Những bê bối tại tòa nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam
Từ khi xây dựng đến khi được đưa vào vận hành, Keangnam chịu không ít những điều tiếng xấu.
Liên tiếp có tai nạn chết người
Từ tháng 7/2009 tới tháng 2/2010, tại tòa nhà cao nhất Việt Nam này đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 6 người chết và ít nhất 3 người bị thương. Đây là một con số khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Sự việc nổi cộm đến mức, ngày 26/2/2010 Phó chủ tịch UBND Hà Nội khi đó là ông Phí Thái Bình đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện công trình Keangnam.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn được Công an Từ Liêm khi đó cho biết là do quá chú trọng đến tiến độ, thiếu đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn lao động cho người lao động trong lúc thi công.
Với hàng loạt sai phạm, 15 nhà thầu cả chính lẫn phụ tại công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam đã bị xử phạt 235 triệu đồng.
Keangnam bị cáo buộc thuê giang hồ xử dân
Sự việc xảy ra vào lúc 21h10 ngày 18/11/2011, nạn nhân là anh Trần Thanh Hiền, SN 1972, sống tại can hộ A1803 tòa nhà này.
Theo những người chứng kiến cho biết, sự việc xảy ra do anh Hiền phản ứng với việc BQL tòa nhà cấm mọi người đến khu vực sân chơi công cộng dành cho cư dân hai tòa A và B của Keangnam để cho thuê địa điểm làm lễ khai trương nhà mẫu Golden Palace.
Nhân chứng kể lại rằng, 4 người đàn ông được cho là do BQL toàn nhà Keangnam thuê tới vỗ vai anh Hiền và cứ thế xông vào đánh đấm anh này dã man. Không chỉ dùng tay, chân đấm, đá, nhóm đối tượng côn đồ này còn dùng những chiếc ghế gấp và ghế gỗ để lao vào hành hung anh Hiền.
Quá bất bình với việc làm của bảo vệ tòa nhà, cư dân Keangnam đã tập trung biểu tình.
Keangnam trốn thuế
Cuối năm 2012, cùng với Coca Cola, Adidas... Keangnam cũng được ngành Thuế liệt vào danh sách những doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có nghi vấn trốn thuế.
Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina liên tục kêu lỗ trong nhiều năm liền, thậm chí, năm 2011, khi toà nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới 5.200 tỷ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn.
Công ty chưa từng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoại trừ VAT, thuế sử dụng đất.
Theo đó, với việc chuyển lãi từ Việt Nam về Hàn Quốc cho 'người anh em' Keangnam Enterprise hàng nghìn tỷ đồng, Keangnam - Vina tự tin báo lỗ, không phải đóng thuế tại Việt Nam.
Sau đó, tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, kết quả thanh tra đã buộc Keangnam Vina phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Công ty này cũng bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 95,2 tỷ đồng.
'Đuổi' dân ra khỏi nhà
Vụ việc xảy ra vào cuối năm 2011 khi BQL toà nhà Keangnam đã cắt điện toà nhà khiến nhiều người bị mắc kẹt hoặc không thể về nhà mình. Ngay sau đó, hàng trăm cư dân mang theo khẩu hiệu và cả bếp than tổ ong xuống 'biểu tình'.
'Cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn khi nhà chúng tôi mà mà lại bị đuổi ra. Cư dân đã chuẩn bị mọi đồ dùng sinh hoạt cần thiết để ngủ lại sân, phòng làm việc của toà nhà để phản đối' - ông Trần Xuân Trạch, Phó ban đại điện cư dân Keangnam khi đó cho biết.
Theo lời ông Trạch, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 4520/QĐ-UBND ngày 29/9/2011 quy định phí trần đối với dịch vụ nhà chung cư là 4.000 đồng/m2. Tuy nhiên, BQL toà nhà Keangnam đã 'phớt lờ' quy định này khi thu phí 18.700 đồng/m2, cao gần gấp 5 lần so với quy định.
Sự việc khiến cư dân tòa nhà phản đối gay gắt, kiên quyết không đóng số tiền này khiến BQL tòa nhà cắt điện nhiều nhà dân, cắt điện thang máy, bắt họ leo bộ cả chục tầng tòa nhà.
Tòa nhà bị rao bán, người dân nguy cơ mất trắng 160 tỷ đồng
Mới đây, thông tin tập đoàn Keangnam phá sản và tòa nhà này bị giao bán khiến nhiều cư dân sinh sống ở đây hoang mang. Chưa kịp hoàn hồn thì ngày 15/5, Nhật báo Joongang, một trong 3 tờ báo lớn nhất Hàn Quốc hé lộ vụ lừa đảo bán tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam cho Quỹ đầu tư Qatar.
Vụ việc gây chấn động dư luận Hàn Quốc bởi thủ phạm vụ lừa đảo này là giám đốc điều hành một công ty bất động sản tại New York (Mỹ), đồng thời được cho là cháu một nhân vật quyền lực ở Hàn Quốc.
Khi tòa nhà Keangnam nhất định sẽ bị bán, dân cư sinh sống nơi đây vô cùng lo lắng vì giữa họ và chủ đầu tư vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc chưa thể giải quyết.
Một trong số đó là việc Keangnam có nguy cơ phá sản và mất khả năng thanh toán quỹ bảo trì 2% lên tới hơn 160 tỷ đồng. Trước nguy cơ này, trước đó ngày 8/5/2015, Ban Quản trị Nhà Chung cư Keangnam đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính Phủ 'kêu cứu'.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Cột tin quảng cáo