ đồng.
Thực tế, báo cáo tài chính quý III vừa qua của nhiều ngân hàng khác cũng cho thấy nợ xấu tăng mạnh và nợ có nguy cơ mất vốn ở mức cao.
Đơn cử như ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn- Hà Nội (SHB) đến 30/9, nợ xấu giảm mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao (7,74% dư nợ). Trong quý trước, SHB là một trong những ngân hàng dẫn đầu về nợ xấu (trên 9%).
Xét về giá trị tuyệt đối, SHB sau 9 tháng vẫn đang "vướng" hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ có khả năng mất vốn vẫn cao và tăng mạnh từ 2.000 tỷ (quý II) lên 3.600 tỷ đồng trong quý III.
Phần lớn nợ xấu của SHB được chuyển về từ Habubank trước đây. Nói về khối "cục máu đông" vẫn còn tồn đọng này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) cho biết, nợ xấu đã ít đi nhưng vẫn cần giảm hơn nữa. "Cuối năm 2013, SHB cam kết đưa nợ xấu về dưới 5%", ông Hiển tự tin cho biết.
Lũy kế 9 tháng, Techcombank lãi trước thuế 750 tỷ, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2012. Tín dụng của ngân hàng sau ba quý chỉ tăng trưởng 2,4%. Chi phí dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu gấp 3 lần năm ngoái. Nợ xấu đến 30/9 tăng lên 5,9% (quý II nợ xấu chiểm 5,2% dư nợ). Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Techcombank còn khoảng hơn 4.100 tỷ đồng nợ xấu.
Lý giải với VnExpress về nguyên nhân nợ xấu không giảm mà tăng mạnh, ông Đỗ Tuấn Anh - quyền Tổng giám đốc Techcombank - cho rằng những giải pháp xử lý nợ tập trung của ngân hàng "cần thời gian để chứng tỏ tính hiệu quả".
"Như các ngân hàng khác, khách hàng của Techcombank cũng chịu nhiều tác động của suy thoái, nhiều trong số đó dù cầm cự được một thời gian nhưng đã bắt đầu gặp khó khăn nên khó trả nợ đúng hạn cho ngân hàng", ông Tuấn Anh giải thích.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Á Châu (ACB) tại thời điểm 30/9 là 3,34% tổng dư nợ tín dụng, tăng so với tỷ lệ 2,5% hồi đầu năm. Như vậy, ACB cũng thuộc trong những ngân hàng buộc phải bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC).
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tính đến chiều 26/11, VAMC đã mua trên 18.000 tỷ đồng nợ gốc, tương đương 14.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt mà VAMC sẽ phát hành của 21 ngân hàng.
Trong số các ngân hàng bán nợ cho VAMC, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) là 2 đơn vị đứng đầu về số nợ xấu được xóa tạm thời trên bảng cân đối sổ sách (SCB bán nợ đạt 1.739 tỷ đồng còn Agribank là 1.723 tỷ đồng).
Không phải “miếng bánh ngon”
Trong khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình kỳ vọng nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài khi mở cửa cho ngân hàng ngoại mua lại các ngân hàng yếu kém là một giải pháp được kỳ vọng tạo đột phá cho tái cấu trúc ngân hàng, nhiều chuyên gia kinh tế lại đánh giá, tính khả thi của đề án này chưa cao.
Xét về mặt kinh tế, các chủ sở hữu của tổ chức tín dụng yếu kém không sẵn sàng bán phần vốn của họ cho đối tác nước ngoài trong bối cảnh tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn, bởi e ngại bị ép giá khi thương lượng”, một chuyên gia ngân hàng phân tích và nhấn mạnh.
“Mặt khác, về phía các định chế tài chính nước ngoài (bên mua), họ chỉ chấp nhận đầu tư vào các thương vụ và tài sản có tiềm năng, có khả năng sinh lời nhanh. Việc đầu tư vào một tổ chức tín dụng yếu kém có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của bên mua, nhìn chung không thuộc “khẩu vị” đầu tư ưa thích của các định chế tài chính quy mô lớn.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi một trong những yếu tố quan trọng nhất để đưa tới tái cơ cấu thành công là cần một dòng tiền thực được bơm vào ngân hàng.
Không những thế, nhà đầu tư nước ngoài có thể hỗ trợ tổ chức tín dụng trong nước về công nghệ, kỹ năng quản trị, giúp quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.
“Tuy nhiên, thời điểm và đối tượng NĐT nước ngoài nào được tham gia mua vốn TCTD yếu kém trong nước vẫn cần được thảo luận sâu hơn”, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo