Tin tức - Sự kiện

Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn chợ Đông Ba

“Làm cái nghề cửu vạn này, đến độ rồi cũng héo mòn, có người thì vẹo xương sống, người còng lưng, bung gân, trầy xước, người thì toàn thân đau mỏi là chuyện bình thường”dì Lộc chia sẻ.

 Phút nghỉ ngơi vội vã...

Oằn mình mưu sinh

Ghé bến xe chợ Đông Ba, thành phố Huế vào một buổi chiều nắng to và oi bức, dạo quanh một vài phút thì điểm nhìn của chúng tôi bị níu lại bởi những người phụ nữ ngồi ở giữa sân bến xe. Tất cả họ đều đội nón lá, mặc những chiếc áo khoác bạc màu, đôi mắt trũng sâu và đang ngồi đợi chờ một điều gì đó… Họ là những người phụ nữ làm bốc vác ở chợ Đông Ba.
 
Dì Lộc là một người phụ nữ đã ngoài 60 và có hơn 40 năm gắn bó với cái nghề lấy công làm lời này. Thân người dì gầy guộc, những đường gân xanh chạy ngoằn ngoèo dưới làn da nhăn nheo, đôi mắt khắc khoải như là những minh chứng cho những khắc nghiệt của cuộc sống. 
 
Mỗi lần có xe chở hàng vào chợ, Dì Lộc và những người phụ nữ cửu vạn í ới gọi nhau đứng dậy choàng vội tấm áo mang theo gánh, xe kéo, bao tay... lao tới. Xe vừa dừng hẳn, hai người đàn ông khỏe mạnh nhảy lên mui tháo tấm bạt che, một số khác chạy về phía cuối xe mở nắp thùng, nhảy vào trong đẩy hàng ra phía sau. Bên dưới đã có hơn chục người phụ nữ ghé vai đang đợi sẵn để thồ hàng nhanh chóng được vận chuyển đến từng ki-ốt nằm trong chợ. Cứ như vậy, hết chuyến này đến chuyến khác, những người phụ nữ già có, trẻ có oằn lưng tải những bao hàng nặng hơn cả trọng lượng cơ thể mình lầm lũi bước đi đến từng ngõ ngách phía sâu trong chợ.
 
... Sau những giờ lao động cực nhọc
 
Cuộc đời hơn 60 năm của dì Lộc mà tôi được nghe gắn với nghề là gắn với những nốt trầm. Kiếm sống ở nơi đất khách quê người thật không hề dễ dàng. Dì bắt đầu làm ở bến xe Gia Hội, rồi chuyển về bến xe Nguyễn Hoàng và bây giờ là bến xe Đông Ba. Bến xe đi đâu là dì theo đó.
 
Nhìn những quầy hàng hóa, dì Lộc thủ thỉ: “Dì cũng muốn có vốn buôn bán như người ta để nhàn nhã hơn nhưng khó lắm”. Những lúc làm không đủ chi tiêu, dì phải vay trước của những tiểu thương trong chợ rồi làm mà trả dần.
 
Khi thấy tôi ngó hộp cơm không có miếng thức ăn nào trên tay dì, dì Lộc bộc bạch “buổi trưa, dì ăn cơm 8.000đồng/hộp ở chợ Đông Ba, toàn là cơm trắng với rau muống xào, canh mặn tìm chỗ nào mát mát ít bụi bặm rồi ngồi ăn qua bữa lấy chút sức chiều mà chạy hàng, chớ dĩa cơm giờ cũng hơn chục ngàn đồng rồi mất đứt 3 lần vác hàng. Nhiều hồi muốn ăn tô bún, bát cháo vịt, cháo gà nhưng càng nghĩ tới lại ứa nước mắt không dám ăn, ăn rồi lấy tiền đâu mà lo khi trái gió trở trời, ốm đau”.
 
Làm nghề cửu vạn phải làm quanh năm không có thời gian nghỉ trời nắng thì đội nắng, trời mưa cũng phải dầm mưa. “Làm như thế thì thời gian nghỉ ngơi ở đâu”? một người phụ nữ ngồi cạnh dì Lộc trả lời thắc mắc của tôi bằng những lời cụt ngủn: “Thì bạ đâu ngủ đó. Tranh thủ những lúc không có hàng vào mái hiên chợ cố chợp mắt tý để lấy sức mà làm”.
 
Dì Lộc và một số người phụ nữ khác làm nghề cửu vạn ở chợ Đông Ba này đến từ những vùng quê khác nhau như Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam...
 
Cuộc sống quê nhà khổ cực, thất học, nghèo đói nên để tiếp tục sống và nuôi con họ đã đến đây làm cửu vạn. Lao động vất vả, so với công sức của mình bỏ ra tiền thu nhập chẳng được là bao nhưng họ vẫn phải cố làm, vất vả hơn làm nông nhiều nhưng ở quê ruộng ít, lên phố thì chẳng nghề nghiệp, tuổi lại cao nên vẫn đành làm.
 
Dì kể, có lần dì bị đau nhưng vẫn ráng đi làm, đến khi vác hàng nặng quá kiệt sức thế là phải nhập viện gần nửa tháng, nhưng rồi vừa ra viện mấy ngày lại ‘’khăn đùm áo gói” đi làm lại liền. Dì chép miệng: “đàn bà làm cái nghề cửu vạn này, đến độ rồi cũng héo mòn, có người thì vẹo xương sống, người còng lưng, bung gân, trầy xước, người thì toàn thân đau mỏi là chuyện bình thường. Hôm trước có cô nọ mới hơn 40 tuổi thất nghiệp nghe đâu từ Quảng Trị vào làm được hơn 2 bữa rồi bỏ nghề do chịu không nổi thương quá tụi dì góp tiền lại cho ả đón xe về quê’’.
 
Chia tay với những người phụ nữ cửu vạn khi cái nắng chiều oi bức của Huế đã dịu hẳn, cũng là lúc công việc của các dì kết thúc, tôi không khỏi chạnh lòng. Ngó lại phía xa xa trong chợ, Dì Lộc với bước chân uể oải lúc nghiêng bên trái lúc ngả bên phải, xiêu xiêu, vẹo vẹo. Áo dì đẫm màu nước bạc, màu của nước mưa lẫn trong mồ hôi nhễ nhại, trên tay cầm những đồng tiền lẻ cũ nát… bước về căn nhà trọ, sẽ là ăn tạm bữa cơm rau, ngủ vội một giấc để nửa đêm lại trở dậy, ra chợ, bắt đầu một ngày còng lưng đưa vai làm cửu vạn mới của mình.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo