Những chính sách có hiệu lực từ tháng 9.2013
Kéo dài thời hạn nâng lương người bị kỷ luật
Thông tư 08/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với cán bộ (CB), công chức (CC), viên chức (VC) và người lao động (NLĐ) quy định: từ 15.9.2013, CB bị kỷ luật cách chức; CC bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức, VC và NLĐ bị kỷ luật cách chức thì sẽ kéo dài thời gian nâng bậc lương trong 12 tháng. CB, CC bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; VC và NLĐ bị kỷ luật cảnh cáo; CB, CC, VC và NLĐ không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm sẽ bị kéo dài thời gian nâng lương 6 tháng.
Trường hợp trong thời gian giữ bậc có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ bị kéo dài 6 tháng. Kéo dài 3 tháng đối với VC và NLĐ bị kỷ luật khiển trách. Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên bằng tổng các thời gian bị kéo dài quy định tại các trường hợp đó cộng lại.
Cũng theo thông tư này, những cá nhân có thành tích xuất sắc được cấp có thẩm quyền quyết định bằng văn bản sẽ được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.
Miễn học phí cho một số đối tượng
Theo Nghị định 74/2013, từ 1.9.2013 thêm 3 đối tượng được miễn giảm học phí gồm: học sinh (HS), sinh viên (SV) người dân tộc thiểu số ít người ở vùng có điều kiện KTXH khó khăn; SV học chuyên ngành Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; HS, SV các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh. Trẻ em học mẫu giáo và HS, SV có cha mẹ thường trú ở các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn sẽ không còn được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định trên nữa.
Mới đây, Thủ tướng cũng đã có Quyết định số 36 quy định từ 1.9.2013, HS vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng và không quá 9 tháng/năm học cho mỗi HS. Quy định này được áp dụng với HS tiểu học và THCS đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; HS bán trú đang học tại các trường tiểu học và THCS công lập ở khu vực có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn; HS là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc không thể đi về trong ngày tại các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.
Ngoài ra, cũng từ tháng 9 này, nhiều quy định liên quan đến khuyến khích học phí, miễn giảm học phí đối với HS-SV bắt đầu có hiệu lực. Theo quyết định của Bộ Giáo dục - Đào tạo về học bổng khuyến khích học tập đối với HS, SV trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ ngày 15.9 tới, mức học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với trường công lập và tối thiểu bằng 2% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với trường ngoài công lập. Đối với các trường sư phạm và các ngành nghề đào tạo không thu học phí thì quỹ học bổng được trích tối thiểu bằng 8% nguồn ngân sách nhà nước cấp bù học phí.
Tăng 9,6% lương hưu
Theo Nghị định (NĐ) 73 Chính phủ vừa ban hành, sẽ tăng thêm 9,6% mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng đối với 7 nhóm đối tượng, trong đó có CB-CC, công nhân, VC và NLĐ; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại NĐ 92/2009, NĐ số 121/2003 và NĐ số 09/1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật…
NĐ này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2013, thời điểm áp dụng quy định trên được tính từ 1.7.2013.
End of content
Không có tin nào tiếp theo